Kế hoạch 29/KH-UBND về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2020 trên địa bàn Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 29/KH-UBND
Ngày ban hành 17/02/2020
Ngày có hiệu lực 17/02/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Quận 11
Người ký Trần Phi Long
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 11
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/KH-UBND

Quận 11, ngày 17 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN 11

Căn cứ Kế hoạch số 3254/KH-BCĐLNATTP ngày 31/12/2019 của Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm thành phố về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2020.

Ủy ban nhân dân quận 11 xây dựng Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2020 trên địa bàn quận 11 cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

Tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn cho cán bộ phụ trách quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP), các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn hiểu đúng và thực hành đúng về an toàn thực phẩm; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo các sản phẩm đến tay người tiêu dùng là an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Mục tiêu 1: Tăng cường công tác thông tin giáo dục, truyền thông, phổ biến, hướng dẫn quy định của pháp luật về ATTP cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cán bộ quản lý cấp quận và 16 phường; nâng cao kiến thức ATTP cho người dân trên địa bàn.

- Mục tiêu 2: Cải thiện tình trạng an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đến cuối năm 2020 duy trì đạt được tỷ lệ 98% cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. (trừ cơ sở không thuộc đối tượng cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm)

- Mục tiêu 3: Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và giám sát mối nguy về an toàn thực phẩm; tăng cường năng lực của hệ thống quản lý an toàn thực phẩm.

- Mục tiêu 4: Tập trung công tác quản lý, hướng dẫn các hộ kinh doanh thức ăn đường phố (TĂĐP) thực hiện đúng các quy định về ATTP.

+ 100% người kinh doanh được tập huấn kiến thức về ATTP.

+ Xây dựng các tuyến đường ở mỗi Phường thành tuyến đường không TĂĐP, tuyến đường TĂĐP điểm.

- Mục tiêu 5: Phấn đấu không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quận.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:

1. Tăng cường hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm:

Đối với cán bộ quản lý ATTP:

- Tăng cường công tác tập huấn, giám sát hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP 16 phường. Tạo điều kiện cho các cán bộ làm công tác quản lý về ATTP tham gia các lớp nâng cao năng lực về quản lý, chuyên môn nghiệp vụ.

- Đảm bảo đủ nhân sự làm công tác quản lý, kiểm tra ATTP.

- Đầu tư trang thiết bị, dụng cụ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, thẩm định ATTP (Bộ test nhanh thực phẩm, máy tính, máy in...)

- Phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, phường và Hội liên hiệp phụ nữ Quận trong công tác truyền thông để đạt được hiệu quả và độ phủ lớn.

- Phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm y tế hướng dẫn các căn tin, bếp ăn tập thể trong trường học sử dụng thực phẩm trong chuỗi thực phẩm an toàn nhằm đảm bảo không xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học.

Đối với các cơ sở và người tiêu dùng:

- Tập trung tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật về ATTP nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, điều kiện kinh doanh TĂĐP, hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm đảm bảo an toàn. Nội dung truyền thông đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với từng nhóm đối tượng.

- Thực hiện các hoạt động truyền thông bề nổi trong các đợt cao điểm trong năm: treo băng rôn, áp phích, tờ rơi, hệ thống phát thanh tại các đơn vị, trang thông tin điện tử để kịp thời cung cấp thông tin về các địa điểm cung cấp sản phẩm an toàn và địa điểm cung cấp sản phẩm không an toàn đến người tiêu dùng.

2. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và giám sát an toàn thực phẩm:

- Tăng cường công tác kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống đặc biệt tập trung vào các sản phẩm của các cơ sở có nguy cơ cao. Cụ thể:

[...]