Kế hoạch 31/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án "Phát triển giáo dục mầm non đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 31/KH-UBND
Ngày ban hành 24/01/2024
Ngày có hiệu lực 24/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Nguyễn Sơn Hùng
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 24 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Thực hiện Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 03/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non, giai đoạn 2018 - 2025; Quyết định số 1696/QĐ-BGDĐT ngày 26/6/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 03/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ; UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch phát triển giáo dục mầm non (GDMN) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Xác định những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 03/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh; từng bước phát triển GDMN đáp ứng yêu cầu “chất lượng, công bằng, hòa nhập”; tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng GDMN trong thời gian tới; đặt nền móng quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy tỉnh Đồng Nai phát triển bền vững và hội nhập.

2. Việc triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Đề án phải đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả và mang tính đồng bộ, đồng thời phát huy tốt các nguồn lực.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Đổi mới chương trình GDMN theo hướng hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực tâm sinh lý phù hợp với độ tuổi và sự phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, ngôn ngữ, tình cảm kỹ năng xã hội, đặt nền móng để hình thành những giá trị cốt lõi của con người Việt Nam, chuẩn bị tốt cho trẻ vào học phổ thông. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, chuẩn bị các điều kiện tiến tới phổ cập cho trẻ mẫu giáo 3, 4 tuổi vào năm 2030.

b) Mở rộng quy mô trường, lớp tăng cường đầu tư phát triển các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em. Thực hiện công bằng trong GDMN. Nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ hướng đạt chuẩn chất lượng GDMN trong khu vực.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

a) Huy động trẻ mầm non trong độ tuổi đi học, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, tiếp cận GDMN trong khu vực và toàn quốc

- Phát triển mạng lưới trường lớp mầm non, bảo đảm đến năm 2025, huy động ít nhất 45% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 98% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo (MG) được đến trường. Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có ít nhất 48% trẻ em độ tuổi nhà trẻ và 99,8% trẻ em độ tuổi mẫu giáo, 100% trẻ MG 5 tuổi được đến trường.

- Toàn tỉnh có 100% nhóm, lớp MN được học 2 buổi/ngày và 100% trẻ được ăn bán trú; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm trung bình 0,8%/năm, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm trung bình 0,8%/năm, khống chế tỷ lệ trẻ thừa cân - béo phì, có ít nhất 95% trẻ đạt chuẩn phát triển, có ít nhất 75% số trường MN, MG được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.

b) Phát triển xã hội hóa giáo dục mầm non

- Phát triển mạng lưới trường lớp mầm non ngoài công lập, bảo đảm đến năm 2025, trẻ mầm non học tại các cơ sở GDMN ngoài công lập chiếm từ 60% trở lên. Phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ huy động trẻ em MN ra lớp trong các cơ sở GDMN ngoài công lập chiếm từ 65% trở lên (thời điểm hiện tại trẻ MN ngoài công lập ra lớp: 58%; MG: 57,84%; nhà trẻ: 59%).

- Tiếp tục đảm bảo lộ trình thực hiện nâng cấp nhà, nhóm thành trường mầm non tư thục. Thực hiện chặt chẽ các quy định về việc cấp phép thành lập cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, hạn chế tối đa việc phát sinh các nhóm trẻ độc lập tư thục nhỏ lẻ; nâng cấp các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có quy mô trên 70 trẻ lên trường.

- Tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra giám sát, hướng dẫn về xã hội hóa đối với các cơ sở GDMN, trong đó đặc biệt chú trọng các yêu cầu về công khai mức học phí, công khai tài chính và cam kết chất lượng.

- Đẩy mạnh thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về huy động nguồn lực xã hội cho GDMN, xóa bỏ những định kiến, phân biệt, khoảng cách giữa khối công lập và khối ngoài công lập.

- Tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp lý và kỹ năng chuyên môn, nâng cao năng lực cán bộ quản lý và giáo viên các cơ sở giáo dục ngoài công lập từ nguồn ngân sách địa phương.

c) Xây dựng, quy hoạch mạng lưới trường lớp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa

- Mạng lưới trường, lớp được củng cố, mở rộng đủ năng lực huy động trẻ em đến trường; phát triển các cơ sở GDMN ngoài công lập. Phấn đấu xây dựng ít nhất 50% trường MN, MG đạt chuẩn quốc gia vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.

- Đẩy mạnh kiên cố hóa, hiện đại hóa trường lớp, đảm bảo đủ 01 phòng/1 lớp, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 90% và 95% vào năm 2030, xóa phòng học cấp 4 xuống cấp. Đảm bảo 100% các trường, nhóm lớp có công trình vệ sinh và nước sạch đạt chuẩn.

- Thực hiện quy hoạch mạng lưới, gom điểm lẻ, quan tâm xây dựng trường mầm non công lập trên địa bàn xã, phường, thị trấn, khu đô thị và khu nhà ở của công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

- Phấn đấu đến năm 2025, có 95% và 100% vào năm 2030 các trường mầm non có đủ đồ dùng dạy học theo quy định, hướng tới tiên tiến hiện đại, được lắp đặt hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giáo dục trẻ (trang web, kết nối mạng lan, sử dụng phần mềm quản lý, camera nội bộ, ti vi, máy tính tại các nhóm, lớp để có thể kết nối với thư viện điện tử toàn ngành).

d) Xây dựng và phát triển đội ngũ

- Phấn đấu có đủ số lượng giáo viên mầm non trong các cơ sở GDMN công lập theo quy định tại Thông tư liên tịch số 19/2023/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 10 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; 100% giáo viên MN công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước; trong đó có 85% giáo viên có trình độ đào tạo từ Cao đẳng Sư phạm mầm non trở lên vào năm 2025 và 95% vào năm 2030. 100% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp, có ít nhất 85% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên vào năm 2025 và 95% vào năm 2030.

- 100% trường mầm non công lập có chi bộ Đảng, khuyến khích phát triển đảng và thành lập chi bộ tại các trường mầm non ngoài công lập.

[...]