Kế hoạch 27/KH-UBND năm 2021 về thí điểm xây dựng mô hình “Công dân học tập” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Số hiệu | 27/KH-UBND |
Ngày ban hành | 22/02/2021 |
Ngày có hiệu lực | 22/02/2021 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Người ký | Trần Văn Tuấn |
Lĩnh vực | Giáo dục |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/KH-UBND |
Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 22 tháng 02 năm 2021 |
KẾ HOẠCH
THÍ ĐIỂM XÂY DỰNG MÔ HÌNH “CÔNG DÂN HỌC TẬP” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Kết luận số 49-KL/TW, ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập;
Căn cứ Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 08/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập;
Căn cứ Công văn số 210/CV-KHVN ngày 01/10/2020 của Hội Khuyến học Việt Nam về thí điểm xây dựng mô hình“Công dân học tập”; Công văn số 225/CV- KHVN ngày 13/10/2020 của Hội Khuyến học Việt Nam về triển khai thí điểm Bộ tiêu chí đánh giá công nhận mô hình “Công dân học tập”;
Để triển khai nội dung thí điểm xây dựng “Mô hình Công dân học tập” của Hội Khuyến học Việt Nam thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Ban hành Kế hoạch thí điểm xây dựng mô hình “Công dân học tập” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Triển khai nội dung thí điểm xây dựng mô hình “Công dân học tập” của Hội Khuyến học Việt Nam thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 08/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
- Đánh giá kết quả việc thí điểm xây dựng mô hình “Công dân học tập”, báo cáo kết quả về Hội Khuyến học Việt Nam làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện Đề án “Công dân học tập” trình Chính phủ phê duyệt.
2. Yêu cầu
- Việc chọn mẫu tham gia thí điểm phải có đủ đại diện của thành thị và nông thôn, người kinh và người dân tộc thiểu số (nếu có), nam và nữ, ở các độ tuổi khác nhau.
- Tổ chức kiểm tra, đánh giá khách quan, phù hợp với từng đối tượng tham gia thí điểm. Tổng hợp kết quả kịp thời gian, tiến độ quy định, có hồ sơ minh chứng phù hợp.
II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI THÍ ĐIỂM
1. Giới thiệu bộ tiêu chí “Công dân học tập”
Bộ tiêu chí khung và chỉ số đánh giá mô hình “Công dân học tập” gồm 3 nhóm năng lực cốt lõi:
a) Năng lực tự học và học tập suốt đời;
b) Năng lực sử dụng các công cụ tương tác;
c) Năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội.
Ba nhóm năng lực cốt lõi được cụ thể bằng 10 chỉ số đánh giá, bao gồm một số kỹ năng cơ bản và phẩm chất mong muốn, trong triển khai thí điểm, các địa phương có thể chi tiết hóa các chỉ số để thuận tiện trong việc cho điểm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, đặc thù của từng địa phương, đồng thời, đưa ra các minh chứng tương ứng đối với các tiêu chí có thể định lượng được.
Bộ tiêu chí đánh giá mô hình “Công dân học tập” do Hội Khuyến học Việt Nam biên soạn là bộ tiêu chí khung; các địa phương có thể cụ thể hóa, thay đổi một số chi tiết, các chỉ số đo về kỹ năng cơ bản và phẩm chất mong muốn đối với các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân, công nhân, nông dân...; về cấu trúc, 3 năng lực cốt lõi, 10 kỹ năng cơ bản và phẩm chất mong muốn không thay đổi.
2. Hướng dẫn cách đánh giá, công nhận “Công dân học tập”
- Đánh giá mức độ đạt được theo tiêu chí “Công dân học tập” bằng hình thức cho điểm.
- Việc cho điểm thực hiện theo nguyên tắc xác định minh chứng: Cá nhân tự kê khai kết quả phấn đấu, thu thập minh chứng cho mỗi chỉ số đánh giá (kỹ năng, tập hợp hồ sơ (cùng bản sao các loại minh chứng - nếu có) theo từng đơn vị và nộp một bản cho Hội Khuyến học cơ sở; Hội khuyến học cấp huyện tập hợp hồ sơ thí điểm để báo cáo Hội Khuyến học tỉnh; Cuối cùng tỉnh Hội tổng hợp kết quả thí điểm, xem xét, kiểm tra, nộp hồ sơ, kết quả cho Trung ương Hội.
- Việc xem xét, công nhận một cá nhân đạt danh hiệu “Công dân học tập” do tập thể (Cơ quan, đơn vị, cộng đồng...) đánh giá và bình xét sau 08 tháng thí điểm. Lãnh đạo đơn vị xác nhận kết quả cuối cùng của đợt thí điểm. Cơ quan có thẩm quyền công nhận “Công dân học tập”: UBND cấp xã công nhận danh hiệu “Công dân học tập” cho cá nhân thuộc gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị cấp xã.
- Tùy thuộc mức độ đạt được đối với mỗi chỉ số đánh giá, điểm tối đa là 10 điểm; Không có kê khai, minh chứng (Đối với các chỉ số định lượng) thì không cho điểm; Đối với chỉ số đánh giá tuy có thực hiện, nhưng không đầy đủ thì cho từ 5 điểm trở lên tùy theo mức độ đạt được; Tổng điểm tối đa cho cả 10 chỉ số là 100 điểm. Những người đạt được từ 80 điểm trở lên (Trong đó không có chỉ số nào dưới 5 điểm) thì được công nhận là “Công dân học tập”.
III. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM
Việc thực hiện thí điểm xây dựng mô hình “Công dân học tập” triển khai từ đầu năm 2021 đến tháng 7/2021.