Kế hoạch 276/KH-UBND năm 2024 thực hiện Quyết định 208/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Số hiệu 276/KH-UBND
Ngày ban hành 29/05/2024
Ngày có hiệu lực 29/05/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Hoàng Quốc Khánh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 276/KH-UBND

Lào Cai, ngày 29 tháng 5 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA HỆ SINH THÁI RỪNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

Thực hiện Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 29/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (sau đây gọi là Đề án). UBND tỉnh Lào Cai xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nhằm cụ thể hóa các nội dung để triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 29/02/2024 gắn với thực hiện phát triển sản phẩm chủ lực và kinh tế đồi rừng theo tinh thần Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp, phát triển kinh tế đồi rừng; Từng bước đưa kinh tế lâm nghiệp trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân miền núi, người làm nghề rừng và người dân sống gần rừng.

2. Yêu cầu:

Lồng ghép việc triển khai thực hiện Đề án với các Chương trình, Nghị quyết, Chính sách Đề án khác của Trung ương, của Tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp đang thực hiện trên địa bàn tỉnh để đạt được hiệu quả cao nhất

Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai các nhiệm vụ cụ thể, chi tiết; đồng thời tổ chức thực hiện hiệu quả nhằm thực hiện thành công Đề án và Kế hoạch thực hiện Đề án.

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan chủ động, tích cực triển khai kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

II. MỤC TIÊU

Thực hiện Đề án nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng; Qua đó, từng bước thay đổi tư duy nhận thức về phát triển ngành lâm nghiệp từ trồng rừng khai thác lâm sản sang phát triển rừng thu lợi từ giá trị đa dụng của rừng (như: dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ sinh thái, bán tín chỉ cacbon rừng...) gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, cụ thể:

- Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng; nâng cao năng suất chất lượng rừng đặc biệt là rừng tự nhiên; duy trì ổn định và phát triển diện tích rừng đặc dụng đến năm 2030 tăng 47% so với năm 2021.

- Phát triển bền vững vùng nguyên liệu gỗ, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu; phấn đấu có ít nhất 20% diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng bền vững, chứng chỉ hữu cơ vào năm 2025, đạt 35% vào năm 2030 và 70% vào năm 2050; Phấn đấu tăng giá trị thu nhập từ diện tích rừng trồng sản xuất hàng hóa tập trung từ 34 triệu đồng/ha/năm năm 2020 lên 40 triệu đồng/ha/năm vào năm 2025 và đạt trên 45 triệu đồng/ha/năm vào năm 2030.

- Đẩy mạnh phát triển sản xuất lâm nghiệp bền vững theo hướng nông lâm kết hợp; đến năm 2030 giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác được gia tăng từ 20% trở lên ngoài giá trị gỗ rừng trồng.

- Tập trung phát triển tổng hòa các loại hình dịch vụ môi trường rừng: thuê môi trường rừng, triển khai hiệu quả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng du lịch sinh thái đồi rừng gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, giải trí bền vững; phấn đấu đến năm 2030, giá trị từ dịch vụ môi trường rừng chiếm từ 20-30% giá trị sản xuất lâm nghiệp hàng năm.

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và nâng cao giá trị cho ngành chế biến gỗ

- Tiếp tục duy trì, phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng đạt trên 115.000 ha, hình thành vùng nguyên liệu gỗ tập trung đạt trên 90.000 ha tập trung chủ yếu tại các huyện Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn đến năm 2025. Từ năm 2030, phát triển ổn định vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng đạt trên 120.000 ha, hình thành vùng nguyên liệu tập trung trên 100.000 ha.

- Ứng dụng công nghệ chế biến tinh, chế biến sâu; tận dụng phế phụ phẩm trong chế biến gỗ; từng bước hình thành kinh tế tuần hoàn trong ngành sản xuất lâm nghiệp; giảm dần tỷ trọng các sản phẩm chế biến thô; khuyến khích sản xuất và sử dụng các sản phẩm từ gỗ từ rừng trồng tại địa phương. Thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ gỗ, giảm các cơ sở chế biến không hiệu quả, tập trung cơ sở chế biến theo vùng nguyên liệu, định hướng trên 80% khối lượng gỗ nguyên liệu khai thác trong tỉnh được qua chế biến. Các sản phẩm qua chế biến đa dạng về loại hình, phù hợp theo thị yếu của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.

- Tập trung phát triển rừng trồng gỗ lớn gắn với xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu và hệ thống cơ sở chế biến hàng hóa tập trung đối với một số sản phẩm lâm sản chủ lực, tiềm năng của tỉnh; Đồng thời xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế và đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa.

- Từng bước tăng tỷ trọng nguồn cung nguyên liệu gỗ hợp pháp từ rừng trồng của địa phương cho ngành chế biến gỗ và lâm sản; gỗ rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững hoặc cấp mã số vùng trồng, phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Đến năm 2030 toàn bộ gỗ rừng trồng của tỉnh được quản lý, giám sát theo quy trình gỗ hợp pháp.

2. Phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu

- Điều tra, đánh giá, phân vùng bảo tồn, phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là các loài quý hiếm có giá trị kinh tế cao; từ đó đề xuất kế hoạch bảo tồn, khai thác và sử dụng bền vững theo tiềm năng, thế mạnh của từng sản phẩm, từng vùng sinh thái và phát huy tri thức bản địa của cộng đồng, người dân địa phương.

- Tập trung triển khai Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình gây trồng thử nghiệm Sâm Việt Nam làm cơ sở xác định vùng trồng phù hợp trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

- Hình thành vùng sản xuất nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ, dược liệu tập trung, ưu tiên một số loài cây hiện có diện tích lớn, giá trị kinh tế cao trên đất lâm nghiệp hoặc dưới tán rừng gắn với việc xây dựng hệ thống cơ sở chế biến tiên tiến, hiện đại; triển khai thực hiện việc cấp mã số vùng trồng cho các vùng nguyên liệu đối với diện tích đủ điều kiện để đảm bảo truy xuất nguồn gốc theo quy định. Trong đó:

+ Về lâm sản ngoài gỗ: Tập trung phát triển vùng nguyên liệu quế ổn định ở mức trên 66.000 ha vào năm 2030. Nguyên liệu khai thác đáp ứng khoảng 80% công suất hoạt động của các cơ sở chế biến. Ngoài ra, chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu tiềm năng cao như: cây có gióng với diện tích trên 33.000 ha; trên 7.000 ha rừng trồng Bồ đề (thu hoạch nhựa) tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn; trên 4.000 ha rừng trồng Trẩu (thu hoạch quả) tập trung tại Văn Bàn, Bảo Thắng, Bảo Yên, Mường Khương.

[...]