KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN NỀN Y, DƯỢC CỔ TRUYỀN VÀ HỘI ĐÔNG Y TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM
2020
Căn cứ Nghị quyết 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ
Chính trị về “Công tác bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong
tình hình mới”; Chỉ thị 24-CT/TW về “Phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông
y Việt Nam trong tình hình mới”.
Thực hiện Quyết định số 2166/QĐ-TTg
ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động của Chính
phủ về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020; Chỉ thị 26-CT/TU
ngày 14/11/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi về
tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm
sóc sức khoẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; Kết luận số 392-KL/TU ngày 04/11/2013
của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sơ kết Chỉ thị 24-CT/TW ngày
04/7/2008 của Ban Bí thư về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt
Nam trong tình hình mới; xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 791/TTr-SYT ngày 17/7/2014, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Phát triển
nền y, dược cổ truyền và Hội Đông y tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, cụ thể như
sau:
A. KHÁI QUÁT TÌNH
HÌNH CÔNG TÁC KHÁM, CHỮA BỆNH BẰNG Y DƯỢC CỔ TRUYỀN CỦA TỈNH
Thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW về “phát
triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới” (sau đây
viết tắt là Chỉ thị 24-CT/TW); Quyết định số 2166/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ
tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y, dược
cổ truyền Việt Nam đến năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành y tế chủ trì phối hợp
các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển
công tác khám, chữa bệnh (KCB) bằng y dược cổ truyền (YDCT), kết hợp y học cổ
truyền (YHCT) với y học hiện đại (YHHĐ) nhằm phát huy những thế mạnh của YDCT.
Trong những năm qua, công tác KCB bằng
YDCT bước đầu đã có sự phát triển. Mạng lưới khám, chữa bệnh bằng YDCT trên địa
bàn được củng cố, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có khoa Đông Y, Bệnh viện đa khoa
(BVĐK) Đặng Thuỳ Trâm, BVĐK huyện Sơn Tịnh đã thành lập khoa Đông Y - Phục hồi
chức năng; các BVĐK/TTYT huyện khác đều có tổ, bộ phận KCB
bằng YDCT; 106 Trạm Y tế xã đạt chuẩn/tiêu chí quốc gia về y tế có vườn thuốc
nam theo quy định và có cán bộ khám chữa bệnh bằng YDCT kết hợp với YHHĐ. Trang
thiết bị khám chữa bệnh bằng YDCT từng bước được đầu tư cho các bệnh viện trong
tỉnh. Hiện nay, 13/14 huyện thành phố đã thành lập Hội Đông y cấp huyện, nhiều
Hội đã đi vào hoạt động có hiệu quả; có 04 chi hội trực thuộc Hội Đông y tỉnh,
56 Chi hội Đông y cơ sở (gồm Hội và Chi hội Đông y xã, phường và liên xã,
phường, thị trấn) trực thuộc Hội Đông y các huyện, thành phố với 142 phòng
chẩn trị và 425 hội viên được tổ chức hoạt động ở 3 cấp từ tỉnh đến cơ sở. Sở Y
tế đã hoàn thành việc đầu tư sửa chữa một phần cơ sở của BVĐK tỉnh cũ, đưa Bệnh
viện Y học cổ truyền của tỉnh hoạt động vào tháng 7/2014.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã
đạt được công tác YDCT của tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn nhiều tồn tại cần sự quan
tâm, đầu tư và khắc phục:
- Thiếu đầu tư nguồn lực cho lĩnh vực
YDCT từ các cấp các ngành: Trong thời gian qua việc đầu tư nguồn lực cho lĩnh vực
YDCT còn hạn chế, chưa thật sự trở thành nguồn động lực chính để chuyển biến, củng
cố hoàn thiện và phát triển công tác KCB bằng YDCT; công tác xã hội hóa trong lĩnh vực YDCT chưa được phát huy.
- Mạng lưới tổ chức, nhân lực chuyên
môn về YDCT chưa hoàn chỉnh, ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý và hoạt động
chuyên môn: Sở Y tế chưa có Phòng quản lý YDCT, chưa có cán bộ chuyên khoa YDCT
chuyên trách theo dõi công tác YDCT; hệ thống KCB bằng YDCT ở các bệnh viện,
trung tâm y tế chưa đảm bảo; nhân lực và trình độ chuyên môn ở các tuyến vừa
thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của việc triển khai thực hiện nâng
cao chất lượng KCB bằng YDCT; công tác nghiên cứu khoa học,
kế thừa và phát triển dược liệu thuộc lĩnh vực YDCT còn bỏ ngõ.
- Một số BVĐK/TTYT huyện chưa có khoa
Đông y, hoạt động KCB bằng YDCT ở Trạm Y tế xã chưa mạnh.
- Hoạt động của Hội Đông y các cấp hiệu
quả chưa cao; việc xây dựng, củng cố và phát triển Hội còn chậm, gặp rất nhiều
khó khăn; chất lượng khám và điều trị bằng YDCT tại các phòng chẩn trị chưa được
nâng cao; trình độ chuyên môn quản lý, lý luận chính trị của cán bộ, hội viên
còn hạn chế.
- Công tác đào tạo cán bộ chuyên khoa
YHCT chưa được chú trọng đầu tư; công tác đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí, một
số chế độ chính sách cho cán bộ Hội còn hạn chế và thiếu thống nhất.
* Nguyên nhân tồn tại:
- Các cấp ủy đảng, chính quyền một số
địa phương chưa thật sự quan tâm đầu tư đến lĩnh vực này, công tác tuyên truyền
chưa sâu rộng, nhiều nơi chưa hỗ trợ, phối hợp cùng ngành y tế để triển khai thực
hiện.
- Nguồn ngân sách đầu tư cho lĩnh vực
y tế của tỉnh chưa cao, trong khi nhu cầu đầu tư trang thiết bị YHHĐ có tính cấp
thiết hơn nên đã được ngành ưu tiên hơn.
- Hệ thống tổ chức quản lý KCB bằng
YDCT và Hội Đông Y các cấp chưa hình thành rõ ràng và phát triển không đồng bộ.
- Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho
YDCT chưa được quy hoạch, cán bộ y tế thiếu sự tha thiết với ngành YDCT.
- Sự chuyển giao, kế thừa các bài thuốc
gia truyền của các lương y, lương dược lớn tuổi có kinh nghiệm cho thế hệ sau
chưa được quan tâm đúng mức, Nhà nước chưa có cơ chế để hỗ trợ và chuẩn hóa.
B. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NỀN Y,
DƯỢC CỔ TRUYỀN VÀ HỘI ĐÔNG Y TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2020
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu
chung
Hiện đại hóa và phát triển mạnh y, dược
cổ truyền của tỉnh, tạo bước chuyển biến rõ rệt trong công tác kế thừa, bảo tồn
và phát triển YDCT; kết hợp YHCT với YHHĐ trong chăm sóc và bảo vệ nâng cao sức
khoẻ nhân dân; củng cố và phát triển tổ chức, mạng lưới y, dược cổ truyền; củng
cố và phát triển Hội Đông Y các cấp.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý
y, dược cổ truyền: Phấn đấu đến năm 2015 thành lập Phòng nghiệp vụ Y dược cổ
truyền thuộc Sở Y tế; Phòng Y tế huyện, thành phố có cán bộ theo dõi y dược cổ
truyền theo quy định của Trung ương.
b) Phát triển cơ sở khám chữa bệnh:
- Đến năm 2015: Bệnh viện Y học cổ
truyền của tỉnh hoạt động và phát huy hiệu quả; 70-80% BVĐK huyện, thành phố có
Khoa Đông y; 80% Trạm Y tế xã/phường/thị trấn (gọi tắt là Trạm Y tế) có cán bộ
khám, chữa bệnh bằng YDCT.
- Đến năm 2020, định hướng xây dựng
và kiện toàn Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh theo hướng bệnh viện đa khoa y học
cổ truyền; 100% BVĐK huyện, thành phố có Khoa Đông y; 100% Trạm Y tế có cán bộ
y, dược cổ truyền và khám, chữa bệnh bằng YDCT.
- Chú trọng đến công tác xã hội hóa
trong lĩnh vực khám chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền; phấn đấu đến năm 2020:
+ 70% Hội Đông y các huyện, thành phố
có Phòng chẩn trị y, dược cổ truyền được các tổ chức cá nhân liên kết đầu tư cơ sở, trang thiết bị, nguồn nhân lực để tổ
chức thực hiện công tác khám, chữa bệnh bằng y dược cổ truyền đồng thời là đầu
mối gắn kết các cơ sở khám chữa bệnh y, dược cổ truyền tư nhân trên địa bàn huyện,
thành phố hoạt động đúng theo tôn chỉ, mục đích của Hội.
+ Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu
tư cơ sở dịch vụ cung ứng, buôn bán, sơ chế dược liệu y học cổ truyền trên địa
bàn tỉnh để cung ứng cho các cơ sở khám, chữa bệnh đúng quy định.
c) Tỉ lệ khám, chữa bệnh bằng y, dược
cổ truyền và kết hợp YHCT với YHHĐ:
- Đến năm 2015: tuyến tỉnh đạt 15%;
tuyến huyện đạt 20% và tuyến xã đạt 30%;
- Đến năm 2020: tuyến tỉnh đạt 20%;
tuyến huyện đạt 25% và tuyến xã đạt trên 40%.
d) Hiện đại hóa y, dược cổ truyền và
kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại:
- Đến năm 2015, Bệnh viện Y học cổ
truyền của tỉnh được đầu tư các thiết bị y tế hiện đại trong chẩn đoán, điều trị phù hợp với phân hạng bệnh viện.
- Đến năm 2020, tiếp tục đầu tư nâng
cấp thiết bị y tế theo hướng hiện đại, đa khoa trong chẩn đoán, điều trị phù hợp
với phân hạng bệnh viện; đầu tư trang thiết bị chủ yếu và hiện đại cho khoa
YHCT của BVĐK/TTYT các huyện, thành phố.
đ) Đáp ứng nhu cầu thiết yếu về dược
liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu đảm bảo chất lượng cho các cơ sở khám,
chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền của tỉnh.
e) Xây dựng đội ngũ thầy thuốc YDCT đủ
về số lượng, giỏi về chuyên môn và trong sáng về y đức, đáp ứng nhu cầu ngày
càng cao của nhân dân trong khám chữa bệnh bằng YDCT, kết hợp YHCT với YHHĐ.
Năm 2015, đáp ứng cơ bản nhu cầu bác sỹ chuyên ngành YDCT cho Bệnh viện Y dược học cổ truyền tỉnh;
từng bước đáp ứng nhu cầu bác sỹ chuyên ngành YDCT cho khoa YHCT của BVĐK các
huyện, thành phố vào năm 2020.
g) Chuẩn hóa trình độ chuyên môn đội
ngũ lương y, lương dược, tăng cường vai trò của Hội Đông y Việt Nam trong bồi
dưỡng chuyên môn, kế thừa, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam.
Kiện toàn tổ chức Hội Đông y các cấp:
tỉnh, huyện, xã; trong đó cấp tỉnh có ít nhất 05 biên chế, cấp huyện có ít nhất
một cán bộ hưởng phụ cấp để thường trực làm công tác Hội và được hỗ trợ kinh
phí để hoạt động, cấp xã tùy tình hình địa phương để giải
quyết cho phù hợp với hoạt động của Hội.
II. NỘI DUNG HOẠT
ĐỘNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Công tác tổ
chức, chỉ đạo, tuyên truyền:
- Củng cố kiện toàn lại Ban Chỉ đạo
triển khai thực hiện chính sách quốc gia về YDCT ở các cấp, Ban Chỉ đạo các cấp
có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện
kế hoạch; hàng năm tiến hành kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện.
- Tiếp tục quán triệt sâu rộng Chỉ thị
24-CT/TW của Ban Bí thư, Kế hoạch hành động của Chính phủ, Chỉ thị 26-CT/TU
ngày 14/11/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch Phát triển nền y, dược cổ
truyền và Hội Đông y tỉnh Quảng Ngãi đạt hiệu quả.
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của
các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc phát
triển nền Đông Y và Hội Đông Y các cấp, phải xác định đây là một nhiệm vụ chính
trị quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa
phương, ngành, đơn vị.
- Đa dạng hóa các
loại hình truyền thông để nâng cao hiểu biết của người dân về tác dụng và việc ứng
dụng YDCT trong phòng và chữa bệnh.
2. Hoàn thiện mạng
lưới tổ chức, quản lý, khám chữa bệnh bằng YDCT:
a) Về tổ chức, quản lý:
Sở Y tế nghiên cứu xây dựng đề án
thành lập Phòng nghiệp vụ Y, dược cổ truyền thuộc Sở, bộ phận quản lý YDCT thuộc
Phòng Y tế, sau khi Đề án thành lập cơ quan quản lý nhà nước về y, dược cổ truyền
được Chính phủ phê duyệt; phối hợp với
Hội Đông y tỉnh xây dựng Đề án kiện toàn về tổ chức và nâng cấp cơ sở hạ tầng Hội
Đông y các cấp của tỉnh trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
b) Về phát triển hệ thống khám, chữa
bệnh:
- Tích cực triển khai các thủ tục để
đưa Bệnh viện y học cổ truyền của tỉnh hoạt động vào Quý III năm 2014. Xây dựng
Đề án xây mới, nâng cấp và đầu tư thiết bị y tế cho Bệnh viện y học cổ truyền của
tỉnh theo hướng bệnh viện đa khoa y dược cổ truyền vào năm 2020;
- Thành lập, củng cố và phát triển
Khoa YHCT tại 100% BVĐK các huyện đồng bằng và thành phố Quảng Ngãi, 80% Trạm Y
tế có bộ phận KCB bằng YDCT vào năm 2015. BVĐK các huyện miền núi và huyện Lý
Sơn có khoa YHCT vào năm 2020.
- Xây dựng chính sách khuyến khích đẩy
mạnh công tác xã hội hóa y dược cổ truyền; các cơ sở y tế nhà nước có trách nhiệm
hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở y, dược cổ truyền tư nhân.
3. Phát triển
nguồn nhân lực:
- Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn
nhân lực y, dược cổ truyền đối với y sĩ, điều dưỡng, bác sỹ, dược sỹ, bác sỹ nội
trú, chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp 2, thạc sỹ chuyên ngành y dược cổ truyền
cho Bệnh viện y học cổ truyền của tỉnh;
liên kết với các Trường Đại học y, dược, các bệnh viện y học cổ truyền tuyến
Trung ương mở lớp đào tạo 30-40 bác sỹ chuyên khoa YHCT; phấn đấu đến năm 2015
BVĐK các huyện đồng bằng và thành phố Quảng Ngãi có bác sỹ chuyên khoa YHCT và
100% BVĐK huyện có bác sỹ chuyên khoa YHCT vào năm 2020; chú ý đào tạo cho đội
ngũ lương y, lương dược.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ
theo nhiều loại hình: Chính quy, đào tạo liên tục, đào tạo liên thông, liên kết
đào tạo, đào tạo theo cử tuyển đối với các vùng đặc biệt khó khăn nhằm đáp ứng
đủ số lượng và chất lượng cán bộ cho y dược cổ truyền;
- Củng cố và phát triển bộ môn YDCT tại
Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thuỳ Trâm; đổi mới, nâng cao chương trình đào tạo
theo hướng hiện đại hóa; chú trọng đào tạo cán bộ YDCT cho
tuyến huyện, y tế xã.
4. Đảm bảo hiện
đại hóa và nâng cao chất lượng KCB bằng YDCT
- Việc hiện đại hóa YDCT là đòi hỏi
khách quan, cần được nghiên cứu triển khai thực hiện một cách đầy đủ, toàn diện
trên tất cả các lĩnh vực của YDCT như: khám chữa bệnh, sản xuất bào chế thuốc,
đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học.
- Tăng cường đầu tư trang thiết bị y
tế hiện đại, từng bước thực hiện chuẩn hóa trang thiết bị,
kỹ thuật theo phân tuyến điều trị của các cơ sở KCB bằng YDCT dựa trên nguyên tắc:
lấy người bệnh làm trung tâm để nâng cao chất lượng KCB, đồng thời đảm bảo giữ
vững bản sắc của YDCT Việt Nam.
- Lập Phương án đầu tư phát triển Bệnh
viện YHCT tỉnh theo hướng bệnh viện đa khoa YHCT; thành lập và phát triển Khoa
YHCT tại các BVĐK các huyện.
- Sưu tầm, nghiên cứu ứng dụng các
bài thuốc hay, phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc bằng YHCT có hiệu quả đối
với một số bệnh thường gặp trong cộng đồng của các thầy thuốc, lương y giỏi để
phổ cập cho các cơ sở KCB.
- Tăng cường công tác quản lý hành
nghề YDCT, thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường
hợp vi phạm.
5. Nghiên cứu,
kế thừa, bảo tồn và phát triển YDCT, kết hợp YHCT với YHHĐ:
- Khuyến khích và tạo điều kiện thực
hiện nghiên cứu kế thừa, bảo tồn và phát triển các bài thuốc hay, bài thuốc gia
truyền về YDCT của cộng đồng để áp dụng trong các cơ sở KCB.
- Tích cực, chủ động tiếp cận và ứng
dụng những thành tựu về khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại và hợp tác quốc tế
về trang thiết bị y tế trong nghiên cứu, sản xuất và khám chữa bệnh bằng YDCT.
- Tăng cường đầu tư nguồn lực, cơ sở
vật chất, trang thiết bị cho công tác nghiên cứu YDCT; có chế độ khuyến khích
cán bộ thực hiện đề tài nghiên cứu về YDCT, kết hợp YHCT và YDHĐ.
- Thường xuyên tổ chức phổ cập kiến
thức YDCT cho cán bộ YHHĐ và kiến thức YHHĐ cho cán bộ YDCT.
6. Phát triển
nguồn dược liệu và thuốc YDCT:
- Phối hợp với các bộ, ngành Trung
ương tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, điều tra, sưu tầm, thống kê các loại cây,
con làm thuốc; sự phân bố, hệ sinh thái và trữ lượng cây, con làm thuốc hiện có
trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó có kế hoạch tổ chức bảo vệ, khai thác, tái
sinh hợp lý và phát triển bền vững;
- Xây dựng và phát triển vườn cây thuốc
nam tại các bệnh viện y dược cổ truyền, tại các bệnh viện y học hiện đại, Trạm
Y tế xã, Hội Đông y các cấp, Trường Cao đẳng y tế Đặng Thuỳ Trâm và trong từng
gia đình, tăng nguồn thuốc tự túc phục vụ phòng, chữa bệnh.
- Đề xuất xây dựng và bảo vệ quỹ gen
về dược liệu quý hiếm hiện có.
- Tăng cường kiểm tra, kiểm nghiệm chất
lượng dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu.
7. Tăng cường
kêu gọi công tác xã hội hóa đầu tư phát triển y, dược cổ truyền
- Hội Đông y tỉnh chủ trì, phối hợp với
Sở Y tế và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch kêu gọi các tổ chức, cá
nhân liên kết đầu tư phát triển phòng chẩn trị y học cổ truyền thuộc Hội Đông y
tỉnh, Hội Đông y huyện, thành phố cả về cơ sở, trang thiết bị và nguồn nhân lực
để phát huy công tác khám chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền.
- Sở Y tế tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức cá nhân đầu tư cơ sở dịch vụ cung ứng, buôn
bán, sơ chế dược liệu y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh để
cung ứng cho các cơ sở khám, chữa bệnh theo đúng quy định.
8. Củng cố kiện
toàn và phát triển Hội Đông y các cấp
- Củng cố kiện toàn Hội Đông y tỉnh về
tổ chức, nhân lực, hỗ trợ đầu tư để Hội có đủ điều kiện hoạt động quản lý, chỉ
đạo; xây dựng quy chế hoạt động của Hội Đông y các cấp trên cơ sở tôn chỉ, mục
đích của Hội Đông y Việt Nam; điều chỉnh, bổ sung quy chế phối hợp hoạt động giữa
ngành y tế Hội Đông y các cấp để phù hợp với tình hình mới.
- Phấn đấu đến năm 2015 100% huyện,
thành phố có hội Đông y cấp huyện; Hội Đông y cấp huyện, thành phố được hỗ trợ
kinh phí, cơ sở vật chất, bố trí cán bộ đảm bảo hoạt động theo quy định hiện
hành; phấn đấu đến năm 2020 100% Hội Đông y các huyện, thành phố được bố trí
nơi làm việc.
- Đến năm 2015 70% xã, phường, trị trấn
có Chi hội Đông y hoạt động lồng ghép trong Trạm Y tế và được hỗ trợ kinh phí
cho hoạt động của Hội.
- Tăng cường vai trò của Hội Đông y tỉnh
trong việc chủ động phối hợp với Sở Y tế, Trường Cao đẳng y tế Đặng Thuỳ Trâm
trong bồi dưỡng chuyên môn, kế thừa, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền Việt
Nam theo đúng quy định của pháp luật.
- Xây dựng cơ chế, chính sách thống
nhất chung trình cấp thẩm quyền quyết định để thực hiện chế độ hỗ trợ kinh phí
phụ cấp cho cán bộ thường trực Hội đông y cấp huyện, thành phố và hỗ trợ ngân
sách đảm bảo hoạt động của Hội;
9. Giải pháp
phát triển Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh:
Trên cơ sở Kế hoạch triển khai hoạt động
Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Ngãi được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Y tế phối
hợp các sở ngành liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể để đảm bảo phát triển Bệnh
viện Y học cổ truyền tỉnh đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu và quy mô phát triển
theo từng giai đoạn cụ thể; trong đó, lấy Bệnh viện Y học
cổ truyền tỉnh làm trung tâm cho sự đầu tư xây dựng phát triển nền YDCT của tỉnh;
chú trọng việc kết hợp YHCT với YHHĐ trong công tác khám, chữa bệnh, công tác
phòng bệnh, nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến về YDCT, cụ thể:
a) Mục tiêu
- Từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy
Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh vào năm 2020 theo quy định của Bộ Y tế; trang bị
các máy móc phương tiện hiện đại trong công tác xét nghiệm, chẩn đoán và chữa bệnh.
- Kết hợp chặt chẽ YHCT với YHHĐ
trong công tác khám, chữa bệnh.
- Tổ chức nghiên cứu khoa học, đánh
giá dược liệu, bài thuốc. Nghiên cứu bảo tồn, thừa kế và ứng dụng các bài thuốc
cổ phương để lại; tổ chức hội thảo nhằm truyền bá rộng rãi các thành quả của y,
dược cổ truyền và thừa kế các bài thuốc hay, thuốc quý.
- Liên kết hoạt động giữa các khoa
trong chăm sóc - điều trị bệnh nhân như uống thuốc y, dược cổ truyền, kết hợp
châm cứu, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu,...
- Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng
Ngãi là cơ sở phối hợp đào tạo cho sinh viên trường Cao đẳng
y tế và tham gia chỉ đạo tuyến các đơn vị y tế cơ sở.
- Phát triển vườn thuốc nam theo hướng
dẫn của Bộ Y tế, tham gia truyền bá và hướng dẫn sử dụng thuốc nam cho các đơn
vị y tế cơ sở và nhân dân. Khuyến khích người dân nuôi trồng
và khai thác dược liệu từ thiên nhiên; tăng cường sử dụng thuốc nam sẵn có và
thay thế dần các thuốc ngoại nhập.
b) Chỉ tiêu khám, chữa bệnh đông y và
phục hồi chức năng của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Ngãi:
- Chỉ tiêu sử dụng giường bệnh đạt từ
80 - 90% trong giai đoạn 2014 - 2015 và đạt từ 100 - 120% giai đoạn từ 2016 -
2020; chỉ số giường bệnh tăng từ 50 giường giai đoạn 2014-2015 tăng lên 150 -
200 giường giai đoạn từ 2016 - 2020.
- Chỉ tiêu điều trị các bệnh lão
khoa, bệnh mạn tính, các bệnh chức năng đạt 80% giai đoạn 2014 - 2015 và 90%
giai đoạn 2016 - 2020.
- Chỉ tiêu điều trị và phục hồi chức
năng các bệnh chức năng, thần kinh, cơ, xương, khớp đạt 70% giai đoạn 2014 -
2015 và đạt 80% giai đoạn 2016 - 2020.
- Chỉ tiêu điều
trị các bệnh ngoại khoa, phụ khoa, ngũ quan và các chuyên khoa khác (da liễu, bệnh
siêu vi,...) đạt 40% giai đoạn 2014 - 2015 và đạt 60% giai đoạn 2016 - 2020.
c) Quy mô phát triển giường bệnh của
Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh
- Giai đoạn 2014 - 2015: Quy mô 50
giường bệnh.
- Giai đoạn 2016 - 2020: Quy mô 150 -
200 giường bệnh (bao gồm giai đoạn 1 (2014-2015): 50 giường và giai đoạn 2
(2016-2020) đầu tư xây dựng mới với quy mô 100-150 giường).
- Từ năm 2021 trở đi: Tùy theo nhu cầu
khám, chữa bệnh sẽ phát triển thêm quy mô của bệnh viện cho phù hợp.
10. Giải pháp
tài chính đảm bảo phát triển nền YDCT của tỉnh
- Huy động và sử dụng hiệu quả các
nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực YDCT từ các nguồn vốn: ngân sách Nhà nước, vốn viện
trợ, nguồn vốn đầu tư xã hội hóa, huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
- Đầu tư phân bố kinh phí hợp lý để
phát triển đồng bộ nền Đông y và Hội Đông y các cấp trên các lĩnh vực về cơ sở
hạ tầng, trang thiết bị, đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học.
- Sở Y tế chủ trì phối hợp với các sở,
ngành xây dựng đề án, kế hoạch phát triển công tác KCB bằng YDCT, lập dự toán kinh
phí đảm bảo cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đào tạo, phát
triển nguồn dược liệu... gửi Sở Kế hoạch-Đầu tư, Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét quyết định.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế:
- Chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh tổ
chức triển khai thực hiện Kế hoạch đạt mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.
- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành,
địa phương xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển, chính sách về YDCT trình cấp
thẩm quyền xem xét, quyết định để làm cơ sở thực hiện.
- Kết hợp chặt chẽ với Hội Đông Y tỉnh
trong công tác phát triển nền đông y và Hội Đông y các cấp.
- Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh
trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển lĩnh vực KCB bằng YDCT, kết hợp
có hiệu quả giữa YDCT với YHHĐ trong KCB.
- Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm
tra việc thực hiện Kế hoạch và định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo kết quả thực
hiện cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Y tế.
2. Hội Đông Y tỉnh:
- Có trách nhiệm hướng dẫn Hội Đông y
các cấp triển khai thực hiện các nội dung Kế hoạch và chỉ đạo hoạt động của hội
theo tôn chỉ, mục đích của Hội Đông y Việt Nam và Pháp luật của Nhà nước.
- Tiếp tục củng cố và phát triển tổ
chức Hội, chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn cho hội viên, vận động hội
viên tích cực tham gia công tác kế thừa, bảo tồn và phát triển YDCT, chấp hành
đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những quy
chế chuyên môn do ngành y tế quy định.
- Nghiên cứu đổi mới cơ chế hoạt động,
chủ động, sáng tạo phát huy tiềm năng chuyên môn kỹ thuật để chăm sóc sức khoẻ
nhân dân và xây dựng Hội ngày càng vững mạnh.
- Chủ trì phối hợp với Sở Y tế, các sở,
ngành liên quan trong việc đẩy mạnh công tác phát triển nền
Đông y và Hội Đông y các cấp trong tỉnh.
3. Sở Tài chính:
- Có trách nhiệm thẩm định dự toán
ngân sách do Sở Y tế, Hội Đông y tỉnh lập nhằm đảm bảo phát triển lĩnh vực YDCT trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh xem xét quyết định; hướng dẫn,
kiểm tra giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn ngân sách đúng quy định.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư
đề xuất cơ chế tạo nguồn vốn đầu tư phát triển nền Đông y và Hội Đông y tỉnh từ
ngân sách địa phương hàng năm và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
4. Sở Kế hoạch và
Đầu tư:
- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính
tham mưu cho UBND tỉnh bố trí ngân sách đầu tư hàng năm để triển khai những nội
dung trọng tâm công tác phát triển nền Đông y và Hội Đông y của tỉnh.
- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế
đề xuất và đưa các nội dung của Kế hoạch vào Chương trình phát triển kinh tế - xã
hội của tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định, để đảm bảo ngân sách thực hiện Kế hoạch.
5. Sở Nội vụ:
Phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh
củng cố kiện toàn lại Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách quốc gia về
YDCT giai đoạn 2014-2020, bổ sung vào nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm
tiếp tục triển khai chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư; phối
hợp với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực y
tế trong đó có cán bộ YDCT; thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án thành
lập Phòng Nghiệp vụ Y dược cổ truyền thuộc Sở Y tế theo quy định của Trung
ương.
6. Sở Khoa học và
Công nghệ:
Phối hợp với Sở Y tế, Hội Đông Y tỉnh
hướng dẫn đề xuất việc nghiên cứu áp dụng các đề tài khoa học về YDCT, tập
trung vào các lĩnh vực: KCB bằng YDCT; phát triển chế biến dược liệu; kế thừa,
bảo tồn và phát triển YDCT; kết hợp YHCT với YHHĐ...trên địa
bàn tỉnh.
7. Sở Thông tin
và Truyền thông:
Phối hợp với Sở
Y tế tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công
tác phát triển YDCT; tăng cường các hình thức truyền thông giáo dục
sức khoẻ cho cộng đồng về vai trò, tác dụng của YDCT trong
phòng và chữa bệnh, hướng dẫn phát động
phong trào trồng và sử dụng “vườn thuốc gia đình” để chữa các bệnh thông thường.
8. Sở Văn hóa Thể
thao và Du lịch:
Kết hợp với Sở Y tế nghiên cứu quảng
bá và phát triển hình thức du lịch chữa bệnh, phong trào tập thể dục để rèn luyện
sức khoẻ, quản lý tốt các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ không dùng thuốc theo quy định.
9. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn:
Nghiên cứu quy hoạch vùng nuôi trồng dược liệu tập trung đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng dược liệu cho KCB.
Quy hoạch vùng chuyên canh, xen canh cây, con làm thuốc, ưu tiên các loại cây
có giá trị kinh tế cao, hiệu quả điều trị tốt, có nhu cầu sử dụng lớn.
10. Trường Cao Đẳng
y tế Đặng Thuỳ Trâm:
Củng cố và phát triển bộ môn YDCT; đổi
mới, nâng cao chất lượng, chương trình đào tạo theo hướng hiện đại hóa YDCT.
11. UBND các huyện,
thành phố:
- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện toàn diện
và có hiệu quả các nội dung nêu trong Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư và tổ chức
triển khai có hiệu quả Kế hoạch Phát triển nền y, dược học cổ truyền và Hội
Đông y tỉnh Quảng Ngãi.
- Căn cứ đặc điểm tình hình của địa
phương, kế hoạch của tỉnh, xây dựng Kế hoạch Phát triển nền y, dược học cổ truyền
và Hội Đông y của huyện, thành phố.
- Đưa nội dung phát triển nền Y, Dược
cổ truyền và Hội Đông y vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa
phương, chú trọng đầu tư ngân sách của địa phương để phát triển các mặt công
tác YDCT một cách phù hợp.
12. Các Hội,
đoàn thể:
Tích cực phối hợp cùng ngành y tế và
Hội Đông y các cấp tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW
của Ban Bí thư và phối hợp triển khai Kế hoạch Phát triển nền y, dược học cổ
truyền và Hội Đông y tỉnh Quảng Ngãi.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành
liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện có hiệu quả nhằm
đạt được mục tiêu và chỉ tiêu của Kế hoạch. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu
có vướng mắc báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Y tế) để kịp thời theo dõi, chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, PCTUBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Các Sở, ban ngành;
- Các Hội, đoàn thể;
- Hội Đông Y tỉnh;
- Trường CĐYT Đặng Thuỳ Trâm;
- UBND các huyện, thành phố;
- VPUB: CVP,PCVP (VX), CBTH;
- Lưu: VT, VX(HQ306).
|
Q. CHỦ TỊCH
Lê Quang Thích
|