Kế hoạch 287/KH-UBND năm 2021 về xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 287/KH-UBND
Ngày ban hành 14/12/2021
Ngày có hiệu lực 14/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Chử Xuân Dũng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 287/KH-UBND

Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG VĂN HÓA ỨNG XỬ TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Căn cứ Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”; Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 30/7/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Từng bước xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử, hướng đến hình thành ý thức, tạo thói quen tích cực của người sử dụng trên không gian mạng; lên án các hành vi đi ngược lại lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.

- Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thông tin trên mạng. Ngăn chặn các nội dung thông tin xấu độc trên môi trường mạng.

- Khai thác lợi thế của môi trường mạng để lan tỏa những giá trị văn hóa, xã hội tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

2. Yêu cầu

- Đa dạng hóa hình thức, chú trọng tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện. Các giải pháp được triển khai phải thiết thực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi tham gia hoạt động cung cấp, quản lý, sử dụng thông tin trên mạng, tập trung vào các nhóm đối tượng thường xuyên tham gia và có ảnh hưởng trên mạng xã hội.

- Việc trau dồi các thói quen tích cực trên không gian mạng phải được duy trì thường xuyên, phù hợp với các đối tượng và điều kiện của các cơ quan, đơn vị và cá nhân tham gia trên không gian mạng.

II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP

1. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng, hình thành văn hóa ứng xử trên không gian mạng

- Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên báo chí, xây dựng các hình thức truyền thông mới:

+ Xây dựng nội dung, phát hành tài liệu tuyên truyền về các quy tắc ứng xử trên không gian mạng phù hợp với các đối tượng tuyên truyền, dần tạo dựng thói quen, hành vi tích cực của người sử dụng trên không gian mạng.

+ Sản xuất các phim ngắn, phóng sự; xây dựng nội dung tin, bài, ảnh đồ họa, video motion graphic (video đồ họa chuyển động) để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, các nền tảng truyền thông xã hội về Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành); văn hóa ứng xử trên không gian mạng; quyền lợi, trách nhiệm, những hành vi bị cấm khi tham gia môi trường mạng đồng thời biểu dương các hành vi ứng xử có văn hóa, phê phán, tiến đến loại bỏ các hành vi xấu, tiêu cực trên không gian mạng.

+ Xây dựng nội dung, hình ảnh trực quan sinh động để tuyên truyền về văn hóa ứng xử trên không gian mạng trên hệ thống bảng điện tử quảng cáo tại các khu chung cư, tòa nhà văn phòng, ngoài trời, địa điểm công cộng...

+ Khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp tuyên truyền, lan tỏa các thông tin tích cực, các hành vi ứng xử có văn hóa trên không gian mạng.

+ Lồng ghép các nội dung tuyên truyền, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, các hành vi ứng xử văn hóa trong hoạt động tuyên truyền, bảo vệ trẻ em trên địa bàn Thành phố.

+ Tuyên truyền trên hệ thống trang/cổng thông tin điện tử cơ quan nhà nước về xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng.

- Tổ chức các cuộc thi trực tuyến như tìm hiểu pháp luật, viết về các hành động đẹp khi tham gia môi trường mạng. Đa dạng, sáng tạo các hình thức tuyên tuyền, vận động các tổ chức, đoàn thể trực thuộc tham gia theo phương châm lành mạnh hóa thông tin trên môi trường mạng, xây dựng những trang, nhóm (fanpage, group) lan tỏa thông tin tích cực. Tiếp tục triển khai, phát động các phong trào, mô hình thi đua trong giới trẻ nhằm tạo dựng môi trường “xanh”, “bình yên” trên mạng.

- Phổ biến, hướng dẫn kỹ năng cần thiết để tham gia môi trường mạng an toàn, lành mạnh, kỹ năng ứng xử văn hóa, phù hợp với lứa tuổi trên không gian mạng cho học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn Thành phố. Trang bị cho học sinh, sinh viên nhận thức về các nguy cơ, rủi ro trên không gian mạng, kỹ năng tự bảo vệ, địa chỉ cung cấp sự hỗ trợ, hướng dẫn khi gặp các vấn đề trong quá trình tương tác trên không gian mạng, biết cách nhận diện, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em trên không gian mạng.

- Tổ chức các hội nghị phổ biến kỹ năng sử dụng Internet an toàn, hiệu quả và ứng xử văn hóa trên không gian mạng cho các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội, các cơ sở giáo dục, các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn Thành phố.

2. Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thông tin trên mạng

- Xây dựng, tham mưu đề xuất với các cấp có thẩm quyền xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đáp ứng tốt thực tiễn phát triển, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

- Nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập trên môi trường mạng, đồng thời nâng cao chất lượng nội dung thông tin phục vụ việc học sinh truy cập mạng, đổi mới cách thức tương tác giữa nhà trường với gia đình và học sinh, góp phần thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả, phù hợp trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

- Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát thông tin trên không gian mạng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng không gian mạng để phát tán thông tin xấu độc; thông tin vi phạm pháp luật; giả mạo cơ quan, tổ chức của Thành phố; các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

3. Nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp thông tin trên mạng

[...]