Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 292/KH-UBND năm 2022 về hỗ trợ cung ứng, kết nối cung - cầu lao động đảm bảo nguồn lao động tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 292/KH-UBND
Ngày ban hành 10/08/2022
Ngày có hiệu lực 10/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 292/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 10 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ CUNG ỨNG, KẾT NỐI CUNG - CẦU LAO ĐỘNG ĐẢM BẢO NGUỒN LAO ĐỘNG TỈNH THỪA THIÊN HUẾ, GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Thông báo số 128/TB-VPCP ngày 27/4/2022 của Văn phòng Chính phủ kết luận cuộc họp về tình hình, giải pháp khắc phục thiếu hụt lao động. Để triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp về hỗ trợ cung ứng, kết nối cung - cầu lao động đảm bảo nguồn lao động, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hỗ trợ cung ứng, kết nối cung - cầu lao động đảm bảo nguồn lao động tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2022 – 2025 với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ cung ứng, kết nối Cung - Cầu lao động giữa doanh nghiệp và người lao động kịp thời, hiệu quả; qua đó giải quyết việc làm cho người lao động, giúp doanh nghiệp tuyển dụng được lao động, khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định và phát triển kinh tế xã hội.

- Tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo và người lao động về công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tuyển chọn của doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tuyển lao động ở địa phương; thường xuyên thông tin cho người lao động và doanh nghiệp về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm việc làm của người lao động, đặc biệt hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

2. Yêu cầu

- Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc hỗ trợ cung ứng, kết nối cung - cầu lao động, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm gắn với nhiệm vụ chính trị được giao, chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, đơn vị.

- Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng kế hoạch và các giải pháp cụ thể đảm bảo nguồn lao động hỗ trợ cung ứng, kết nối cung - cầu lao động giữa doanh nghiệp và người lao động.

II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở

- Các cấp ủy Đảng các cấp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội, các Nghị quyết, Chỉ thị về chương trình việc làm, hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm giai đoạn 2021 - 2025.

- UBND các cấp chỉ đạo quyết liệt việc hỗ trợ cung ứng, kết nối cung - cầu lao động giữa doanh nghiệp và người lao động đảm bảo không xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt lao động với sự tham gia phối hợp đồng bộ của các ngành chức năng và các tổ chức chính trị xã hội.

2. Tổ chức rà soát nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nhu cầu tìm kiếm việc làm của lao động

- Nắm thông tin về tình hình tuyển dụng và nhu cầu sử dụng lao động, với các thông tin cơ bản về quy mô hoạt động và nhu cầu về lao động (số lượng, trình độ, tay nghề...) theo từng quy mô, thời gian, khả năng thiếu hụt lao động và các chính sách phúc lợi của doanh nghiệp cho người lao động để thông tin, tư vấn đến người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm.

- Đối với người lao động, tổ chức nắm các thông tin cơ bản: Công việc đang làm; số lao động đang thất nghiệp, lý do thất nghiệp, thời gian thất nghiệp, công việc và nơi làm việc gần nhất trước khi thất nghiệp; nhu cầu của người lao động về đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lao động, nhu cầu tìm kiếm việc làm mong muốn,... Ưu tiên tổ chức nắm bắt thông tin của người lao động tỉnh Thừa Thiên Huế đang tạm trú, lưu trú ở ngoại tỉnh bị mất việc làm trở về địa phương.

- Xây dựng quy chế cung cấp thông tin giữa các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các địa phương để nắm bắt thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn, doanh nghiệp chuẩn bị đi vào hoạt động, đầu tư tại tỉnh, để có kế hoạch kết nối hỗ trợ tuyển dụng lao động theo đúng nhu cầu, thời gian.

3. Giới thiệu, cung ứng lao động

- Nắm bắt thông tin thực trạng việc làm của lao động trên địa bàn, số lao động bị mất việc làm, thất nghiệp, lao động từ các tỉnh ngoài trở về địa phương có nhu cầu tìm kiếm việc làm tại tỉnh để kịp thời tư vấn hỗ trợ tạo việc hoặc vay vốn tạo việc làm mới cho người lao động và người sử dụng lao động.

- Tạo điều kiện cho người lao động chưa có việc làm, mất việc làm hoặc có việc làm nhưng việc làm không ổn định được tiếp cận và trao đổi thông tin cần thiết về nhu cầu việc làm, hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề, để có cơ hội nghề nghiệp quay lại thị trường lao động.

- Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể liên quan với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh nắm bắt lực lượng thanh niên sắp hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an xuất ngũ về làm việc tại địa phương, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp; phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm dành riêng cho đối tượng này; lồng ghép định hướng nghề nghiệp vào chương trình học nghề của thanh niên (sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự).

- Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thu hút, cung ứng nguồn lao động trong tỉnh đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trên địa bàn.

4. Phát triển thị trường lao động và kết nối cung - cầu lao động

- Tổ chức khảo sát, đánh giá, nắm bắt tình hình nhu cầu của người lao động để tư vấn giới thiệu việc làm, giới thiệu tham gia thị trường lao động; tăng cường kết nối cung - cầu, nghiên cứu tổ chức các phiên giao dịch, sàn giao dịch lưu động, trực tuyến, trực tiếp tìm kiếm việc làm cho người lao động phù hợp với tình hình hiện nay.

- Nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động nhằm cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, chỗ việc làm trống, các khóa đào tạo... giúp người lao động, nhất là lao động từ các địa phương khác về được biết tham gia.

- Thường xuyên chia sẻ thông tin để mở rộng phạm vi hoạt động cũng như nâng cao hiệu quả kết nối giữa các địa phương và doanh nghiệp, sử dụng các công cụ, phương tiện truyền thông để chuyển tải thông tin về cung - cầu lao động tạo điều kiện cho người lao động, người sử dụng lao động có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin.

- Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức kết nối cung - cầu lao động; Phát huy hiệu quả website vieclamhue.com.vn, fanpage vieclamhue trong việc cung cấp thông tin, kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn. Xây dựng phần mềm ứng dụng trên thiết bị thông minh để kết nối việc làm cho lao động xã hội được thuận lợi gắn với Hue-S; tăng cường việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các sở, ngành, địa phương, Trung tâm Dịch vụ việc làm với người lao động, người sử dụng lao động và cơ sở đào tạo. Thực hiện tốt việc thu thập thông tin cung - cầu lao động hằng năm và xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực lao động trên địa bàn tỉnh.

[...]