Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 2958/KH-UBND năm 2020 thực hiện Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025, tỉnh Lai Châu

Số hiệu 2958/KH-UBND
Ngày ban hành 16/12/2020
Ngày có hiệu lực 16/12/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Tống Thanh Hải
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2958/KH-UBND

Lai Châu, ngày 16 tháng 12 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NHÂN RỘNG MÔ HÌNH CÂU LẠC BỘ LIÊN THẾ HỆ TỰ GIÚP NHAU GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2025, TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Quyết định số 1336/QĐ-TTg, ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025; Công văn số 449/HNCT-ĐN ngày 12/10/2020 của Hội Người cao tuổi Việt Nam về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1336/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh Lai Châu ban hành kế hoạch thực hiện Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025, tỉnh Lai Châu, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Triển khai có hiệu quả Quyết định số 1336/QĐ-TTg, ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, giai đoạn đến năm 2025. Từng bước nâng cao chất lượng đời sống, vật chất, tinh thần, sức khoẻ cho người cao tuổi, xoá đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

2. Việc thành lập mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau phải gắn với duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đã thành lập giai đoạn 2017 - 2020. Việc nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau nhằm tiếp tục củng cố xây dựng tổ chức hội các cấp vững mạnh.

3. Phát huy vai trò của Hội người cao tuổi các cấp, huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, các đoàn thể và toàn xã hội trong công tác chăm sóc phát huy vai trò người cao tuổi. Thông qua cách tiếp cận câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, dựa vào cộng đồng để chăm sóc người cao tuổi và phát huy có hiệu quả vai trò của người cao tuổi trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình quốc gia về người cao tuổi.

II. MỤC TIÊU VÀ CHỈ TIÊU

1. Chỉ tiêu về số lượng

- Phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 72 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau (CLB). Giai đoạn 2021 - 2025 thành lập mới 47 CLB. Trong đó:

+ Thành lập mới 35 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, thu hút 1.400 thành viên. Cụ thể:

Năm 2022: Thành lập 08 CLB.

Năm 2023: Thành lập 09 CLB.

Năm 2024: Thành lập 08 CLB.

Năm 2025: Thành lập 10 CLB.

+ Thực hiện việc luân chuyển nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 để thành lập ít nhất 12 CLB mới trên địa bàn các xã, phường, thị trấn đã được thành lập câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, thu hút 500 thành viên. Trong đó:

Năm 2022: Thành lập 01 CLB.

Năm 2023: Thành lập 02 CLB.

Năm 2024: Thành lập 04 CLB.

Năm 2025: Thành lập 05 CLB.

- Duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động và quản lý 25 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đã thành lập giai đoạn 2017 - 2020 và các CLB mới được xây dựng, thành lập.

2. Chỉ tiêu về chất lượng

- Việc thành lập các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau phải đảm bảo chất lượng về cơ cấu, thành phần. Mỗi câu lạc bộ có ít nhất 40 thành viên trở lên, trong đó 60 - 70% là phụ nữ; 60 - 70% là người cao tuổi, 30 - 40 % là người trẻ tuổi, ưu tiên người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

- 100% câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau có quỹ tăng thu nhập và quỹ hoạt động do câu lạc bộ tự quản lý theo quy chế do câu lạc bộ ban hành.

- Có ít nhất 70% câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thực hiện đủ 8 mảng hoạt động chính và quản lý tốt để có ít nhất 50% thành viên được vay vốn tăng thu nhập, mọi thành viện được nâng cao sức khoẻ về thể chất tinh thần, nâng cao nhận thức, kiến thức về bảo vệ quyền lợi.

III. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi: Kế hoạch được triển khai tại các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

2. Đối tượng: Là người cao tuổi và gia đình của họ, phụ nữ và các thành viên khác trong cộng đồng, đặc biệt là người cao tuổi nghèo, cận nghèo, người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, người cao tuổi là dân tộc thiểu số.

[...]