Kế hoạch 250/KH-UBND năm 2023 cải cách hành chính nhà nước tỉnh Quảng Trị năm 2024

Số hiệu 250/KH-UBND
Ngày ban hành 22/12/2023
Ngày có hiệu lực 22/12/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Trị
Người ký Lê Đức Tiến
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 250/KH-UBND

Quảng Trị, ngày 22 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TỈNH QUẢNG TRỊ NĂM 2024

Thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước (sau đây viết tắt là CCHC) giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh Quảng Trị xây dựng Kế hoạch CCHC tỉnh Quảng Trị năm 2024, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa mục tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ; Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 04/11/2021 của Tỉnh ủy Quảng Trị về đẩy mạnh CCHC tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 35-CT/TU ngày 11/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Kế hoạch số 3647/QĐ-UBND ngày 17/11/2021 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch CCHC nhà nước tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm tiếp tục xây dựng nền hành chính tỉnh Quảng Trị ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động thông suốt, hiệu quả.

- Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị địa phương; phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

- Tiếp tục nâng cao thứ hạng Chỉ số CCHC cấp tỉnh (PAR INDEX), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục xác định: Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mức độ hài lòng của người dân, tổ chức là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên để tổ chức, triển khai thực hiện và gắn với các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương và nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

- Đổi mới tư duy, đổi mới lề lối làm việc, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai các nhiệm vụ CCHC năm 2024; kịp thời đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Bố trí đủ nguồn lực và có giải pháp triển khai cụ thể để đảm bảo tính khả thi của Kế hoạch này.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Công tác chỉ đạo điều hành

- Tiếp tục triển khai Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 theo quy định của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền CCHC thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các cuộc thi tìm hiểu về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban chỉ đạo CCHC Trung ương, của các bộ, ngành trung ương và của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và của năm 2024.

- Duy trì chế độ họp Ban chỉ đạo CCHC mỗi năm 02 lần để triển khai, thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo theo kế hoạch.

- Rà soát Bộ chỉ số đánh giá CCHC, hoàn thành nhiệm vụ để bổ sung, sửa đổi phù hợp với tình hình thực tế.

- Tiếp tục thực hiện các giải pháp kịp thời, phù hợp để cải thiện và nâng cao các Chỉ số PAR INDEX, PAPI, SIPAS của tỉnh; thực hiện đánh giá Chỉ số cải cách hành chính và hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

- Gắn kết quả CCHC với công tác thi đua, khen thưởng; kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện các nhiệm vụ về CCHC.

- Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, kiểm tra công tác CCHC; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao tại các cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao và chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật và kỷ cương trong bộ máy hành chính.

- Xây dựng, triển khai thực hiện các nội dung của Đề án Hỗ trợ cơ sở vật chất và chính sách đối với cán bộ công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và bộ phận “Một cửa” cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2024-2030.

- Tiếp tục thực hiện ký cam kết giữa các thành viên BCĐ CCHC tỉnh với Chủ tịch UBND tỉnh nhằm tăng cường trách nhiệm của các thành viên BCĐ CCHC tỉnh, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, UBND các cấp.

- Tổ chức đối thoại giữa các cơ quan, đơn vị với người dân, doanh nghiệp nhằm giải quyết những vướng mắc khó khăn về thủ tục hành chính, khiếu nại, tố cáo ...; khảo sát đo lường mức hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của cơ quan hành chính.

2. Cải cách thể chế, theo dõi thi hành pháp luật

- Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, cụ thể, khả thi, minh bạch, ổn định và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Thực hiện đầy đủ việc đánh giá tác động của chính sách trong quy trình xây dựng văn bản QPPL, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan tham mưu ban hành chính sách, văn bản QPPL.

- Rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản QPPL đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, trọng tâm là các văn bản QPPL liên quan đến tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức. Tăng cường công tác kiểm tra văn bản QPPL, kịp thời phát hiện và xử lý các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, trái pháp luật hoặc không còn phù hợp.

- Hoàn thành việc hệ thống hóa văn bản QPPL theo kế hoạch đề ra. Công khai, minh bạch văn bản QPPL; xây dựng, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách của ngành và địa phương tạo động lực cho phát triển.

[...]