Kế hoạch 312/KH-UBND năm 2016 thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2016-2020 do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 312/KH-UBND
Ngày ban hành 21/06/2016
Ngày có hiệu lực 21/06/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Văn Nưng
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 312/KH-UBND

An Giang, ngày 21 tháng 6 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THU HÚT, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN ODA VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI GIAI ĐOẠN 2016 – 2020

Thực hiện Quyết định số 251/QĐ-TTg ngày 17/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thời kỳ 2016 - 2020”; Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang xây dựng Kế hoạch thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2016-2020, cụ thể như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NGUYÊN TẮC

1. Quan điểm

Thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững. Phát triển kinh tế và đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo, Kết hợp phát triển kinh tế, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện sống của nhân dân.

2. Mục tiêu

Tranh thủ và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ để thực hiện đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu về kinh tế - xã hội góp phần phát triển kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục cho nhân dân; Thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan; thực hiện bảo vệ môi trường ứng phó biến đổi khí hậu và kế hoạch tăng trưởng xanh.

3. Nguyên tắc

a. Nguyên tắc sử dụng vốn

Trong việc huy động nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, cần tiếp cận linh hoạt theo hướng sử dụng tối đa các khoản vay ODA với các điều kiện ưu đãi, kết hợp giữa viện trợ không hoàn lại, vay ODA và cân nhắc vay ưu đãi để đảm bảo cân đối trả nợ các khoản vay. Cụ thể như sau:

Đối với vốn ODA không hoàn lại, ưu tiên sử dụng cho các lĩnh vực xã hội như: Y tế, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, khoa học, kỹ thuật, các chương trình, dự án hỗ trợ trực tiếp cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường cho người dân, và các dự án hỗ trợ kỹ thuật.

Đối với vốn vay ODA, tập trung nguồn vốn này cho cân đối ngân sách Nhà nước để đầu tư cho các lĩnh vực: xây dựng cơ sở hạ tầng (bao gồm cả phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn mới, ...), các công trình phúc lợi xã hội và các lĩnh vực khác không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp, chương trình, dự án.

Đối với vốn vay ưu đãi: Tập trung nguồn vốn này để đầu tư cho các chương trình, dự án có nguồn thu và có khả năng trả nợ chắc chắn.

b. Nguyên tắc quản lý vốn

Vn ODA và vốn vay ưu đãi là nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước được sử dụng để thực hiện các mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và được phản ánh trong ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về vốn ODA và vốn vay ưu đãi trên cơ sở phân cấp gắn với trách nhiệm, quyền hạn, năng lực quản lý của Bộ, ngành, địa phương; bảo đảm sự phối hợp quản lý, giám sát và đánh giá của các cơ quan có liên quan theo quy định hiện hành của pháp luật.

Bảo đảm công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình về chính sách, trình tự và thủ tục vận động, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương, tình hình thực hiện và kết quả sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, ngăn ngừa và xử lý các hành vi này theo quy định của pháp luật.

II. ĐỊNH HƯỚNG THU HÚT VÀ SỬ DỤNG HIỆU QUẢ NGUỒN VỐN ODA VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI

1. Dự báo nhu cầu vốn đầu tư phát triển thời kỳ 2016-2020

Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 7%/năm thì tỉnh cần phải huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 148 ngàn tỷ đồng. Dự kiến huy động các nguồn vốn ngoài nước khoảng 30 - 35%.Trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư huy động từ bên ngoài, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn ODA có vị trí rất quan trọng.

Để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư từ bên ngoài, dự kiến huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi khoảng 17 ngàn 259 tỷ đồng, và vốn đối ứng trên 4 ngàn 075 tỷ đồng.

2. Cơ chế tài chính trong nước

Kể từ năm 2010 khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình thấp, môi trường hợp tác phát triển ở nước ta bắt đầu thay đổi theo hướng chuyển dần từ quan hệ viện trợ sang quan hệ đối tác. Nguồn vốn vay ODA tăng mạnh, trong khi nguồn ODA không hoàn lại giảm mạnh. Vốn vay ODA ưu đãi (IDA[1] của WB, ADF[2] của ADB…) có xu thế giảm dần và ODA vốn vay kém ưu đãi (IBRD[3] của WB, OCR[4] của ADB) có xu thế tăng lên dẫn đến vốn vay ODA trở nên đắt đỏ hơn. Nhằm chia sẽ trách nhiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, trong thời gian tới Trung ương sẽ không cấp phát vốn ODA mà sẽ cho các địa phương vay lại, dự kiến như sau:

- Hà nội và Thành phố Hồ Chí Minh: vay lại vốn ODA 80%.

- 11 địa phương có đóng góp ngân sách: vay lại vốn ODA 50%.

- Các tỉnh, thành khó khăn: vay lại vốn ODA 10-30%.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ