Kế hoạch 278/KH-UBND năm 2013 triển khai Luật Giám định tư pháp và tiếp tục thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” thành phố Hải Phòng

Số hiệu 278/KH-UBND
Ngày ban hành 11/01/2013
Ngày có hiệu lực 11/01/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Lê Khắc Nam
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 278/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 11 tháng 01 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP VÀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; ngày 20/6/2012, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Giám định tư pháp, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 (thay thế Pháp lệnh Giám định tư pháp năm 2004).

Thực hiện quy định pháp luật mới về giám định tư pháp, Quyết định số 1549/QĐ-TTg ngày 16/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp; Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” (sau đây gọi tắt là Đề án 258); theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp, các Kế hoạch, Chương trình của Thành ủy về cải cách tư pháp; Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Kế hoạch triển khai Luật Giám định tư pháp và tiếp tục thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” trên địa bàn thành phố như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành ở thành phố, kết hợp với tiếp tục thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” gắn với thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước.

2. Kiện toàn Tổ chức Giám định tư pháp và lực lượng giám định tư pháp chuyên ngành tại các Sở, ngành chuyên môn; phát triển đội ngũ Giám định viên tư pháp cả về số lượng, chất lượng; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng tốt yêu cầu giám định tư pháp của hoạt động tố tụng; góp phần đắc lực trong sự nghiệp bảo vệ công lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phục vụ mục tiêu cải cách tư pháp và các chương trình phát triển kinh tế xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố.

3. Tăng cường quản lý Nhà nước về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp, xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo sự phối kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan, tổ chức liên quan trong triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp và tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.

II. NỘI DUNG

1. Phổ biến, quán triệt, triển khai Luật Giám định tư pháp gắn với tiếp tục thực hiện Đề án 258 của Thủ tướng Chính phủ:

1.1. Sở Tư pháp phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố giúp Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Luật Giám định tư pháp, người làm giám định tư pháp theo vụ việc; Lãnh đạo các ngành, tổ chức, hội, đoàn thể ở thành phố; đội ngũ Giám định viên tư pháp, người làm giám định tư pháp theo vụ việc; Lãnh đạo quận, huyện.

1.2. Các Cơ quan tư pháp thành phố: Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát triển khai Luật Giám định tư pháp và tiếp tục thực hiện Đề án 258 trong ngành mình đặc biệt là đối với các cán bộ, công chức giữ chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, trực tiếp làm công tác tư pháp tại các cơ quan tiến hành tố tụng và tại các tổ chức bổ trợ tư pháp. Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm tổ chức quán triệt, triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp đối với các luật sư, người tập sự hành nghề luật sư của Đoàn.

1.3. Các ngành, tổ chức, hội, đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ, tổ chức triển khai Luật Giám định tư pháp và tiếp tục thực hiện Đề án 258 cho nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, thành viên của mình, đặc biệt là những đối tượng có liên quan trực tiếp đến công tác tư pháp, cán bộ pháp chế ngành, pháp chế doanh nghiệp trực thuộc (nếu có).

1.4. Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân, các cơ quan, tổ chức ở thành phố những quy định pháp luật mới về giám định tư pháp, các nội dung Đề án 258.

1.5. Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến về Luật Giám định tư pháp trong phạm vi quận, huyện mình.

(Thời gian hoàn thành việc phổ biến, quán triệt, triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp và tiếp tục thực hiện Đề án 258 trong tháng 01/2013).

2. Rà soát các quy định hiện hành ở thành phố liên quan đến công tác giám định tư pháp, đảm bảo đúng theo quy định của Luật Giám định tư pháp:

2.1. Sở Tư pháp rà soát, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xử lý đối với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến công tác giám định tư pháp do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.

2.2. Các ngành ở thành phố tự rà soát các quy định, hướng dẫn trong nội bộ ngành mình có liên quan đến giám định tư pháp, phối hợp với Sở Tư pháp để xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, xử lý.

3. Khảo sát, đánh giá thực trạng công tác giám định tư pháp:

Sở Tư pháp phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan khảo sát, đánh giá về thực trạng (sau khi thực hiện Đề án 258 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ), đề xuất các biện pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn thành phố (hoàn thành trong quý I/2013).

4. Triển khai thực hiện các quy định mới của Luật Giám định tư pháp kết hợp với tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động, kiện toàn tổ chức, nhân sự, đầu tư trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp; trong đó cần tập trung thực hiện ngay các công việc sau:

4.1. Công an thành phố, Sở Y tế phối hợp với Sở Tư pháp và các Sở, ngành đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố quyết định kiện toàn tổ chức, bổ sung đội ngũ Giám định viên tư pháp, chỉ đạo xây dựng quy chế, cơ chế hoạt động để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp; tăng cường đầu tư trụ sở, cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ hoạt động của Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an thành phố; Trung tâm Pháp y (để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và khi Pháp y Công an chỉ giám định pháp y tử thi) và Trung tâm Giám định pháp y tâm thần (để chuẩn bị cho việc thành lập Trung tâm Giám định pháp y tâm thần khu vực và đề xuất với Trung ương đặt trụ sở Trung tâm Giám định pháp y tâm thần khu vực tại Hải Phòng).

4.2. Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, Sở, ngành hữu quan nghiên cứu, đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố việc thành lập các Tổ chức Giám định tư pháp công lập ở các lĩnh vực tài chính, xây dựng, giao thông, văn hóa... nếu cần thiết theo yêu cầu của hoạt động tố tụng.

4.3. Sở Tư pháp nghiên cứu, đề xuất các biện pháp, giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, khuyến khích thành lập Tổ chức Giám định tư pháp chuyên trách ngoài công lập (Văn phòng Giám định tư pháp) trong các lĩnh vực: tài chính, giao thông, xây dựng, văn hóa (cổ vật, di vật, bản quyền tác giả)..., nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu giám định tư pháp.

4.4. Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện quy định về việc Giám định viên pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự, chỉ thực hiện giám định pháp y tử thi; phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Y tế xây dựng quy chế phối hợp và phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa Giám định viên pháp y thuộc Trung tâm Pháp y, Sở Y tế với Giám định viên pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an thành phố, đảm bảo đáp ứng kịp thời, nhanh chóng, chính xác yêu cầu giám định pháp y theo đúng quy định của pháp luật về giám định tư pháp và tố tụng.

4.5. Các Sở, ngành hữu quan phối hợp với Sở Tư pháp rà soát, lựa chọn, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố quyết định bổ sung Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc trong các lĩnh vực chuyên ngành thuộc thẩm quyền quản lý của Sở, ngành mình, bao gồm những lĩnh vực đã có Giám định viên tư pháp và những lĩnh vực mới theo yêu cầu hoạt động tố tụng cần có Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc như Bưu chính viễn thông; Tài nguyên và Môi trường, khoáng sản...; đảm bảo các Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc có đủ tiêu chuẩn về năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức theo các quy định mới của Luật Giám định tư pháp.

4.6. Các Cơ quan tiến hành tố tụng, các Tổ chức Giám định tư pháp, các Sở, ngành hữu quan, ở thành phố căn cứ hướng dẫn của các cơ quan ngành dọc cấp trên tổ chức thực hiện trình tự, thủ tục trưng cầu, yêu cầu và tiến hành giám định tư pháp, quyền và nghĩa vụ trong hoạt động giám định tư pháp theo các quy định mới của Luật Giám định tư pháp và các quy định pháp luật liên quan; triển khai thực hiện quy định: đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, Nguyên đơn dân sự, Bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền tự yêu cầu giám định tư pháp sau khi đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

[...]