Kế hoạch 268/KH-UBND về đánh giá mức độ xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số từ cấp xã, cấp huyện và cấp sở tỉnh Quảng Ninh năm 2022

Số hiệu 268/KH-UBND
Ngày ban hành 16/11/2022
Ngày có hiệu lực 16/11/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Phạm Văn Thành
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 268/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 16 tháng 11 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ, CHÍNH QUYỀN SỐ CẤP XÃ, CẤP HUYỆN VÀ CẤP SỞ TỈNH QUẢNG NINH NĂM 2022

Căn cứ Quyết định số 2392/QĐ-BTTTT ngày 25/12/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông về Ban hành Bộ tiêu chí và phương pháp đánh giá mức độ Chính quyền điện tử cấp xã và cấp huyện (Quyết định số 2392/QĐ-BTTTT).

Căn cứ Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Căn cứ Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 1/3/2022 của UBND về thực hiện chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Căn cứ Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng (Nghị định số 42/2022/NĐ-CP).

Đánh giá, xếp hạng chính xác mức độ xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số từ cấp tỉnh đến cấp xã của tỉnh Quảng Ninh năm 2022 nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số góp phần quan trọng xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành; đồng thời từng bước cụ thể hóa mô hình Chính quyền điện tử, Chính quyền số tỉnh Quảng Ninh từ cấp tỉnh đến cấp xã, từ đó để có lộ trình tiếp theo đầu tư, xây dựng Hệ thống Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh ngày càng hoàn thiện, chuyên nghiệp, hướng tới xây dựng thành công Chính quyền số theo định hướng của Chính phủ. Xét đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 1076/TTr-STTTT ngày 04/10/2022 và Văn bản số 2439/STTTT-CNTT ngày 25/10/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện đánh giá mức độ xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số từ cấp tỉnh đến cấp xã năm 2022 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Việc đánh giá, xếp hạng mức độ Chính quyền điện tử nhằm hướng tới các mục đích sau:

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số trong cải cách hành chính, xây dựng một nền hành chính điện tử hiện đại, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành và cung cấp nhiu tiện ích cho người dân qua mạng internet, đặc biệt là cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

- Đánh giá mức độ xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số tại các đơn vị nhằm khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế, phát huy thế mạnh trong việc ứng dụng CNTT xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số để nâng cao chất lượng quản lý, điều hành và phục vụ nhân dân.

- Nâng cao vai trò của thủ trưởng đơn vị, lãnh đạo các phòng, ban trong việc ứng dụng CNTT, Chuyển đổi số khai thác có hiệu quả Hệ thống Chính quyền điện tử, Chính quyền số để tăng hiệu quả, chất lượng công việc của toàn đơn vị.

- Nâng cao vai trò của cán bộ, công chức trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác Hệ thống chính quyền điện tử để nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc đặc biệt là công tác tham mưu.

- Đánh giá và khen thưởng kịp thời những đơn vị tích cực, làm tốt công tác ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số.

- Từng bước cụ thể hóa mô hình Chính quyền điện tử, Chính quyền số tỉnh Quảng Ninh từ cấp tỉnh đến cấp xã để tiếp theo có lộ trình đầu tư, xây dựng Hệ thống Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh ngày càng hoàn thiện, chuyên nghiệp.

- Cung cấp kết quả chính xác phần “Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số” để đánh giá, chấm điểm chỉ số cải cách hành chính của các đơn vị, địa phương.

2. Yêu cầu

Việc đánh giá mức độ xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số từ cấp tỉnh đến cấp xã đảm bảo các yêu cầu sau:

- Phải đảm bảo tính chính xác, khách quan, trung thực và minh bạch. Phản ánh đúng thực trạng xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số tại các đơn vị, địa phương trong phạm vi toàn tỉnh.

- Các kết quả đánh giá trong từng chỉ tiêu phải có số liệu minh chứng tin cậy, đầy đủ và chính xác.

- Chỉ ra được những mặt còn tồn tại, hạn chế để tìm hướng khắc phục trong những năm tiếp theo.

II. PHẠM VI, QUY MÔ ĐÁNH GIÁ

1. Phạm vi đánh giá: Đánh giá mức độ Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh năm 2022 có phạm vi từ cấp tỉnh đến cấp xã.

2. Đối tượng triển khai đánh giá xếp hạng (225 đơn vị):

- Nhóm 1 gồm: 35 đơn vị (Văn phòng UBND tỉnh; Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; 17 sở; 12 ban, ngành, đơn vị; 04 Trường Đại học, Cao đẳng).

- Nhóm 2 gồm: 13 UBND huyện, thị xã, thành phố (gồm các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện).

- Nhóm 3 gồm: 177 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

[...]