Kế hoạch 266/KH-UBND triển khai Chương trình hoạt động phục hồi chức năng trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2024

Số hiệu 266/KH-UBND
Ngày ban hành 23/05/2024
Ngày có hiệu lực 23/05/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Giàng Thị Dung
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 266/KH-UBND

Lào Cai, ngày 23 tháng 5 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI NĂM 2024

Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng (PHCN) giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 09/01/2024 của UBND tỉnh Lào Cai về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Lào Cai. UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch triển khai chương trình hoạt động PHCN trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2024 cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tăng cường củng cố, phát triển hệ thống quản lý mạng lưới PHCN; tăng cường đầu tư nguồn nhân lực, đào tạo chuyên môn sâu về chuyên khoa PHCN; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế PHCN, tiếp nhận và triển khai áp dụng các dịch vụ kỹ thuật cao PHCN; Tăng cường các hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (PHCNDVCĐ) từ tuyến tỉnh đến tuyến xã.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Tiếp tục phát huy vai trò hoàn thiện, phát triển hệ thống mạng lưới PHCN từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, tham mưu đề xuất các cơ chế chính sách cho hoạt động phát triển hệ thống PHCN, ban hành các chính sách cho NKT, thường xuyên nâng cao nhận thức cho người dân về các hoạt động khám, chữa bệnh bằng phương pháp PHCN gắn với điều trị bằng phương pháp y học hiện đại.

b) Tranh thủ sự giúp đỡ của các bệnh viện tuyến trên trong việc ký kết hợp tác về chuyên môn đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ làm công tác PHCN, phấn đấu đạt tỷ lệ nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực PHCN tối thiểu 0,5 người/10.000 dân.

c) Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các khoa PHCN của các bệnh viện, Trạm Y tế và xây dựng giai đoạn II của Bệnh viện Phục hồi chức năng kết hợp mở rộng quy mô khám chữa bệnh PHCN Lão khoa; tiếp tục bổ sung kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế cho các đơn vị y tế.

d) Tăng cường triển khai các hoạt động PHCNDVCĐ, đào tạo tập huấn, khám sàng lọc phát hiện sớm các dạng khuyết tật.

II. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Duy trì, củng cố, nâng cấp, phát triển hệ thống phục hồi chức năng

- Các đơn vị y tế trên địa bàn cần tiếp tục duy trì, củng cố phát huy thế mạnh về công tác khám chữa bệnh PHCN điều trị kết hợp với y học hiện đại, chủ động bố trí nguồn lực y bác sĩ làm công tác PHCN, đào tạo các trình độ chuyên môn sau đại học (thạc sĩ, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II).

- Các Bệnh viện, Trung tâm Y tế tuyến huyện tăng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác chăm sóc, điều trị PHCN cho người bệnh ngay từ sau giai đoạn cấp cứu và trong suốt quá trình điều trị.

- Hệ thống Trạm y tế xã, phường, thị trấn cần tăng cường đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động khám, tư vấn, chăm sóc điều trị về PHCN, kịp thời cung cấp các dịch vụ kỹ thuật PHCN theo phân tuyến chuyên môn.

- Triển khai thực hiện công tác chỉ đạo tuyến các dịch vụ kỹ thuật PHCN từ tuyến trên về tuyến dưới theo đề án (1816); tăng cường tiếp cận, ứng dụng, các chuyên môn kỹ thuật, tăng cường tiếp cận, ứng dụng các phương pháp mới, kỹ thuật mới chuyên sâu và phối hợp điều trị, kết hợp PHCN với y học cổ truyền (YHCT).

2. Công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học về lĩnh vực PHCN

- Tăng cường các hoạt động đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức, kỹ năng về PHCN cho cán bộ y tế làm công tác PHCN phù hợp với chức danh nghề nghiệp và vị trí việc làm.

- Triển khai tổ chức 04 lớp tập huấn cho cán bộ y tế tuyến cơ sở biết cách quản lý NKT bằng phần mềm quản lý NKT của Bộ Y tế (theo Quyết định số 3815/QĐ-BYT ngày 21/8/2017 về việc triển khai hệ thống thông tin quản lý sức khỏe PHCN cho NKT).

- Tổ chức 01 lớp tập huấn tại tỉnh cho giảng viên là cán bộ các bệnh viện, Trung tâm Y tế về nội dung hướng dẫn phát hiện sớm can thiệp sớm các dạng khuyết tật.

- Tổ chức 05 lớp tập huấn cho cán bộ y tế tuyến huyện về khám sàng lọc, phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe, kỹ năng chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật tại các huyện Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên.

- Tổ chức 9 lớp tập huấn tại tuyến huyện về đào tạo hướng dẫn phát hiện sớm, can thiệp sớm các dạng khuyết tật, chăm sóc, tập phục hồi chức năng cho NKT và người nhà NKT.

- Các bệnh viện trên địa bàn tỉnh cần tranh thủ sự giúp đỡ của các bệnh viện tuyến Trung ương đã ký kết hợp tác hỗ trợ chuyên môn cho ngành Y tế Lào Cai kết hợp đề xuất đào tạo về chuyên môn y nói chung và PHCN. Phấn đấu đạt tỷ lệ nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực PHCN tối thiểu 0,5 người/10.000 dân.

- Tham gia các hoạt động nghiên cứu các sáng kiến, đề tài khoa học về lĩnh vực PHCN đối với các kỹ thuật, nghiên cứu ứng dụng sự phát triển PHCN vào hoạt động khám chữa bệnh.

3. Đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế PHCN

- Tiếp tục đầu tư nguồn lực mở rộng quy mô khám chữa bệnh PHCN Lão khoa. Nhằm đáp ứng được tình trạng dân số già trong tương lai, bên cạnh đó cần nâng cấp quy mô giường bệnh từ 140 giường bệnh lên 300 giường bệnh trong giai đoạn tới.

- Các Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh và tuyến huyện đào tạo cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để thành lập khoa PHCN hoặc đơn vị PHCN có cán bộ chuyên khoa PHCN; triển khai các hoạt động chăm sóc, PHCN cho người bệnh ngay từ sau giai đoạn cấp cứu và trong suốt quá trình điều trị; ứng dụng các kỹ thuật chuyên sâu về PHCN, kết hợp PHCN với Y học cổ truyền.

[...]