Kế hoạch 3066/KH-UBND năm 2024 thực hiện điều tra xác định hiện trạng rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Số hiệu 3066/KH-UBND
Ngày ban hành 15/08/2024
Ngày có hiệu lực 15/08/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Hồng Hải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3066/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 15 tháng 8 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐIỀU TRA XÁC ĐỊNH HIỆN TRẠNG RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Căn cứ Luật Lâm nghiệp năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 156/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 27/2024/NĐ-CP ngày 06/3/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018; Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng; Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng;

Thực hiện Công văn số 2338/BNN-KL ngày 01/4/2024 và Công văn số 3901/BNN-KL ngày 31/5/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc điều tra xác định hiện trạng rừng;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 2423/SNN-VP ngày 31/7/2024 và ý kiến góp ý của các sở, ban ngành, địa phương;

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện điều tra xác định hiện trạng rừng trên địa bàn tỉnh với nội dung như sau:

I. NGUYÊN TẮC, MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Nguyên tắc

a) Kế thừa các dữ liệu hiện có, gồm: Kết quả kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 874/QĐ-UBND ngày 29/3/2016 của UBND tỉnh và kết quả cập nhật theo dõi diễn biến rừng hàng năm; Dự án đánh giá lại hiện trạng rừng đối với diện tích thuộc trạng thái DT1, DT2 nằm trong quy hoạch 03 loại rừng trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 2438/QĐ-UBND ngày 16/11/2022 của UBND tỉnh và các tài liệu liên quan.

b) Điều tra, kiểm kê rừng được thực hiện đồng bộ, toàn diện nhằm xác định rõ ràng, cụ thể diện tích rừng (theo chủ quản lý và hiện trạng), diện tích rừng bị chồng lấn, tranh chấp về chủ quản lý trên địa bàn.

c) Ứng dụng khoa học công nghệ trong kiểm kê rừng để đảm bảo tính chính xác, khách quan kết quả điều tra, kiểm kê.

d) UBND các cấp chịu trách nhiệm phối hợp với cơ quan chuyên môn phụ trách lĩnh vực lâm nghiệp và đơn vị tư vấn chuyên ngành trong quá trình điều tra, kiểm kê rừng tại địa phương; theo dõi, tích hợp kết quả kiểm kê rừng vào hệ thống theo dõi diễn biến rừng hàng năm tại địa phương.

2. Mục đích

- Điều tra, kiểm kê rừng để xác định, nắm bắt chính xác toàn bộ diện tích rừng; chất lượng rừng (trong và ngoài quy hoạch lâm nghiệp) và diện tích đất chưa có rừng được quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp gắn với chủ quản lý cụ thể trên địa bàn tỉnh; phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát về quản lý bảo vệ và phát triển rừng và việc lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng từ tỉnh đến huyện, xã.

- Thiết lập được hồ sơ quản lý rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu theo đơn vị quản lý rừng và đơn vị hành chính các cấp để phục vụ theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp hàng năm; làm căn cứ đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

3. Yêu cầu

- Các nội dung điều tra rừng phải thực hiện theo quy định tại Điều 33 Luật Lâm nghiệp năm 2017 trên cơ sở các chuyên đề quy định tại Mục 1 Chương III Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2018/TT- BNNPTNT ngày 16/11/2018 về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng.

- Số liệu điều tra hiện trạng rừng phải khách quan, minh bạch, phản ánh đúng tiêu chí rừng theo quy định, vị trí, diện tích rừng phù hợp giữa kết quả điều tra và ngoài thực địa.

- Công tác điều tra xác định hiện trạng rừng phải hoàn thành đúng tiến độ, có chất lượng và hiệu quả.

- Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện công tác điều tra ở địa phương; phân công rõ trách nhiệm cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị tham gia thực hiện điều tra.

- Kết quả điều tra xác định hiện trạng rừng bao gồm hệ thống bản đồ, số liệu điều tra rừng theo quy định và Báo cáo kết quả điều tra rừng, đánh giá biến động về rừng và diện tích quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN

1. Phạm vi

Trên toàn bộ diện tích rừng, đất rừng thuộc quy hoạch 03 loại rừng giai đoạn 2016 - 2025 trên địa bàn tỉnh được phê duyệt và diện tích có rừng ngoài quy hoạch 03 loại rừng (rừng tự nhiên, rừng trồng từ ngân sách nhà nước đã quy hoạch cho mục đích khác hoặc từ trước đến nay không thuộc quy hoạch lâm nghiệp).

2. Đối tượng

Chủ rừng theo quy định tại Điều 8 Luật Lâm nghiệp năm 2017 và UBND cấp xã có quản lý diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng từ ngân sách nhà nước.

[...]