Kế hoạch 268/KH-UBND năm 2015 thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh An Giang đến năm 2020

Số hiệu 268/KH-UBND
Ngày ban hành 22/06/2015
Ngày có hiệu lực 22/06/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Vương Bình Thạnh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 268/KH-UBND

An Giang, ngày 22 tháng 6 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TIẾP TỤC CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang xây dựng Kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh An Giang đến năm 2020 bao gồm các nội dung như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN

1. Những mặt tích cực

- Các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã tăng cường cải cách hành chính giúp doanh nghiệp giảm thiểu tối đa thời gian, tạo sự công khai, minh bạch trong tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính của cơ quan Nhà nước; rà soát toàn bộ các thủ tục hành chính và loại bỏ, đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết, đồng thời triển khai đến từng cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, đã có nhiều chuyển biến tích cực về lề lối, tác phong làm việc, thái độ phục vụ cũng như nhận thức của cán bộ công chức, viên chức.

- Tập trung vào việc cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế pháp lý; đa dạng hóa các lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; nâng cao khả năng tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; giảm thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước; thực hiện các biện pháp giảm thiểu chi phí gia nhập thị trường; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo lao động và đẩy mạnh tính minh bạch, công khai các thông tin. Trong đó, nâng cao hiệu quả trong việc công khai, minh bạch các Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất, Quy hoạch xây dựng, Quy hoạch ngành tại các địa phương; giá thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đẩy mạnh cải cách hành chính một cửa, một cửa liên thông; đa dạng hóa về tìm kiếm thông tin kinh doanh, đối tác, xúc tiến thương mại, tư vấn về pháp luật.

- Nhiều đơn vị đã tổ chức gặp mặt, trao đổi, động viên doanh nghiệp; lắng nghe kiến nghị và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiều chính sách, kế hoạch cụ thể về hỗ trợ vốn đầu tư; miễn, giảm, giãn thuế; hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng được ban hành.

2. Hạn chế

- Tuy nhiên, một số Sở ban ngành cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố chưa thực sự tích cực triển khai hoặc chưa bám sát các chỉ tiêu, cách thức cải thiện môi trường kinh doanh. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp chưa được triển khai theo yêu cầu, tác động vào thực tế sản xuất và đời sống vẫn còn chậm.

- Thủ tục hành chính vẫn còn phiền hà, thời gian giải quyết kéo dài; nhận thức về yêu cầu bức thiết và tầm quan trọng của việc cải thiện chỉ số PCI chưa được đầy đủ và sâu rộng ở một số phòng, Ban ngành, địa phương. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan hành chính Nhà nước trong giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa nhịp nhàng, chặt chẽ. Các đơn vị đã nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm thu hút đầu tư đề phát triển, tuy nhiên do xuất phát điểm không cao, chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ chưa thực sự năng động, cơ sở hạ tầng hạn chế,...đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chỉ số và xếp hạng PCI của tỉnh.

- Vẫn còn tồn tại, hạn chế của công tác rà soát, cải cách về thể chế cũng như việc triển khai thi hành các quy định pháp luật về đất đai của tỉnh. Cụ thể: nhiều quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến đất đai không được thực thi hoặc thực thi hình thức; nhiều văn bản, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành; chế tài xử lý vi phạm pháp luật về đất đai còn thiếu và chưa đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm; chính sách thuế chưa thực hiện tốt vai trò điều tiết thị trường bất động sản; việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả chưa cao.

II. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH ĐẾN NĂM 2020

1. Mục tiêu tổng quát

- Xây dựng môi trường kinh doanh của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh góp phần thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

- Tập trung khắc phục và cải thiện chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh thông qua việc duy trì những chỉ số thành phần có vị trí cao, tăng bậc và cải thiện các chỉ số thành phần có vị trí xếp hạng thấp, giảm điểm trong bảng xếp hạng PCI.

- Phấn đấu giai đoạn 2015 - 2016 trở đi đạt 60 - 65 điểm, nằm trong thứ hạng tốp 10 của cả nước và tốp 5 so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

2. Chỉ tiêu chủ yếu

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai việc thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhằm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính; bảo đảm công khai minh bạch trên các phương tiện thông tin; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước; tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng với mọi thành phần kinh tế, tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để ngày càng tăng về số lượng doanh nghiệp và quy mô kinh doanh; cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên môn ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển mạnh sang hậu kiểm.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các Chương trình, kế hoạch của Chính phủ thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội.

2. Nâng cao ý thức về vai trò và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong nhận thức và hành động về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của tỉnh. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong việc thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thu hút đầu tư; chịu trách nhiệm quán triệt cán bộ, công chức, viên chức tuyệt đối chấp hành và thực hiện các chủ trương giải pháp của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp.

3. Thực hiện công tác dân vận chính quyền là nhiệm vụ trọng tâm; thực hiện quy chế phối hợp với Ban Dân vận tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh về công tác giám sát, phản biện.

4. Đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và chính sách ưu đãi đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng, website của tỉnh, bộ phận một cửa của các sở, ngành, huyện, thành phố và tại trụ sở cơ quan, đơn vị; thực hiện công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh, nhất là các chính sách thu hút đầu tư, các thủ tục cải cách hành chính, các chính sách mới ban hành; thông tin về quy hoạch, kế hoạch, dự án nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt kịp thời các thông tin cần thiết liên quan đến lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tận dụng tốt các cơ hội đầu tư và tổ chức hoạt động được nhanh chóng, thuận lợi theo đúng chủ trương, chính sách đã ban hành.

Tăng cường công tác quản lý thị trường, giúp cho doanh nghiệp trong tỉnh có môi trường kinh doanh lành mạnh. Kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật. Đồng thời, phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp, tăng cường công tác hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường trong và ngoài nước.

5. Tăng cường công tác đối thoại doanh nghiệp định kỳ 02 lần/năm nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.

6. Tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ở các cấp, các ngành để sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định, quy trình giải quyết thủ tục hành chính chưa phù hợp và giảm tối đa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến quá trình thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, từng bước đáp ứng ngày càng cao sự hài lòng của doanh nghiệp đối với cơ quan công quyền và dịch vụ công.

7. Xây dựng các quy trình giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đầu tư, đất đai, các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, đánh giá tác động môi trường… để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

[...]