Kế hoạch 28/KH-UBND về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức khối nhà nước và chính quyền cơ sở năm 2022 trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Số hiệu 28/KH-UBND
Ngày ban hành 11/02/2022
Ngày có hiệu lực 11/02/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Trần Huy Tuấn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/KH-UBND

Yên Bái, ngày 11 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC KHỐI NHÀ NƯỚC VÀ CHÍNH QUYỀN CƠ SỞ NĂM 2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2025; thực hiện Công văn số 4301/BNV-ĐT ngày 01/9/2021 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức năm 2022, Kết luận số 218-KL/TU ngày 10/9/2021 của Thường trực Tỉnh ủy, Kế hoạch số 55-KH/TU ngày 29/12/2021 của Tỉnh ủy Yên Bái về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức khối nhà nước và chính quyền cơ sở năm 2022 trên địa bàn tỉnh Yên Bái, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhằm không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức và hoạt động nghề nghiệp của viên chức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh chính trị và năng lực trong thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xây dựng sự nghiệp chính trị và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

2. Yêu cầu

a) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức phải căn cứ vào vị trí việc làm, tiêu chuẩn của ngạch công chức; tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm; gắn với công tác sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị, địa phương.

b) Cân đối nguồn lực để bảo đảm cho công tác đào tạo và công tác bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đào tạo, bồi dưỡng có trọng tâm, trọng điểm theo từng nhóm đối tượng, cập nhật kiến thức mới, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu theo quy định, bảo đảm chất lượng các lớp đào tạo, bồi dưỡng, không dàn trải, hình thức, thiếu hiệu quả.

c) Lựa chọn các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có chất lượng cao, có đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp để phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

d) Thực hiện hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

II. ĐỐI TƯỢNG

1. Cán bộ, công chức thuộc cơ quan Nhà nước;

2. Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập;

3. Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

4. Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

III. NỘI DUNG BỒI DƯỠNG

1. Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức (ngạch chuyên viên): Tổng số: 02 lớp, 140 người; tổng kinh phí thực hiện là 448.000.000 đồng.

2. Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí, việc làm:

2.1. Bồi dưỡng chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương: Tổng số 04 lớp, 370 người, kinh phí thực hiện 180.000.000 đồng, cụ thể:

- Bồi dưỡng Trưởng, Phó phòng các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện đương chức hoặc trong quy hoạch: 01 lớp, 70 người, kinh phí thực hiện 180.000.000 đồng;

- Bồi dưỡng người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện; viên chức lãnh đạo khoa, phòng các đơn vị tương đương của ĐVSN công lập: 03 lớp, 300 người, kinh phí thực hiện do ngân sách đơn vị sự nghiệp hỗ trợ và học viên tự đóng góp kinh phí học tập cho cơ sở đào tạo, bồi dưỡng theo quy định;

2.2 Bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ: Tổng số 11 lớp, 900 người, kinh phí thực hiện 838.000.000 đồng, cụ thể như sau:

- Bồi dưỡng công tác văn thư lưu trữ: 02 lớp, 150 người, kinh phí thực hiện 228.000.000 đồng.

- Bồi dưỡng đạo đức công vụ và phòng chống tham nhũng trong các cơ quan Nhà nước: 02 lớp, 120 người, kinh phí thực hiện 130.000.000 đồng.

- Bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cải cách hành chính cho CBCC cấp tỉnh, cấp huyện: 01 lớp, 30 người, kinh phí thực hiện 70.000.000 đồng.

- Bồi dưỡng kiến thức hội nhập quốc tế và những tác động đến Việt Nam: 01 lớp, 60 người, kinh phí thực hiện 70.000.000 đồng.

- Bồi dưỡng kiến thức pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo: 03 lớp, 400 người, kinh phí thực hiện 190.000.000 đồng.

[...]