Thứ 7, Ngày 02/11/2024

Kế hoạch 331/KH-UBND năm 2023 thực hiện Quyết định 689/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Số hiệu 331/KH-UBND
Ngày ban hành 11/10/2023
Ngày có hiệu lực 11/10/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Ngô Tân Phượng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 331/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 11 tháng 10 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 689/QĐ-TTG NGÀY 08/6/2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “CƠ CẤU LẠI HỆ THỐNG CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG GẮN VỚI XỬ LÝ NỢ XẤU GIAI ĐOẠN 2021-2025” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH

Thực hiện Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Ninh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

- Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu là một quá trình thường xuyên, liên tục nhằm xử lý căn bản nợ xấu và các TCTD yếu kém để đảm bảo giữ vững sự ổn định, an toàn hoạt động của hệ thống TCTD trên địa bàn; tạo sự chuyển biến rõ rệt, thực chất trong việc lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị và tính minh bạch của các TCTD theo quy định của pháp luật.

- Phát triển hệ thống các TCTD trên địa bàn hoạt động an toàn, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

- Phát triển mạng lưới của TCTD và các mô hình ngân hàng số, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

- Tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu của các TCTD bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc tuân thủ các quy định pháp luật, thận trọng, giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; nâng cao chất lượng tín dụng; ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; phấn đấu duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3% tổng dư nợ cho vay.

- Tiếp tục chấn chỉnh, củng cố từng bước giảm dần số lượng Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) yếu kém nhằm đảm bảo hệ thống QTDND trên địa bàn hoạt động theo đúng mục tiêu, tôn chỉ của loại hình TCTD hợp tác xã theo quy định của pháp luật; hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định, bền vững và hướng tới mục tiêu tương trợ, giúp đỡ giữa các thành viên trong sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống. Phấn đấu đến cuối năm 2025, xử lý cơ bản các QTDND yếu kém và không để phát sinh những QTDND yếu kém mới.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 689/QĐ-TTg (Gọi tắt là Đề án).

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các QTDND trong quá trình triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của QTDND; Đồng thời, chỉ đạo các chi nhánh TCTD trên địa bàn triển khai thực hiện kế hoạch xử lý nợ xấu theo hướng dẫn của Hội sở chính và theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam phù hợp với mục tiêu, định hướng và giải pháp nêu tại Đề án.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền về kết quả hoạt động ngân hàng trên địa bàn và công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu.

- Phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng với các cơ quan chức năng theo quy định để có các biện pháp ngăn ngừa, hạn chế và xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn.

- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối trên địa bàn; chỉ đạo các TCTD tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, đặc biệt là tín dụng cho những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản... Thường xuyên theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện phương án cơ cấu lại của các TCTD.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, UBND các cấp tham mưu UBND tỉnh trong việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch này; tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

2. Các tổ chức tín dụng

2.1. Đối với các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn

- Chủ động, tích cực thực hiện những chỉ tiêu, giải pháp được Hội sở TCTD giao theo Phương án cơ cấu lại và xử lý nợ xấu.

- Thực hiện tăng trưởng tín dụng hiệu quả theo chỉ tiêu phân bổ của Hội sở TCTD; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương, định hướng của tỉnh; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đặc biệt là tín dụng cho những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh; thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Thống đốc NHNN liên quan đến lãi suất huy động, lãi suất cho vay.

- Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

- Chú trọng đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng; tích cực thực hiện các giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; tiếp cận và triển khai kịp thời các mô hình ngân hàng số, các sản phẩm ngân hàng hiện đại trên cơ sở ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến, gia tăng tiện ích và an toàn trong giao dịch.

- Khuyến khích triển khai tín dụng xanh, ngân hàng xanh, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít cac-bon; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trên cơ sở tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ 4.0 để xanh hóa hoạt động ngân hàng.

- Đối với tổ chức tài chính vi mô: Từng bước phát triển an toàn, bền vững theo định hướng thị trường; đảm bảo sự tiếp cận dịch vụ tài chính đa dạng, chất lượng cho các hộ gia đình, người có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ; thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh việc liên kết hoạt động của các loại hình TCTD với hoạt động của tổ chức tài chính vi mô theo quy định pháp luật.

- Kịp thời phản ánh khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Ninh để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

2.2. Đối với các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn

- Triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại QTDND gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, đảm bảo QTDND hoạt động theo đúng mục tiêu, tôn chỉ của loại hình TCTD hợp tác xã; nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả và bền vững của QTDND, phù hợp với nhu cầu, quy mô địa bàn và tăng trưởng kinh tế tại địa phương. Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm sau: (i) nâng cao trình độ, năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát; (ii) tăng trưởng tín dụng phù hợp với năng lực quản lý; (iii) nâng cao và kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng; (iv) tập trung huy động và cho vay trong thành viên; (v) nâng cao năng lực tài chính, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và từng bước hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin của các QTDND.

[...]