Quyết định 1605/QĐ-UBND năm 2023 về phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Số hiệu 1605/QĐ-UBND
Ngày ban hành 30/06/2023
Ngày có hiệu lực 30/06/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Hoàng Quốc Khánh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1605/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 30 tháng 06 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP DƯỢC LIỆU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT (Tờ trình số 902/SNN-TT&BVTV ngày 12/5/2023).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (có Chương trình kèm theo):

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị: Y tế, Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ban Quản lý Khu kinh tế, Bảo hiểm Xã hội tỉnh và các cơ quan có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- TT. UBND tỉnh;
- Như Điều 3 QĐ;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Báo Lào Cai; Đài PTTH tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu VT, VX, CT, NLN1.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Quốc Khánh

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP DƯỢC LIỆU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1605/QĐ-UBND ngày 30/06/2023 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai)

Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Chương trình phát triển công nghiệp dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể như sau:

I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH

Tỉnh Lào Cai có rất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển sản xuất cây dược liệu, là một trong tám vùng trọng điểm về sản xuất cây dược liệu trên cả nước. Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 850 loài cây thuốc trong tổng số 3.948 loài thực vật có công dụng làm thuốc; 78 loài có tiềm năng khai thác; 70 loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn; nhiều loài quý hiếm có giá trị y dược rất cao, là thành phần chính để sản xuất các loại biệt dược, như Sâm Hoàng Liên (khu vực dãy núi Hoàng Liên Sơn), Bình Vôi, Tam Thất hoang, Chè dây, Giảo Cổ Lam, Thất diệp nhất chi hoa, Đỗ Trọng…

Những năm qua, xác định cây dược liệu là loại cây trồng chủ lực, tỉnh Lào Cai đã ban hành các Quy hoạch, Nghị quyết, Đề án, Kế hoạch để phát triển sản xuất cây dược liệu. Đến nay, tổng diện tích cây dược liệu chính trên địa bàn tỉnh đạt trên 3.550 ha (gồm nhóm cây dược liệu lâu năm dưới tán rừng như sa nhân tím, hồi, chè dây, tam thất, giảo cổ lam...; Nhóm cây dược liệu hàng năm như atiso, đương quy, cát cánh, xuyên khung, chùa dù…) từng bước hình thành vùng sản xuất dược liệu tập trung, gắn với ứng dụng các biện pháp kỹ thuật. Hiện có 210 ha (13 loại cây) cây dược liệu trồng đã được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên GACP; giá trị thu nhập bình quân từ sản xuất cây dược liệu đạt 120 - 150 triệu/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần so với sản xuất lương thực. Việc sơ chế, chế biến bước đầu được trú trọng đầu tư, có 01 cơ sở chế biến theo quy mô công nghiệp của Công ty Trapaco Sa Pa và nhiều cơ sở chế biến quy mô nhỏ;

Bên cạnh những kết quả đạt được việc phát triển cây dược liệu thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại như: (1) Hệ thống cơ sở hạ tầng của các vùng trồng cây dược liệu còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất với quy mô lớn, tập trung; (2) khâu sản xuất giống còn yếu, chưa ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống cây dược liệu, sản lượng cây giống chưa đáp ứng đủ yêu cầu sản xuất; (3) sản xuất một số loại dược liệu chính còn nhỏ lẻ, manh mún, bị động; (4) diện tích cây Sa nhân tím chiếm tỷ lệ lớn (60% tổng diện tích) nhưng đầu ra sản phẩm chủ yếu phụ thuộc vào thương lái thu mua nên không ổn định; (5) chưa tập trung sản xuất các loại cây dược liệu đầu vị để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao; (6) chưa có nhiều doanh nghiệp, HTX đầu tư cơ sở chế biến sâu (hiện chỉ có 01 cơ sở của Công ty Traphaco Sa Pa) nên giá trị sản phẩm còn thấp; (7) liên kết trong sản xuất cây dược liệu thực hiện chưa tốt, thiếu doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm có năng lực đủ lớn để hình thành liên kết bền vững…

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc với các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

2. Thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước cho sản xuất thuốc để phát triển công nghiệp dược. Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc.

3. Phát huy lợi thế nguồn dược liệu trong tỉnh, đặc biệt là các loại dược liệu đặc hữu, dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp dược liệu góp phần bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý. Phát triển dược liệu và các sản phẩm từ nguồn dược liệu có chất lượng và giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường. Phát triển cây dược liệu phải đảm bảo phù hợp với từng vùng sinh thái trên cơ sở khai thác tối đa và có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và thị trường.

[...]