Kế hoạch 266/KH-UBND năm 2019 về triển khai Chương trình trọng điểm phát triển du lịch - dịch vụ tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020

Số hiệu 266/KH-UBND
Ngày ban hành 26/12/2019
Ngày có hiệu lực 26/12/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Phan Ngọc Thọ
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 266/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 26 tháng 12 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM PHÁT TRIỂN DU LỊCH - DỊCH VỤ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ NĂM 2020

Căn cứ Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XV về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2016 - 2020; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 08/11/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, dịch vụ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030; Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 13/3/2018 của UBND tỉnh về triển khai Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy gắn với Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình trọng điểm phát triển du lịch - dịch vụ tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020 với những nội dung sau:

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu:

Tiếp tục phát triển ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn xứng tầm là trung tâm du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực gắn với phát huy giá trị đô thị di sản trên nền tảng văn hóa, theo hướng xanh và thông minh; từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Huế là Kinh đô ẩm thực, là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

2. Chỉ tiêu:

Phấn đấu đạt 5-5,2 triệu lượt khách, tăng khoảng 7,5% so với năm 2019 (trong đó, khách quốc tế chiếm từ 40% - 45%); khách lưu trú ước đạt khoảng 2,4 triệu lượt, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ. Doanh thu từ các cơ sở lưu trú dự kiến đạt khoảng 5.300 - 5.400 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu từ du lịch ước đạt khoảng 12.000 tỷ đồng.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Phát triển đồng bộ cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch

- Quyết liệt đôn đốc triển khai để sớm đưa vào hoạt động một số dự án đầu tư chiến lược, mang tính đột phá, tạo ra các sản phẩm thực sự hấp dẫn như các dự án nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, sân golf của các nhà đầu tư: Ecopark, BRG, FLC, Sun Group, Laguna giai đoạn 2, Minh Viễn, Địa Trung Hải, Gami...

- Tiếp tục kêu gọi các nhà đầu lớn và có thương hiệu nghiên cứu đầu tư các dự án du lịch có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh theo danh mục các dự án kêu gọi đầu tư du lịch trên địa bàn giai đoạn 2017 - 2020.

- Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt nâng cấp, mở rộng và đấu nối các con đường tiếp cận các điểm du lịch như đoạn Phú Mỹ - Thuận An (đường Tự Đức - Thuận An), khởi động dự án xây dựng đường Tố Hữu - sân bay; đường cầu Long Thọ đến Lương Quán (Thủy Biều), các tuyến đường ven biển, đường tiếp cận các điểm sinh thái. Sớm khởi công và hoàn thành trong năm 2020 và các năm tiếp theo một số tuyến đường kết nối các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đối với Dự án hạ tầng du lịch sông Mê Công mở rộng giai đoạn II; nâng cấp các bến thuyền sông Hương và đầm phá; tiếp tục triển khai dự án nâng cấp Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài; triển khai các hạng mục hạ tầng du lịch về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng phương án, giải pháp kết nối giao thông liên tỉnh, nội tỉnh phục vụ khách du lịch, nhất là phương án khai thác khách du lịch từ sân bay Đà Nẵng đến Huế tham quan và sử dụng dịch vụ du lịch.

- Đầu tư hạ tầng hệ thống du lịch thông minh (Wifi, camera,...) làm nền tảng để triển khai các ứng dụng du lịch thông minh phục vụ phát triển du lịch. Kêu gọi đầu tư xã hội hóa các ứng dụng (app) triển khai các dịch vụ du lịch thông minh.

- Tăng cường tần suất và điều chỉnh giờ phù hợp đối với các đường bay nội địa đến Huế, nghiên cứu mở các đường bay khai thác một số tuyến mới ở nội địa và quốc tế để khai thác các thị trường khách du lịch mới trong và ngoài nước; tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tại sân bay như kios làm thủ tục tự động, chế độ về phí vé cho du khách,...

- Ưu tiên quy hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng các điểm bán hàng lưu niệm, đặc sản Huế; hệ thống bảo tàng, nhất bảo tàng tư nhân để hình thành các thiết chế, sản phẩm, điểm đến phục vụ khách du lịch; hậu cần dịch vụ cảng biển tại Chân Mây phục vụ khách du lịch và thủy thủ tàu biển.

2. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

Tập trung phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, cụ thể:

- Triển khai các nhiệm vụ, hoạt động của Đề án “Huế-Kinh đô ẩm thực” nhằm hình thành các thiết chế, các điểm đến về ẩm thực phục vụ phát triển du lịch, trong đó tập trung một số nhiệm vụ quan trọng: sưu tập, kiểm kê, số hóa và hướng đến xây dựng từ điển Bách khoa thư ẩm thực Huế; xây dựng nhãn hiệu “Huế - Kinh đô ẩm thực”; quy hoạch không gian phát triển ẩm thực Huế; quy hoạch vùng nguyên liệu, nguồn nhân lực; chiến lược truyền thông và xúc tiến quảng bá; hình thành các bảo tàng, trung tâm ẩm thực... Phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa di sản, tập trung khu vực Đại nội nhằm phục hồi và tái hiện không gian văn hoá Cung đình và vùng phụ cận theo xu hướng xã hội hóa các nguồn lực. Đẩy mạnh xã hội hóa trong việc phát triển các dịch vụ tại di tích để nâng tầm quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại các điểm đến.

- Đầu tư, nâng cấp các tuyến phố đi bộ, phố đêm, phố ẩm thực gắn với các hoạt động vui chơi, giải trí và mua sắm ở trung tâm đô thị Huế và khu vực xung quanh Đại nội. Khai thác có hiệu quả tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu kết nối với không gian văn hóa nghệ thuật đường Lê Lợi, cầu đi bộ trên sông Hương, cầu Tràng Tiền, cồn Dã Viên.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ ca Huế (bến thuyền, thuyền, nhạc công, diễn viên, an ninh trật tự, tour tuyến,...) tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc của Huế về du lịch về đêm trên sông Hương.

- Tiếp tục thu hút các nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch, các sản phẩm du lịch cao cấp và hiện đại ở vùng Chân Mây - Lăng Cô - Bạch Mã để làm đối trọng và giảm sức chứa khách du lịch cho thành phố di sản Huế.

- Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Festival 4 mùa (áo dài, ẩm thực, nghệ thuật,...), tiến đến việc hình thành những sản phẩm du lịch định kỳ thường niên của Huế.

- Triển khai các nhiệm vụ của Đề án “Stop and Go” trên địa bàn thành phố Huế để vừa phục vụ nhu cầu trải nghiệm các dịch vụ tại chỗ, đáp ứng nhu cầu vệ sinh công cộng vừa thực hiện công tác cung cấp thông tin và giải quyết những vướng mắc cho khách du lịch khi đến Huế.

- Tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng để khai thác tiềm năng, thế mạnh cảnh quan, văn hóa, làng nghề, nông ngư nghiệp trên địa bàn các địa phương.

3. Đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch

- Tập trung đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu du lịch Huế thông qua triển khai các ứng dụng du lịch thông minh để tăng sự thu hút, quảng bá, mang lại sự tiện ích, an toàn và đa dạng phương thức tiếp cận văn hóa, cảnh quan của địa phương đối với du khách.

[...]