Kế hoạch 3072/KH-UBND năm 2019 về quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Số hiệu 3072/KH-UBND
Ngày ban hành 30/12/2019
Ngày có hiệu lực 30/12/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Tống Thanh Hải
Lĩnh vực Vi phạm hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3072/KH-UBND

Lai Châu, ngày 30 tháng 12 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

QUẢN LÝ CÔNG TÁC THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU

Thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP; Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu ban hành Kế hoạch quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lai Châu như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai có hiệu quả việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh, qua đó nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp về vị trí, vai trò của công tác xử lý vi phạm hành chính; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức và mọi công dân trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổng hợp, đánh giá những khó khăn vướng mắc từ công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính, những bất cập, tồn tại trong các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, qua đó kịp thời đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; đảm bảo pháp luật được thi hành thống nhất; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

2. Yêu cầu

- Đảm bảo việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

- Xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong xử lý vi phạm hành chính và trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ việc xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính.

- Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính; kịp thời đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

II. NỘI DUNG

1. Theo dõi việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

a) Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP; các Quyết định của UBND tỉnh: Số 11/2017/QĐ-UBND ngày 08/5/2017 ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Lai Châu; số 04/2018/QĐ-UBND ngày 07/02/2018 sửa đổi, bổ sung Điều 11 của Quy chế phối hợp trong công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Lai Châu ban hành kèm theo Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND ngày 08/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu.

b) Theo dõi tình hình áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói chung và xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực nói riêng để kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định không khả thi, không phù hợp với thực tiễn hoặc chồng chéo, mâu thuẫn.

- Cơ quan thực hiện: Cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các cơ quan được tổ chức, quản lý theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính; UBND cấp huyện; UBND cấp xã.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên trong năm.

2. Công tác phổ biến pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ áp dụng, thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

a) Công tác phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ở tất cả các lĩnh vực thông qua các hình thức khác nhau, phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm từng bước củng cố kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh.

- Cơ quan, đơn vị thực hiện: Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các cơ quan được tổ chức, quản lý theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

b) Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ áp dụng, thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

- Nội dung: Tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ áp dụng, thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực chuyên môn thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị.

- Cơ quan, đơn vị thực hiện: Các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên trong năm.

3. Kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

a) Kiểm tra liên ngành việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

[...]