Kế hoạch 04/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chỉ thị 04/CT-TTg định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống tỉnh Hưng Yên

Số hiệu 04/KH-UBND
Ngày ban hành 08/01/2024
Ngày có hiệu lực 08/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Nguyễn Hùng Nam
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/KH-UBND

Hưng Yên, ngày 08 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ 04/CT-TTG NGÀY 07/02/2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN QUY HOẠCH KIẾN TRÚC NÔNG THÔN VIỆT NAM, TẠO BẢN SẮC VÀ GIỮ GÌN KIẾN TRÚC TRUYỀN THỐNG

Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 07/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống (sau đây viết tắt là Chỉ thị 04/CT-TTg), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Phổ biến, quán triệt đầy đủ các nội dung của Chỉ thị số 04/CT-TTg; bảo vệ và phát huy không gian kiến trúc truyền thống, bảo vệ di tích văn hóa lịch sử, định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống.

b) Nâng cao công tác quản lý về văn hóa kết hợp với quản lý về xây dựng, tiếp tục hoàn thiện các thể chế để từng bước xây dựng kiến trúc nông thôn tỉnh Hưng Yên trong dòng chảy của nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; kế thừa và phát huy giá trị di sản kiến trúc truyền thống, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, yêu cầu quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; kế thừa kinh nghiệm xây dựng, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đáp ứng nhu cầu đô thị hóa, hướng tới hoàn thiện theo các tiêu chí đô thị đối với các khu vực ven đô thị, khu vực dự kiến thành lập, mở rộng phát triển đô thị.

2. Yêu cầu

a) Đảm bảo sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống.

b) Xác định nội dung của kế hoạch gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan quản lý nhà nước và địa phương, đảm bảo chất lượng và tiến độ thực hiện kế hoạch.

c) Xác định vai trò và mối quan hệ giữa bản sắc địa phương với kiến trúc nông thôn sẽ góp phần trong việc xây dựng kiến trúc nông thôn mới có bản sắc, duy trì và truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển nông thôn nói chung và trong chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới nói riêng.

d) Quá trình triển khai thực hiện phải đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả theo chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh về công tác quy hoạch, quy hoạch xây dựng; đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các Sở, Ban, Ngành và các đơn vị liên quan; thường xuyên, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, đảm bảo thực hiện đúng theo tinh thần của Chỉ thị số 04/CT-TTg.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về vai trò, vị trí của văn hóa nông thôn

a) Tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chương trình, kế hoạch quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các chính sách có liên quan nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng khu vực nông thôn để người dân hiểu rõ hơn về nội dung quy hoạch xây dựng và chủ động tham gia vào công tác quy hoạch xây dựng cũng như đầu tư phát triển theo quy hoạch.

b) Đẩy mạnh phát triển các yếu tố đô thị trên địa bàn cấp huyện trên cơ sở tiềm năng của từng khu vực, làm cơ sở hình thành các đô thị mới trên địa bàn huyện. Phát triển các điểm dân cư tập trung có quy mô, có điều kiện sống như điều kiện sống của người dân đô thị tại các vùng có kinh tế phát triển từ mức trung bình trở lên. Khu vực ven đô thị cần được xác định rõ và có các giải pháp quy hoạch hài hòa và kết hợp với không gian đô thị, giữ được bản sắc, khai thác tốt tiềm năng trong giai đoạn trước mắt, tránh lãng phí trong đầu tư xây dựng. Rà soát các khu vực ven đô thị, khu vực dự kiến thành lập, mở rộng phát triển đô thị để quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng phát triển đô thị. Nâng cấp các dịch vụ ở khu vực nông thôn tiếp cận với dịch vụ đô thị, để hỗ trợ quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế; tuy nhiên cần xem xét, có chọn lọc các xu hướng mới để không sa đà, đánh mất bản sắc văn hóa làng xã địa phương.

c) Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương, người dân về vai trò, vị trí của văn hóa nông thôn; Tạo nhận thức thông suốt, đồng bộ để xây dựng kế sách giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa nông thôn trước nguy cơ bị mai một, xâm lấn bởi tác động xấu của quá trình hội nhập, đô thị hóa. Xác định Văn hóa là cốt lõi, bản sắc của dân tộc, một khi văn hóa bị lãng quên, biến mất sẽ không có cơ hội để tái sinh, phục hồi nguyên vẹn.

d) Ý thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa nông thôn, cần phải có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể, bao quát để nhận, diện lợi thế của văn hóa nông thôn, từ đó có chính sách bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị nguồn tài nguyên nhân văn trong phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng con người mới.

e) Phải giữ được những không gian xanh, những công trình lịch sử, văn hóa, lan tỏa những nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng, đó là tình yêu quê hương đất nước, tình đoàn kết; tinh thần nhân ái, đề cao lợi ích tập thể, truyền thống hiếu học của người nông dân.

f) Đề cao vai trò, vị thế của người nông dân trong sáng tạo, giữ gìn và tuyên truyền văn hóa cho thế hệ trẻ. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần để những người trẻ tuổi chủ động, tích cực và ứng phó linh hoạt trước những tác động phức tạp của bối cảnh, tình hình mới.

2. Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và triển khai thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch, kiến trúc xây dựng nông thôn

a) Kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy định pháp luật phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh và triển khai thực hiện các văn bản, các quy định của pháp luật liên quan đến quy hoạch, kiến trúc nông thôn như: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kiến trúc; Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2021, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2022; các Quyết định số: 318/QĐ-TTg, 319/QĐ-TTg, 320/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp theo các mức độ đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu. Các Quyết định số: 1156/QĐ-UBND ngày 27/5/2022; 1154/QĐ-UBND ngày 27/5/2022 và 1153/QĐ-UBND ngày 27/5/2022 của UBND tỉnh Hưng Yên về ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 684/QĐ-UBND ngày 21/3/2023 của UBND tỉnh Hưng Yên Ban hành bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao, quy định thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

b) Quy chế quản lý quy hoạch và cảnh quan nông thôn phải được xây dựng dựa trên các đồ án quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch điểm dân cư nông thôn. Trong đó xác định các chỉ tiêu về quy hoạch sử dụng đất, chỉ tiêu mật độ xây dựng, mật độ cư trú, diện tích đất tối thiểu; phân khu bảo tồn, tái phát triển và phát triển. Với ba nguyên tắc cơ bản, được ưu tiên và sắp đặt theo thứ tự: bảo tồn giá trị văn hóa - giữ gìn môi trường - phát triển.

d) Mở rộng không gian văn hóa làng quê dựa trên tinh hoa văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại. Xây dựng chế tài để ngăn chặn, đẩy lùi những luồng thông tin độc hại, những hành vi, hiện tượng tiêu cực về văn hóa, phản giá trị văn hóa, đảm bảo môi trường văn hóa lành mạnh ở các làng quê, nhất là trong bối cảnh điều kiện kinh tế - xã hội đang có nhiều thay đổi ở nước ta hiện nay.

e) Trong quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị cũng như nông thôn phải bảo tồn nguyên vẹn không gian văn hóa truyền thống. Đảm bảo sự phát triển hài hòa, bền vững, cân bằng; xử lý tốt mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, giữa đô thị, thành phố với nông thôn, tránh sự pha tạp, tâm lý tùy hứng và tư duy nhiệm kỳ trong quản lý, phát triển.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Xây dựng

- Tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật để ban hành, sửa đổi, bổ sung phù hợp với điều kiện thực tế, truyền thống văn hóa, kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương, theo quy định pháp luật.

[...]