Quyết định 657/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp dược Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Số hiệu 657/QĐ-UBND
Ngày ban hành 04/03/2024
Ngày có hiệu lực 04/03/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Dương Anh Đức
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 657/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 3 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP DƯỢC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Dược ngày 06 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30 tháng 01 năm 2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới;

Căn cứ Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển;

Căn cứ Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045;

Căn cứ Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 09 tháng 10 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 1085/TTr-SYT ngày 06 tháng 02 năm 2024, ý kiến của Thành viên Ủy ban nhân dân Thành phố.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp dược Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (theo nội dung Đề án đính kèm).

Điều 2. Giao Sở Y tế là cơ quan thường trực, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Đề án này, định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố kết quả thực hiện.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Cục trưởng Cục Thuế Thành phố, Trưởng Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Anh Đức

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP DƯỢC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
(Kèm theo Quyết định số 657/QĐ-UBND ngày 04 tháng 3 năm 2024 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

PHẦN 1: CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. TÍNH CẤP THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Sự cần thiết

Theo Chiến lược Quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ Việt Nam xác định một trong những lĩnh vực trọng tâm là phát triển ngành công nghiệp dược phẩm nội địa, với mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu, đồng thời tập trung hiện đại hóa ngành dược Việt Nam trở nên ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới, về lâu dài, mục tiêu của Chính phủ hướng đến đáp ứng nhu cầu y tế cơ bản trong nước qua việc nội địa hóa sản xuất và hướng đến sản xuất các thuốc trị liệu cao cho mục đích phòng bệnh, chữa bệnh. Việt Nam cũng đặt mục tiêu xây dựng năng lực sản xuất vắc xin và các sản phẩm sinh học để phòng, chống dịch bệnh, phát triển hệ thống xét nghiệm, phân phối thuốc và thông tin thuốc tương đương với các quốc gia tiên tiến trong khu vực.

Theo thống kê của viện IQVIA năm 2021, Việt Nam nằm trong số 17 quốc gia có ngành dược phẩm có tổng giá trị thị trường dược phẩm và mức tăng trưởng ngành dược phẩm nhanh nhất trên thế giới (Pharmerging Market). Trong nhóm thị trường mới nổi, được chia thành 3 phân nhóm, Việt Nam được xếp vào nhóm thứ 3 trong 12 quốc gia. Với tốc độ tăng trưởng 14%, Việt Nam chỉ đứng sau Argentina và Pakistan. Tiềm năng tăng trưởng của ngành dược đang được đánh giá cao1. Tổng giá trị thị trường dược phẩm tại Việt Nam đạt mức 3,4 tỷ USD trong năm 2015, giá trị này tăng mạnh lên đến 5,1 tỷ USD vào năm 2018 và năm 2020 đạt 6,0 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2015 - 2018 khoảng 16,7%/ năm, giai đoạn 2018 - 2020 khoảng 8,8%/ năm2.

Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngành công nghiệp dược Việt Nam hiện đang ở cấp độ 3 (là mức có công nghiệp dược nội địa; có sản xuất thuốc generic; xuất khẩu được một số dược phẩm). Những năm gần đây, các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước đã có nhiều chuyển biến, việc áp dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc (GMP) đã được các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện; qua đó, năm 1997 từ 02 cơ sở đạt GMP đến năm 2022 đã có 273 cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn GMP3. Thị phần của thuốc sản xuất trong nước hiện nay chiếm tỷ lệ khoảng 46% về trị giá và khoảng 75% về số lượng4. Thị phần thuốc trong nước của Việt Nam xấp xỉ mức trung bình của các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) xét về mặt giá trị (38%) và cao hơn xét về mặt số lượng. So với các nước ASEAN, Việt Nam có thị phần thuốc trong nước cao nhất về số lượng, mặc dù vẫn phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu nguyên liệu (90% nguyên liệu và bao bì)3. Giá trị sản xuất của ngành sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu có mức tăng bình quân trong giai đoạn 2012 - 2020 là 7,8%, trong đó năm 2020 đạt mức tăng cao nhất là 21,8%5; các con số thống kê này mặc dù có thể bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng cho thấy vai trò quan trọng của ngành công nghiệp dược đối với sự phát triển của đất nước và sự cần thiết, cấp bách phải đề ra các giải pháp phát triển hơn nữa của ngành công nghiệp dược.

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật, y tế trọng điểm của cả nước, nơi tập trung nhiều các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, là đầu mối phân phối thuốc cho các khu vực trên cả nước.

[...]