Kế hoạch 2826/KH-UBND năm 2022 phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 2826/KH-UBND
Ngày ban hành 26/08/2022
Ngày có hiệu lực 26/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tây Ninh
Người ký Trần Văn Chiến
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2826/KH-UBND

Tây Ninh, ngày 26 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CHUỖI GIÁ TRỊ CHĂN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2022-2025

Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Quyết định số 382/QĐ-UBND ngày 20 tháng 02 năm 2017 của UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt Đề án cơ cấu lại nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2029/QĐ-UBND ngày 20 tháng 9 năm 2019 của UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt Đề án “Phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh”;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020- 2025.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025, cụ thể như sau;

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn.

Cơ cấu lại chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết các khâu sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với thị trường tiêu thụ; chăn nuôi quy mô lớn, tập trung ứng dụng công nghệ cao.

Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng có chọn lọc các thành tựu khoa học công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

Xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi an toàn là giải pháp hữu hiệu, nhằm đưa các sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Đó cũng là con đường ngắn nhất thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi, tạo chuỗi giá trị bền vững, ổn định kinh tế cho người chăn nuôi.

Tập trung phát triển các chuỗi giá trị của các loại vật nuôi có số lượng lớn, có tiềm năng của tỉnh là heo, bò sữa, bò thịt, gà đẻ trứng, gà thịt và chim yến.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Triển khai có hiệu quả đề án "Phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành Nông nghiệp" tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

- Phát triển chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị ngành hàng.

- Xây dựng các chuỗi giá trị chăn nuôi của tỉnh nhằm gắn kết chặt chẽ giữa chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị nông sản, nâng cao đời sống nông dân; khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, xã hội và truyền thống chăn nuôi, thị trường tiêu thụ gắn với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào chuỗi giá trị chăn nuôi.

- Nâng cao năng suất, chất lượng chăn nuôi; mức tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2025 bình quân 16,3%/năm; tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi so với tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 28,3% vào năm 2025, GRDP đạt 5.593 tỷ đồng.

2. Mục tiêu cụ thể

Phấn đấu đến năm 2025, quy mô đàn đạt tối thiểu 550.000 con heo, 20.000 con bò sữa, 105.000 con bò thịt, 10.000.000 con gà (gà thịt: 7.000.000 con, gà trứng: 3.000.000 con), 1.000 nhà yến (sản lượng 6 tấn tổ yến).

(Phụ lục I kèm theo)

a) Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi heo

- Mở rộng, nâng cấp 02 chuỗi giá trị đã hình thành:

+ Chuỗi thịt heo tươi cung cấp cho các chợ truyền thống. Mục tiêu đến năm 2025 chiếm 55% sản lượng thịt heo của tỉnh (hiện nay là 45%).

+ Chuỗi thịt heo tươi cung cấp cho các điểm cung cấp thịt heo an toàn. Mục tiêu đến năm 2025 chiếm 15% sản lượng thịt heo của tỉnh (hiện nay là 10%).

- Hình thành chuỗi giá trị chăn nuôi, giết mổ công nghệ cao, bảo quản lạnh, pha lóc, chế biến sâu. Mục tiêu đến năm 2025 chiếm 10% sản lượng thịt heo của tỉnh (hiện nay chưa có).

[...]