Kế hoạch 271/KH-UBND năm 2021 về đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022

Số hiệu 271/KH-UBND
Ngày ban hành 02/12/2021
Ngày có hiệu lực 02/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Mạnh Quyền
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 271/KH-UBND

Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2022

Thực hiện Quyết định số 1993/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp phát triển xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 2500/QĐ-UBND ngày 10/4/2013; các văn bản của UBND Thành phố: Đề án: "Đẩy mạnh xuất khẩu của Thành phố Hà Nội thời kỳ hội nhập đến năm 2020, định hướng đến 2025” ban hành kèm theo Quyết định số 2913/QĐ-UBND ngày 22/5/2017, Chương trình công tác số 15/CTr-UBND ngày 20/01/2021 và Kế hoạch số 246/KH-UBND ngay 01/11/2021 về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong quý IV năm 2021 và các năm 2022, 2023; Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022 như sau:

I. DỰ BÁO TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC TÁC ĐỘNG ĐẾN HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU NĂM 2022:

1. Thuận lợi:

Nhiều chính sách hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Thành phố, các chương trình xúc tiến xuất khẩu, mở rộng thị trường được triển khai trong những năm gần đây đã và đang được triển khai phát huy tác dụng mạnh mẽ trong những năm tới. Hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại được quan tâm đầu tư, phát triển sẽ thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn Thành phố. Một số Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực hoặc được ký kết, mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam để mở rộng thị trường xuất khẩu.

2. Khó khăn:

Dịch covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới với các biến thể đang tái bùng phát và lây lan nhanh ở nhiều quốc gia, mức tăng trưởng của các nền kinh tế chủ chốt đều được điều chỉnh giảm xuống so với các dự báo trước đó cho dù tiến trình tiêm vaccine ngừa covid-19 vẫn đang được đẩy mạnh. Nguồn lây nhiễm covid-19 vẫn ẩn khuất trong cộng đồng, nguy cơ xâm nhập dịch từ các tỉnh, thành trong nước và ngoài nước vẫn cao. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ hạn chế hoạt động thương mại và tiêu dùng, hoạt động thông quan hàng hóa khó khăn, tiến độ thông quan chậm do tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh ở cả hai đầu xuất và nhập hàng hóa đã làm tăng thêm thời gian và chi phí. Tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế; năng suất lao động còn thấp; tính tự chủ của nền kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới; áp lực ngày càng tăng từ việc thực hiện các cam kết quốc tế.

II. MỤC ĐÍCH VÀ CHỈ TIÊU TĂNG TRƯỞNG KIM NGẠCH XUẤT KHẨU:

1. Mục đích:

- Thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện dịch covid-19 còn diễn biến phức tạp; Góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thành phố; Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Nâng cao chỉ số PCI và PAPI; Khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tái cơ cấu các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; phấn đấu đưa hoạt động xuất nhập khẩu trở lại trạng thái bình thường trong thời gian ngắn nhất.

- Đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ cao, vận dụng kết quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động.

- Các Sở, ban, ngành coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa; phân công rõ trách nhiệm cho các Sở, ban, ngành để chủ động triển khai và kiểm tra đánh giá việc tổ chức thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn Thành phố.

2. Chỉ tiêu tăng trưởng: Mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 trên địa bàn thành phố tăng 5% so với thực hiện năm 2021.

III. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

1. Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà sản xuất có khả năng thích ứng tốt nhất trong hoàn cảnh mới.

2. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.

3. Xây dựng cơ chế chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu

4. Thực hiện tốt chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan trung ương trên địa bàn.

5. Tiếp tục thực hiện kết nối cung - cầu lao động để tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.

6. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ hoạt động kinh doanh xuất khu.

7. Nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phù hợp với hoàn cảnh mới, trong đó tăng cường phối hợp với các Bộ, ban, ngành Trung ương, các Đại sứ quán, thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài và nước ngoài tại Việt Nam, các tỉnh, thành phố cả nước, hạn chế các hoạt động đơn lẻ nhằm tránh sự chồng chéo, trùng lặp và lãng phí nguồn lực.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà sản xuất có khả năng thích ứng trong hoàn cảnh mới:

a) Giao Sở Công Thương, Cục Hải quan Hà Nội, Cục Thuế thành phố Hà Nội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội: Tổ chức các chương trình tập huấn cho các doanh nghiệp về: Thông tin thị trường nước ngoài, các hiệp định thương mại tự do, chính sách pháp luật mới liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh xuất nhập khẩu...

b) Giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội:

- Tập trung triển khai các hoạt động phổ biến kiến thức: hội nghị, đào tạo, tập huấn về thị trường, các Hiệp định thương mại tự do..., quảng bá phát triển thương hiệu, truy suất nguồn gốc xuất xứ, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm; Tăng cường hoạt động xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, chuyển giao công nghệ tiên tiến; Xây dựng, xuất bản, tái bản các ấn phẩm cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về thị trường, ngành hàng, hiệp định FTA.

- Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp: Phối hợp cung cấp thông tin cho nhà đầu tư và giải quyết các thủ tục trước và sau cấp phép cho các dự án đầu tư, đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các dự án ln, dự án sử dụng đất đã được cấp phép nhưng chưa triển khai để đẩy mạnh tiến độ đầu tư của các dự án.

[...]