Kế hoạch 3111/KH-BNN-VPĐP năm 2020 về tổng kết thực hiện Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, giai đoạn 2017-2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 3111/KH-BNN-VPĐP
Ngày ban hành 08/05/2020
Ngày có hiệu lực 08/05/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Trần Thanh Nam
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3111/KH-BNN-VPĐP

Hà Nội, ngày 08 tháng 5 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TỔNG KẾT THỰC HIỆN ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM HOÀN THIỆN VÀ NHÂN RỘNG MÔ HÌNH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TẠI CÁC XÃ KHÓ KHĂN, BIÊN GIỚI, HẢI ĐẢO THEO HƯỚNG XÃ HỘI HÓA, GIAI ĐOẠN 2017-2020

Nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện “Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, giai đoạn 2017-2020” (Đề án 712) theo Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 26/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành cơ chế, chính sách đối với công tác bảo vệ môi trường theo hướng xã hội hóa ở các xã khó khăn, biên giới, hải đảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch tổng kết Đề án 712, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Đánh giá toàn diện việc triển khai và kết quả thực hiện Đề án 712, chỉ ra những mặt được, những tồn tại, hạn chế, vướng mắc đối với việc xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.

- Đánh giá sự tác động lan tỏa của Đề án 712 đối với công tác bảo vệ môi trường nói chung trên địa bàn cả nước trong xây dựng nông thôn mới.

- Đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy hiệu quả công tác bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ môi trường ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo nói riêng theo hướng xã hội hóa, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

- Tổ chức khen thưởng, biểu dương các tổ chức, cá nhân có thành tích, đóng góp trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn; đồng thời, khuyến khích nhân rộng những cách làm hay, mô hình sáng tạo trong bảo vệ môi trường nông thôn.

2. Yêu cầu

- Việc tổng kết phải bám sát các nội dung của Đề án 712 và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (theo các Quyết định: số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016, số 1760/QĐ-TTg ngày 10/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ).

- Đánh giá nghiêm túc, đúng thực tế, khách quan và toàn diện việc triển khai thực hiện Đề án 712, rút ra được những mặt đạt được, bài học kinh nghiệm; các tác động trực tiếp và tác động lan tỏa; những mặt chưa đạt được và nguyên nhân để rút kinh nghiệm, khắc phục đối với công tác bảo vệ môi trường nông thôn giai đoạn 2021-2025.

- Việc tổng kết, đánh giá thực hiện Đề án 712 được thực hiện ở quy mô hội nghị toàn quốc; các Bộ, ngành liên quan và các địa phương chỉ xây dựng báo cáo đánh giá kết quả, không tổ chức hội nghị.

II. NỘI DUNG

1. Nội dung tổng kết

a) Đánh giá kết quả khảo sát, rà soát thực trạng các mô hình bảo vệ môi trường hiện có về cấp nước sạch; mô hình xử lý chất thải rắn; mô hình xử lý chất thải chăn nuôi; mô hình thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật; mô hình tuyên truyền viên bảo vệ môi trường cấp xã.

b) Đánh giá kết quả xây dựng thí điểm các mô hình cấp nước sạch; mô hình xử lý chất thải rắn; mô hình xử lý chất thải chăn nuôi; mô hình thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật; mô hình tuyên truyền viên bảo vệ môi trường cấp xã theo hướng xã hội hóa.

c) Đánh giá việc tích hợp, vận dụng Đề án 712 đối với công tác bảo vệ môi trường nói chung trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, trong đó, tập trung phân tích cách làm đối với những mô hình hay, sáng tạo về bảo vệ môi trường nông thôn.

d) Đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy hiệu quả đối với các mô hình bảo vệ môi trường hiện có và đối với việc xây dựng các mô hình mới về bảo vệ môi trường nói chung, trong đó có cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy công tác xã hội hóa về bảo vệ môi trường ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.

2. Phân công các Bộ, ngành, các địa phương tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Đề án

a) Đối với các Bộ, ngành (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam): Báo cáo đánh giá kết quả nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phân công tại Quyết định số 712/QĐ-TTg, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương) trước ngày 30/6/2020 để tổng hợp.

b) Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Giao các đơn vị trực thuộc (gồm: Trung tâm Quốc gia nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Tổng cục Thủy lợi), Cục Chăn nuôi, Cục Bảo vệ thực vật) xây dựng báo cáo kết quả thực hiện các nội dung của Đề án 712 theo phân công tại Quyết định số 2986/QĐ-BNN-VPĐP ngày 12/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gửi về Bộ (qua Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương) trước ngày 30/6/2020 để tổng hợp.

c) Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Đề án (theo Đề cương gửi kèm), gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương) trước ngày 30/6/2020 để tổng hợp.

3. Công tác khen thưởng, tuyên truyền

- Tổ chức khen thưởng, biểu dương các gương điển hình (doanh nghiệp, người dân, tập thể/cá nhân, mô hình), những địa phương (xã, huyện, tỉnh) và các cơ quan Trung ương có thành tích cao trong công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới (sẽ có hướng dẫn riêng).

- Đẩy mạnh tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới, tập trung vào giới thiệu các mô hình, cách làm tiêu biểu; các nội dung trọng tâm để nâng cao thực hiện tiêu chí môi trường; công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường.

4. Tổ chức một số hội thảo chuyên đề

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức một số Hội thảo chuyên đề có liên quan: Công tác thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn; Công tác thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn; Đánh giá hiệu quả và vận hành bền vững các mô hình cấp nước sinh hoạt cho khu vực nông thôn; Công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường nông thôn…

[...]