ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
6443/KH-UBND
|
Đồng Nai, ngày 13 tháng 08 năm 2015
|
KẾ HOẠCH
PHÁT
TRIỂN Y, DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2020
Thực hiện Quyết định số 2166/QĐ-TTg
ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam
đến 2020; Văn bản số 6236-CV/TU ngày 17/3/2014 của Thường
trực Tỉnh ủy về việc triển khai Thông báo số 154-TB/TW
ngày 20/02/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về 05 năm
thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng
(khóa X) về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y trong tình hình mới”, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch phát triển y,
dược cổ truyền trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 như sau:
I. CÔNG TÁC Y DƯỢC CỔ TRUYỀN
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
1. Hệ thống y dược cổ
truyền công lập
a) Tỉnh Đồng Nai có Bệnh viện Y dược
cổ truyền, quy mô 200 giường bệnh; các bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện đa
khoa các huyện, thị xã, thành phố có khoa y học cổ truyền. Phòng y tế, trung
tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố có cán bộ phụ trách công tác y học cổ
truyền. Có 50/171 trạm y tế xã, phường, thị trấn có y sĩ y học cổ truyền, các
trạm y tế còn lại đều hợp đồng với lương y để phụ trách
công tác y học cổ truyền.
b) Đội ngũ cán bộ y tế trên địa bàn
tỉnh Đồng Nai đến năm 2014 là 8.191 người (công lập và ngoài công lập), trong
đó cán bộ y học cổ truyền có 980 người (chiếm tỷ lệ 11,96 %).
2. Các tổ chức Hội và hệ thống y dược cổ truyền ngoài công lập
a) Hội Đông y tỉnh có 550 hội viên,
hoạt động theo Điều lệ Hội Đông y tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại
Quyết định số 372/QĐ-UBND ngày 04/02/2012. Có 11 Hội Đông y các huyện, thị xã
Long Khánh, thành phố Biên Hoà; 45 Chi Hội đông y xã, phường, thị trấn và 150
phòng khám chẩn trị y học cổ truyền tư nhân.
b) Hội Châm cứu tỉnh được thành lập
năm 1997, hoạt động theo Điều lệ Hội được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại
Quyết định số 594/QĐ-UBND ngày 10/3/2014. Hội Châm cứu
tỉnh có 140 hội viên; 07 Chi hội trực thuộc (Biên Hòa,
Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Khánh, Xuân lộc, Định Quán).
3. Công tác khám chữa bệnh y
học cổ truyền
a) Qua tổng hợp, thống kê kết quả
khám chữa bệnh y học cổ truyền (YHCT) năm 2014, tỷ lệ khám chữa bệnh bằng YHCT
tại các tuyến đạt tỷ lệ như sau: Tuyến tỉnh đạt 13,77%, tuyến huyện đạt 15,8%,
tuyến xã đạt 25,44%.
b) Năm 2014 Hội Đông y tỉnh khám chữa
bệnh cho 625.041 người, thu phí 270.206 người, miễn phí 350.836 người; tổng giá
trị tiền khám, cấp thuốc miễn phí là 6.629.556.000 đồng.
4. Những tồn tại hạn chế
trong hoạt động YHCT
a) Tỷ lệ khám chữa bệnh YHCT so với
tổng số lần khám chung tại các tuyến y tế từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn còn
thấp, chưa đạt chỉ tiêu theo quy định của Bộ Y tế.
b) Nhân lực, cơ sở vật chất, trang
thiết bị tại các cơ sở sở y tế còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh
YHCT, nhất là tuyến huyện và tuyến xã.
c) Công tác nghiên cứu, kế thừa, ứng
dụng các bài thuốc YHCT, cây thuốc hay, bài thuốc quý chưa được chú trọng. Công
tác sưu tầm, nuôi trồng, bảo tồn những dược liệu quý tại địa phương chưa được
quan tâm.
d) Việc quản lý hành nghề y dược học
cổ truyền tư nhân, quản lý nguồn thuốc YHCT còn có những bất cập.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Phát triển y, dược cổ truyền trong
bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh, củng cố
và phát triển tổ chức, mạng lưới y, dược cổ truyền từ tỉnh đến cơ
sở.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
a) Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý
y, dược cổ truyền từ tỉnh đến cơ sở.
- Sở Y tế có cán bộ chuyên trách quản
lý về y dược cổ truyền; củng cố tổ chức bộ máy hoạt động
Bệnh viện Y dược cổ truyền, khoa YHCT các bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện đa
khoa khu vực.
- Phòng y tế, trung tâm y tế các
huyện, thị xã, thành phố có cán bộ chuyên trách YHCT; củng cố bộ máy hoạt động
các khoa YHCT các bệnh viện đa khoa tuyến huyện.
- Trạm y tế xã, phường, thị trấn có
cán bộ chuyên trách về y dược cổ truyền.
b) Về nhân lực
- 15% bác sĩ YHCT được đào tạo bác sĩ
chuyên khoa I hoặc trình độ thạc sĩ.
- 15% y sĩ YHCT được đào tạo bác sĩ
YHCT.
+ Từ 40% - 50%: Đội ngũ lương y được
chuẩn hóa theo chương trình đào tạo của Bộ Y tế.
c) Cơ sở khám chữa bệnh
- 100% bệnh viện đa khoa có khoa YHCT;
- 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn
có tổ y, dược cổ truyền do cán bộ YHCT thuộc biên chế của trạm phụ trách.
- Tỷ lệ khám chữa bệnh bằng YHCT:
Tuyến tỉnh đạt 15%, tuyến huyện đạt 20% và tuyến xã đạt 40%.
d) Đáp ứng nhu cầu thiết yếu về dược
liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu đảm bảo chất lượng cho các cơ sở khám,
chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền.
III. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
CHỦ YẾU
1. Về tổ chức bộ máy và phát triển
nguồn nhân lực
a) Về tổ chức bộ máy
- Sở Y tế có cán bộ chuyên trách quản
lý về y dược cổ truyền.
- Phòng y tế, trung tâm y tế các
huyện, thị xã, thành phố, trạm y tế các xã, phường, thị trấn có cán bộ chuyên
trách về công tác y dược cổ truyền.
- Xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa Sở Y tế và Hội Đông y tỉnh về phát triển y, dược học
cổ truyền theo Nghị quyết liên tịch số 02/NQLT-BYT-TWHĐYVN ngày 31/7/2014 của
Bộ Y tế và Trung ương Hội Đông y Việt Nam.
b) Phát triển nguồn nhân lực
Thu hút, đào tạo cán bộ y tế tại các
cơ sở y tế chuyên ngành y dược cổ truyền bằng nhiều hình
thức như: Chính quy, liên thông, đào tạo theo địa chỉ sử dụng để nâng cao trình
độ cán bộ y tế về chuyên ngành này. Tổ chức đào tạo lại và cấp chứng nhận đủ
điều kiện hành nghề cho đội ngũ lương y, lương dược, đến năm 2020 đáp ứng đủ
nhân lực, đảm bảo số lượng, chất lượng cán bộ hoạt động về
y dược cổ truyền trên địa bàn tỉnh.
2. Về phát triển hệ thống
khám chữa bệnh
a) Không ngừng đầu tư cơ sở vật chất,
trang thiết bị và bổ sung nhân lực cho Bệnh viện Y dược cổ truyền đạt chuẩn
bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế về y dược cổ truyền, đến năm 2020 bệnh viện
đạt chỉ tiêu 250 giường bệnh.
b) Củng cố phát triển khoa y dược cổ
truyền tại các bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện đa khoa các huyện, thành phố, bệnh viện đa khoa khu vực. Kết hợp hiệu quả giữa y
học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị bệnh.
3. Nâng cao chất lượng dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu
a) Xây dựng đề án tổ chức các vùng
nuôi, trồng dược liệu theo tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hoạch dược
liệu theo quy mô công nghiệp, gắn liền với đẩy mạnh công tác quy hoạch, ưu tiên
các loại cây, con chữa bệnh tốt, giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn.
b) Khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng
thuốc nam, thuốc dân gian, thuốc gia truyền để đưa vào sản xuất với quy mô lớn
đáp ứng nhu cầu sử dụng trong và ngoài tỉnh.
4. Tăng cường vai trò của
Hội Đông y
a) Hội Đông y các cấp, các Chi hội
Đông y củng cố, ổn định tổ chức, nhân lực, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để
hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích của Hội; đóng vai trò nòng cốt trong sự nghiệp
phát triển nền đông y của tỉnh, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân
dân. Phát triển hội viên, kết hợp với ngành y tế trong quản lý hành nghề gắn
với sự phát triển y dược cổ truyền tại địa phương.
b) Hội Đông y tỉnh phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương đẩy mạnh sưu tầm, phát hiện,
tập hợp các cây, con làm thuốc, quy hoạch bảo tồn gen các cây, con làm thuốc;
đặc biệt những cây con quý hiếm có nguy cơ tiệt chủng.
5. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về vai trò của YHCT trong điều trị bệnh, nhất là sự kết
hợp đông y với tây y trong phòng bệnh, trị bệnh, bảo vệ sức khỏe bằng những bài
thuốc hay, thuốc gia truyền giúp mọi người hiểu rõ vai trò, vị trí của nền Đông
y Việt Nam, phát huy thế mạnh của các cây, con làm thuốc và các phương pháp
khám, chữa bệnh YHCT có hiệu quả là bảo tồn và phát huy một bộ phận của nền văn
hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
6. Về kinh phí
Huy động, sử dụng có hiệu quả các
nguồn vốn, đáp ứng yêu cầu phát triển YHCT trên địa bàn tỉnh như: Nguồn ngân
sách nhà nước, vốn vay, nguồn viện trợ và các nguồn khác (nếu có) để đầu tư cơ
sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nhân lực về YHCT tại các cơ sở y tế.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
a) Là cơ quan chủ trì, phối hợp với
các sở, ngành, đơn vị liên quan, Hội Đông y tỉnh, Hội Châm cứu tỉnh triển khai
thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh.
b) Phối hợp Sở Thông tin và Truyền
thông, cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền, phổ biến về vai trò của y,
dược cổ truyền trong phòng và chữa bệnh.
c) Phối hợp với Sở Khoa học và Công
nghệ nghiên cứu, xây dựng đề án hiện đại hóa y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại; tăng cường công tác nghiên cứu
khoa học thuộc lĩnh vực y, dược cổ truyền, kết hợp y, dược cổ truyền với y,
dược hiện đại.
d) Phối hợp với Sở Nội vụ trong việc
đào tạo cán bộ y tế YHCT tại các cơ sở y tế trong tỉnh.
đ) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn xây dựng đề án nghiên cứu và đề xuất
các vùng chuyên nuôi trồng dược liệu được quy định tại Quyết định số
1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng
thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
e) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ, các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch
hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa
học, khám, chữa bệnh; nuôi trồng, chế biến dược liệu, trao đổi chuyên gia về y
dược cổ truyền.
g) Có kế hoạch thanh tra, kiểm tra
việc thực hiện các quy định của pháp luật về khám chữa bệnh bằng y dược cổ
truyền, về sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu tại
các cơ sở y tế, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2. Hội Đông y tỉnh
a) Xây dựng kế
hoạch tổ chức thực hiện Kế hoạch này
theo nhiệm vụ, quyền hạn của Hội; tiếp tục củng cố, ổn định tổ
chức Hội, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và y
đức cho hội viên, vận động hội viên đem hết khả năng, kiến thức,
kinh nghiệm chuyên môn cống hiến cho sự bảo tồn và phát
triển nền đông y của tỉnh.
b)Phối hợp với Sở Y tế xây dựng quy
chế phối hợp hoạt động giữa Sở Y tế và Hội Đông y tỉnh về
phát triển y, dược cổ truyền.
c) Chỉ đạo, hướng dẫn Hội Đông y các
cấp củng cố, kiện toàn tổ chức, tăng cường phát triển hội viên và hoạt động
theo nguyên tắc tổ chức Điều lệ Hội đã ban hành; chủ động phối hợp với ngành y
tế trong việc nghiên cứu, ứng dụng, kế thừa, bảo tồn và kết hợp đông y với tây
y, góp phần phát triển nền đông y và y học tại địa phương.
d) Đẩy mạnh sưu tầm, phát hiện, tập
hợp và quy hoạch bảo tồn gen các loại cây, con làm thuốc; đặc biệt là những
loại dược liệu đặc hữu, quý hiếm của địa phương. Kết hợp
chặt chẽ giữa khuyến khích trồng cây thuốc tại vườn, tại nhà và các cơ sở khám,
chữa bệnh.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn phối hợp với Sở Y tế, các địa phương xây dựng quy
hoạch, phân bổ diện tích vùng nuôi trồng, khuyến khích các tổ chức, cá nhân
tham gia nuôi trồng các cây, con làm thuốc, ưu tiên phát
triển vùng nuôi, trồng cây, con làm thuốc với quy mô lớn.
4. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp
với Sở Y tế triển khai đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực y, dược cổ
truyền, kết hợp y, dược cổ truyền với y, dược hiện đại.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư phân bổ kinh
phí hàng năm để thực hiện Kế hoạch.
6. Sở Tài chính xem xét, bố trí kinh
phí thực hiện Kế hoạch theo quy định hiện hành.
7. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo Đồng Nai, Báo Lao động
Đồng Nai, Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai phối hợp với Sở Y tế để được
cung cấp thông tin, tài liệu tuyên truyền về vai trò của
YHCT trong điều trị bệnh, nhất là sự kết hợp đông y với tây y trong phòng bệnh,
trị bệnh, bảo vệ sức khỏe bằng những bài thuốc hay, thuốc gia truyền; đồng thời
tuyên truyền, vận động và hướng dẫn cộng đồng tham gia bảo
vệ, quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hóa của y, dược cổ truyền.
8. Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa
a) Chỉ đạo cho phòng y tế phối hợp
với các cơ quan liên quan, UBND các xã, phường, trị trấn triển khai, tổ chức thực hiện kế hoạch trên địa bàn.
b) Tạo điều kiện thuận lợi cho Hội
Đông các huyện, thị xã, thành phố, các Chi hội hoạt động và phát triển, góp
phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế, phòng khám chuyên khoa,
phòng chẩn trị YHCT tại địa phương, xử lý nghiêm các trường
hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Sở Y tế là cơ quan đầu mối, theo dõi,
tổng hợp việc triển khai, tổ chức thực hiện Kế hoạch; đôn đốc, nhắc nhở các sở, ngành, đơn vị,
địa phương có kế hoạch, lộ trình thực hiện nhằm đạt các
mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, góp phần bảo tồn, phát triển y,
dược cổ truyền tại địa phương và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- TT. TU, TT. HĐND tỉnh;
- Ban TGTU;
- Chủ tịch, các PCT.UBND tỉnh;
- Chánh, Phó VP.UBND tỉnh;
- Các đơn vị, địa phương tại Mục IV;
- Trung tâm CB tỉnh;
- Lưu: VT, VX, CNN.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thành Trí
|