Kế hoạch 31/KH-UBND năm 2024 thực hiện Quyết định 1343/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo do Thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 31/KH-UBND
Ngày ban hành 24/01/2024
Ngày có hiệu lực 24/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Lê Hồng Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/KH-UBND

Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1343/QĐ-TTG NGÀY 14/11/2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG THỦ DÂN SỰ ĐẾN NĂM 2030 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO

Căn cứ Luật Phòng thủ dân sự ngày 20/6/2023;

Căn cứ Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo;

Căn cứ Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 01/3/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị;

Căn cứ Quyết định số 1343/QĐ-TTg ngày 14/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo (gọi tắt là Quyết định số 1343/QĐ-TTg ngày 14/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ).

Để triển khai kịp thời, hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố ban hành kế hoạch, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt, triển khai, thực hiện các nội dung, quan điểm chiến lược, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp theo Quyết định số 1343/QĐ-TTg ngày 14/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị;

- Xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban, ngành Thành phố và các quận, huyện, thị xã, bảo đảm kịp thời, thống nhất, hiệu quả, nâng cao hiệu lực, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, vai trò trách nhiệm tham gia của các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

2. Yêu cầu

- Quán triệt nghiêm túc Quyết định số 1343/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch của UBND Thành phố gắn với trách nhiệm tổ chức thực hiện của người đứng đầu các Sở, ban, ngành; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã;

- Nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, trách nhiệm tham gia của các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân trong Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Tạo cơ chế phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân Thủ đô tích cực tham gia công tác phòng thủ dân sự, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ cuộc sống hạnh phúc, bình yên của Nhân dân, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại;

- Định hướng cho cấp ủy các cấp, các ngành xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 1343/QĐ-TTg ngày 14/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ; kết hợp chặt chẽ giữa Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đưa các nội dung tại Quyết định thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ Thành phố đến cơ sở, gắn với việc thực hiện các chương trình công tác lớn của Thành phố;

- Triển khai thực hiện đồng bộ, kiên trì, liên tục, kiên quyết và kết hợp với những giải pháp, bước đi vững chắc, tích cực có trọng tâm, trọng điểm gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát; định kỳ tiến hành sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm để đề ra các nội dung, biện pháp phù hợp thực hiện trong thời gian tiếp theo.

II. DỰ BÁO TÌNH HÌNH

1. Tình hình thế giới, khu vực

Hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, song tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Sự điều chỉnh và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xu hướng “ly khai”, “tự trị”, xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, tranh chấp trên Biển Đông, xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine và tại Dải Gaza đã ảnh hưởng sâu sắc đến hòa bình, ổn định của thế giới trên nhiều lĩnh vực; các vấn đề an ninh phi truyền thống; biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, an ninh mạng,… đặt ra nhiều thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

2. Tình hình trong nước

Tình hình an ninh, chính trị - trật tự an toàn xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng từng bước vững chắc, đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện; uy tín, vị thế của đất nước không ngừng nâng cao; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân được củng cố; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu được chú trọng, bước đầu đạt được kết quả tích cực;

Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm xây dựng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, năng lượng, đô thị, thông tin và truyền thông, cùng nhiều công trình hạ tầng quan trọng trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, các công trình điện lưới quốc gia đã cơ bản nối đến các đảo lớn; các cảng biển, âu tàu phục vụ đánh bắt xa bờ đã được quan tâm đầu tư; hạ tầng giao thông đã có bước phát triển nhanh theo hướng đồng bộ, hiện đại;

Nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố được củng cố ngày càng vững chắc, đã kết hợp có hiệu quả quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; công tác đối ngoại được mở rộng và đi vào chiều sâu; thiên tai, dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả; đời sống của Nhân dân cải thiện, niềm tin của quần chúng Nhân dân vào Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới ngày càng được củng cố; sức mạnh tổng hợp quốc gia được tăng cường, tiềm lực, vị thế, uy tín của Việt Nam được khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế, khu vực, tạo cơ sở nền tảng, điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và công tác phòng thủ dân sự.

3. Tình hình Thủ đô Hà Nội

a) Chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh

Trong những năm gần đây, kinh tế Hà Nội tăng trưởng vượt bậc, tốc độ đô thị hóa cũng được đẩy mạnh, không gian đô thị ngày càng rộng mở, tiếp tục phát huy vai trò động lực tăng trưởng trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Mặc dù trong bối cảnh cả nước và Thủ đô Hà Nội phải đối mặt với tình hình thế giới, khu vực và các vấn đề an ninh phi truyền thống; biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, an ninh mạng, đặc biệt đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khó lường, song với sự linh hoạt, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, đồng thời tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, tinh thần trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị cũng như các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã mang lại nhiều hiệu quả to lớn trên các lĩnh vực, các mặt công tác, nhờ đó kinh tế - xã hội của Thành phố từng bước được phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng. Năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước là 410.612 tỷ đồng, đạt 116,3% dự toán, tăng 23,00% so với năm 2022. Tăng trưởng kinh tế của Thành phố là 6,27% đây là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn;

Tình hình chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, huy động hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển Thủ đô;

Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên một số lĩnh vực, địa bàn còn tiềm ẩn phức tạp; cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, một số vụ làm chết nhiều người, thiệt hại lớn về vật chất, ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn, an sinh xã hội, gây hoang mang dư luận. Ô nhiễm môi trường ở các quận nội thành, làng nghề và một số lưu vực sông chậm được khắc phục; hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai còn hạn chế. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra động lực và thời cơ để phát triển kinh tế nhưng cũng đặt ra những thách thức, rủi ro đối với một số lĩnh vực (trật tự, an toàn xã hội, lao động, việc làm,...).

[...]