Thứ 7, Ngày 02/11/2024

Kế hoạch 256/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 689/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” do tỉnh Sơn La ban hành

Số hiệu 256/KH-UBND
Ngày ban hành 27/10/2022
Ngày có hiệu lực 27/10/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Đặng Ngọc Hậu
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 256/KH-UBND

Sơn La, ngày 27 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 689/QĐ-TTG NGÀY 08/6/2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “CƠ CẤU LẠI HỆ THỐNG CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG GẮN VỚI XỬ LÝ NỢ XẤU GIAI ĐOẠN 2021-2025”

Thực hiện Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”; Xét đề nghị của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Sơn La tại 1093/TTr-SLA3 ngày 04/10/2022, UBND tỉnh Sơn La ban hành kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

- Tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với trọng tâm xử lý cơ bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững ổn định, an toàn hệ thống; phát triển màng lưới TCTD phù hợp, có quy mô và uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản.

- Tiếp tục lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị, điều hành của các TCTD theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.

- Phấn đấu xử lý và kiểm soát nợ xấu để đến năm 2025 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ của các TCTD, chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn ở mức dưới 3%.

- Phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) theo đúng mục tiêu, tôn chỉ của loại hình tổ chức tín dụng là hợp tác xã theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế; hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định và bền vững, đáp ứng yêu cầu về vốn, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của các thành viên QTDND, hướng tới mục tiêu chủ yếu là tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên phục vụ sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và địa bàn có nhiều khó khăn.

2. Yêu cầu

- Việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu là khách quan, cần thiết và là một quá trình thường xuyên, liên tục, tiếp nối và kế thừa của quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu trong giai đoạn trước.

- Việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu cần được thực hiện thận trọng, từng bước, bảo đảm tuân thủ theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, tận dụng tối đa các nguồn lực xử lý của TCTD.

- Thực hiện cơ cấu lại TCTD toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị của TCTD theo các hình thức, biện pháp và lộ trình thích hợp, phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng TCTD và phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.

- Xử lý nợ xấu phải gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh, nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD; phát huy vai trò của VAMC trong việc xử lý nợ xấu.

- Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng, ưu tiên bảo vệ quyền chủ nợ, áp dụng biện pháp xử lý hành chính, khắc phục hậu quả dân sự, hành chính trước khi áp dụng các biện pháp xử lý hình sự.

- Phát triển vững chắc hệ thống QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả nhằm góp phần xóa đói, giảm nghèo và gia tăng khả năng tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng của dân cư ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn có nhiều khó khăn.

II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ chung

1.1. Các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, quán triệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ đến toàn thể cán bộ, công chức thực hiện các công việc liên quan tại đơn vị.

1.2. Từng sở, ngành, địa phương chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 689/QĐ-TTg; thực hiện rà soát các văn bản do đơn vị mình ban hành hoặc đã tham mưu tỉnh ban hành trước đây để hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung nội dung cho phù hợp các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để xử lý hoặc tham mưu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

1.3. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các TCTD, chi nhánh TCTD trong việc tiếp cận, nắm bắt các thông tin liên quan đến doanh nghiệp, hợp tác xã, các chương trình, đề án, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương...để TCTD xem xét quyết định cho vay, đảm bảo việc mở rộng tín dụng có hiệu quả, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh.

2. Nhiệm vụ cụ thể

2.1. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh

- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan trong việc: Tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu theo Quyết định số 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; làm đầu mối theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ được nêu tại Kế hoạch này, tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ, kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc thực hiện Đề án và đề xuất giải pháp xử lý để báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị và chi nhánh TCTD bám sát văn bản chỉ đạo của ngành và Quyết định số 689/QĐ-TTg xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 cho phù hợp với đặc điểm từng đơn vị, trên cơ sở đó xem xét phê duyệt cho từng TCTD trên địa bàn theo thẩm quyền. Chủ động phối hợp UBND huyện, thành phố và Liên minh hợp tác xã tiếp tục chấn chỉnh, củng cố các QTDND yếu kém nhằm đảm bảo QTDND hoạt động theo đúng mục tiêu, tôn chỉ của loại hình TCTD là hợp tác xã, nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả, ổn định và bền vững của QTDND, phù hợp với nhu cầu, quy mô, địa bàn, mức tăng trưởng kinh tế tại địa phương.

- Tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan trong việc xử lý nợ xấu của các TCTD, tạo kiện thuận lợi cho các TCTD trên địa bàn trong việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, đặc biệt là hỗ trợ trong thực hiện các thủ tục hành chính tại địa phương để xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, các thủ tục liên quan đến pháp lý các dự án bất động sản là tài sản bảo đảm của ngân hàng để từng bước tháo gỡ khó khăn, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ; tạo điều kiện để TCTD có thể xử lý nhanh tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu liên quan đến các vụ án đang được xử lý tại địa phương theo quy định của pháp luật.

- Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu, thực hiện các giải pháp về cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng và ngân hàng, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, kích thích đầu tư và tiêu dùng trong nước. Chỉ đạo các TCTD tập trung các giải pháp: Đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi các khoản nợ để có biện pháp xử lý phù hợp; tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; tiếp tục cơ cấu lại nợ, hỗ trợ vốn để khách hàng khắc phục khó khăn và phục hồi; bổ sung hoàn thiện hồ sơ pháp lý tài sản bảo đảm; thu nợ và xử lý tài sản bảo đảm; kiểm soát chặt chẽ và tiết giảm chi phí hoạt động; hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh trong tương lai.

- Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát đối với các TCTD trong việc chấp hành các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là việc chấp hành quy định về tín dụng, lãi suất, an toàn hoạt động và phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro trong việc cơ cấu lại nợ nhằm hạn chế phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng. Thực hiện thanh tra toàn diện đối với các TCTD cố tình che dấu nợ xấu, không thực hiện nghiêm túc các giải pháp xử lý đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và chi nhánh trong quá trình xử lý nợ xấu. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng. Đồng thời, tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng theo hướng kết hợp với thanh tra trên cơ sở rủi ro, nâng cao khả năng cảnh báo sớm của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống.

[...]