Kế hoạch 3125/KH-UBND năm 2021 triển khai phong trào thi đua “Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025” do tỉnh Hải Dương ban hành

Số hiệu 3125/KH-UBND
Ngày ban hành 25/08/2021
Ngày có hiệu lực 25/08/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Triệu Thế Hùng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3125/KH-UBND

Hải Dương, ngày 25 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI PHONG TRÀO THI ĐUA “CHUYỂN ĐỔI SỐ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025”

Thực hiện Nghị quyết số 52 NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia” đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Để phong trào thi đua “Chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025” (sau đây gọi tắt là “Phong trào thi đua”) được triển khai rộng khắp, đạt kết quả toàn diện, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

b) Tổ chức Phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả phấn đấu đến năm 2025 thực hiện phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo các mục tiêu cơ bản của Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Qua đó, góp phần đối mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân.

c) Biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số của tỉnh; Phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các sáng kiến, kinh nghiệm hay trong phong trào chuyển đổi số nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn tỉnh.

2. Yêu cầu

a) Phong trào thi đua phải được triển khai sâu rộng, đồng bộ, xuyên suốt đến tất cả các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh, với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực và đạt hiệu quả.

b) Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị coi việc thực hiện phong trào thi đua là nhiệm vụ quan trọng, song hành cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

c) Công tác khen thưởng đảm bảo dân chủ, chính xác, công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng, đúng theo quy định hiện hành.

II. NỘI DUNG PHONG TRÀO THI ĐUA

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về chuyển đổi số; nâng cao nhận thức về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số, gắn tuyên truyền các mục tiêu, nhiệm vụ của chuyển đổi số với các nghị quyết, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan, đơn vị.

2. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số, xây dựng các cơ chế, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về chuyển đổi số; thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số,

3. Ưu tiên chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số, trọng tâm là phát triển hạ tầng số, tạo lập dữ liệu mở, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, nâng cao chỉ số xếp hạng của tỉnh về chuyển đổi số.

4. Phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công về công nghệ thông tin sang làm sản phẩm công nghệ số, công nghệ 4.0, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng thiết bị và ứng dụng đồng bộ, hiện đại sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và sự chuyển đổi của chính quyền điện tử.

5. Xây dựng và tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, truy cập, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

6. Đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Xây dựng và triển khai hệ thống giám sát, cảnh báo sớm nguy cơ, điều phối ứng cứu sự cố mất an toàn, an ninh mạng.

7. Đẩy mạnh hợp tác, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số; hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ lớn để nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, tiên phong áp dụng công nghệ mới, mô hình mới vào tỉnh.

8. Chú trọng ưu tiên, đẩy mạnh thi đua chuyển đổi số ở một số lĩnh vực:

a) Lĩnh vực nông nghiệp: Xây dựng, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chú trọng nông nghiệp thông minh. Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh. Xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất; thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai; hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số. Tích hợp giữa sản xuất và lưu thông dựa trên hệ thống chợ thương mại điện tử, chợ thông minh và các ứng dụng logistic. Áp dụng các phương thức thanh toán thông minh dựa trên các công nghệ như: thanh toán thẻ, ví điện tử, hạn chế sử dụng tiền mặt.

b) Lĩnh vực sản xuất công nghiệp: Chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp theo hướng chú trọng phát triển các trụ cột: xây dựng chiến lược và cơ cấu tổ chức thông minh, xây dựng nhà máy thông minh, vận hành thông minh, tạo ra các sản phẩm thông minh, xây dựng dịch vụ về dữ liệu và phát triển kỹ năng số cho người lao động.

c) Lĩnh vực du lịch: Xây dựng Cổng thông tin du lịch tỉnh Hải Dương; xây dựng các ứng dụng hỗ trợ khách du lịch, ứng dụng công nghệ thực tế ảo, công nghệ trí tuệ nhân tạo; đẩy mạnh ứng dụng thanh toán trực tuyến (qua ví, thẻ ngân hàng trực tuyến, QR Code…). Xây dựng và triển khai giải pháp du lịch qua hình ảnh đối với những di tích lịch sử quan trọng của tỉnh. Xây dựng các hệ thống giám sát an ninh, an toàn thông minh từ xa, trung tâm thông tin và điều hành du lịch tại tất cả các điểm đến du lịch. 100% công tác quản lý liên quan đến du lịch (các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch, hướng dẫn viên, công ty khai thác du lịch…) được điện tử hóa, số hóa.

d) Lĩnh vực tài chính - ngân hàng: Tập trung xây dựng và triển khai đồng bộ thống nhất các hệ thống thông tin về hạ tầng mạng, cơ sở dữ liệu chuyên ngành tài chính; xây dựng tài chính số, tài chính thông minh. Triển khai ứng dụng toàn diện công nghệ số trong các ngành thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán. Chuyển đổi số trong các ngân hàng thương mại; cung cấp dịch vụ ngân hàng số theo hướng phát triển, đổi mới sáng tạo.

đ) Lĩnh vực giao thông vận tải và logistics: Phát triển hệ thống giao thông thông minh, tập trung vào các hệ thống giao thông đô thị, các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ. Chuyển đổi việc quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện kinh doanh vận tải, quản lý người điều khiển phương tiện, cho phép quản lý kết cấu hạ tầng giao thông số, đăng ký và quản lý phương tiện qua hồ sơ số, cấp và quản lý giấy phép người điều khiển phương tiện số.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ