Kế hoạch 27/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Số hiệu 27/KH-UBND
Ngày ban hành 19/01/2024
Ngày có hiệu lực 19/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Trần Đức Quý
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Quyền dân sự

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/KH-UBND

Hà Giang, ngày 19 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CHĂM SÓC SỨC KHỎE TÂM THẦN TRẺ EM, CHĂM SÓC TRẺ EM MỒ CÔI GIAI ĐOẠN 2023 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG

Thực hiện Quyết định số 1591/QĐ-TTg ngày 08/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ mồ côi giai đoạn 2023 - 2030.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Giang, với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quyết định số 1591/QĐ-TTg ngày 08/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ mồ côi giai đoạn 2023 - 2030.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ mồ côi; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trẻ em mồ côi, thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Đảm bảo thực hiện tốt Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030.

- Đưa ra các giải pháp thực hiện sát với tình hình thực tế và điều kiện nguồn lực của địa phương. Bố trí ngân sách và có cơ chế, chính sách tăng cường công tác huy động nguồn lực để triển khai, thực hiện các hoạt động của Kế hoạch.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Bảo đảm trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh được chăm sóc sức khỏe tâm thần, trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trẻ em mồ côi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ phù hợp nhằm thực hiện các quyền của trẻ em, chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Phấn đấu 80% trẻ em có vấn đề sức khỏe tâm thần, trẻ em có nguy cơ cao rối loạn sức khỏe tâm thần được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tâm lý, các dịch vụ xã hội phù hợp tại trường học, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và tại cộng đồng.

b) Phấn đấu 100% trẻ em mồ côi được chăm sóc thay thế bởi người thân thích, cá nhân, gia đình không phải là người thân thích, được nhận làm con nuôi hoặc được chăm sóc nuôi dưỡng tạm thời, tại các cơ sở trợ giúp xã hội, được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ phù hợp.

III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI

1. Đối tượng

Trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần; trẻ em mồ côi; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Thời gian thực hiện: Từ năm 2024 đến năm 2030.

3. Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn toàn tỉnh.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng về chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, bảo vệ và chăm sóc trẻ em mồ côi, chú trọng cung cấp các thông tin về quyền trẻ em, kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ, người chăm sóc, người nhận chăm sóc thay thế trẻ em về chăm sóc sức khỏe tâm thần, chăm sóc, nuôi dưỡng và chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi.

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác trẻ em, pháp luật, chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em mồ côi bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng vùng, nhóm đối tượng và địa bàn dân cư.

b) Tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng, môi trường mạng và truyền thông trực tiếp đến gia đình và cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho trẻ em, trẻ em mồ côi.

2. Tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực, phát triển đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành đặc biệt là cán bộ làm công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, giáo viên làm công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, đội ngũ nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội tại cơ sở giáo dục, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và tại cộng đồng về hỗ trợ, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, chăm sóc nuôi dưỡng và chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi.

3. Phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em toàn diện và liên tục.

[...]