Kế hoạch 2468/KH-UBND năm 2021 về xây dựng trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn Quốc gia trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 2468/KH-UBND
Ngày ban hành 20/05/2021
Ngày có hiệu lực 20/05/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Nguyễn Long Biên
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 2468/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 20 tháng 05 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG TRƯỜNG MẦM NON, PHỔ THÔNG ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2021-2025

Căn cứ Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT, Thông tư số 18/2018/TT- BGDĐT và Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Ninh Thuận lần thứ XIV;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn Quốc gia trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết của Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV liên quan đến phát triển giáo dục và đào tạo; tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch của Ủy ban nhân dân dân tỉnh về xây dựng trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025.

b) Là cơ sở để huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.

c) Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia nhằm đảm bảo cho giáo dục phát triển bền vững, huy động tối đa học sinh trong độ tuổi đến trường, nâng cao chất lượng giáo dục, giảm tối đa học sinh lưu ban, bỏ học; duy trì và củng cố kết quả phổ cập giáo dục ở tất cả các địa bàn trong tỉnh.

2. Yêu cầu

a) Chính quyền các cấp, các cơ sở giáo dục phải bám sát các chỉ tiêu Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV liên quan đến phát triển giáo dục và đào tạo; các quy định của Trung ương và tình hình thực tiễn tại mỗi địa phương, đơn vị để ban hành Chương trình, kế hoạch về xây dựng trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025.

b) Việc xây dựng các chỉ tiêu trường đạt chuẩn quốc gia phải đảm bảo cho giáo dục và đào tạo phát triển bền vững phù hợp với các tiêu chí của Trung ương, Tỉnh và thực tế từng địa phương trong tỉnh.

c) Thực hiện xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng Nông thôn mới.

d) Căn cứ vào chỉ tiêu được duyệt về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025 của tỉnh và kế hoạch này; mỗi xã phường, thị trấn, cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục phải xây dựng các giải pháp phù hợp (bao gồm cả nguồn vốn, nhân lực, xã hội hoá,...) để xây dựng và sớm đủ các điều kiện, tiêu chuẩn để được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch được duyệt.

3. Đánh giá kết quả xây dựng trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2015-2020

a) Kết quả đạt được

- Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được cấp ủy đảng, chính quyền xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và được cụ thể hóa trong Nghị quyết của tỉnh Đảng bộ; sự điều hành chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời của Ủy ban nhân dân tỉnh; sự đồng tình ủng hộ của các ban ngành, đoàn thể, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương, cùng với sự phấn đấu nỗ lực của toàn ngành Giáo dục và Đào tạo trong công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

- Tỉnh đã đầu tư nguồn ngân sách có hiệu quả cho việc xây dựng cơ sở vật chất trường đạt chuẩn quốc gia, kết hợp với các nguồn vốn khác như: kiên cố hóa trường, lớp học, chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững,...

- Tính đến tháng 12/2020, toàn tỉnh đã có 133/304 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó: Khối giáo dục phổ thông có 113/217 trường đạt tỷ lệ 52,1% (vượt kế hoạch tỉnh Đảng bộ lần XIII 2,1%), trong đó: cấp tiểu học có 75/134 (tỉ lệ 56,0%), cấp THCS 30/61 (tỉ lệ 49,2%); cấp THPT 8/22 (tỉ lệ 36,4%); Khối giáo dục mầm non có 20/87 (tỉ lệ 23,0%) trường chuẩn quốc gia vượt kế hoạch tỉnh Đảng bộ lần XIII là 3,0%.

- Các đơn vị được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đã thực sự nổi bật trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; có nhiều học sinh giỏi, hoạt động giáo dục toàn diện, tiêu biểu để các trường chưa đạt chuẩn phấn đấu học tập; các điều kiện về cơ sở vật chất của trường chuẩn đã tạo nhiều thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng giáo dục. Qua kiểm tra cho thấy hiệu quả đào tạo ở các trường chuẩn quốc gia đã được nâng lên. Môi trường giáo dục và đạo đức của học sinh được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung cả nước thì tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh ta còn thấp, một số chỉ tiêu của các trường tuy đã được công nhận nhưng mới đạt ở mức tối thiểu, có một số tiêu chí chỉ đạt gần mức tối thiểu như: Định mức diện tích đất/học sinh, phòng học, phòng bộ môn, nhà đa năng, thiết bị dạy học, cơ sở vật chất khác, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; những trường đã được công nhận nhưng chưa bền vững. Cả tỉnh chỉ có 2 trường mầm non đạt chuẩn mức độ 2([1]), khối phổ thông chưa có trường nào đạt mức độ 2, tỷ lệ trường trung học phổ thông đạt chuẩn còn thấp so với tổng số trường cùng cấp học([2]),...

b) Khó khăn địa phương khi xây dựng trường chuẩn quốc gia

- Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục là trách nhiệm của toàn xã hội nhưng thực tế một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa đặt nặng nhiệm vụ của mình, mà xem trách nhiệm chính là của ngành Giáo dục và Đào tạo.

- Theo các Thông tư 17, 18 và 19/2018/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường còn gặp khó khăn trong việc thu thập, sử dụng, quản lý minh chứng phục vụ tự đánh giá chưa hiệu quả.

- Thực hiện Luật Giáo dục 2019 vào thực tiễn thì yêu cầu trình độ đào tạo chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS nâng lên, làm ảnh hưởng đến tiêu chuẩn số 2 (trình độ chuẩn giáo viên).

- Tiêu chuẩn về cơ sở vật chất được quy định tại Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT và Thông tư 14/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là rất khó thực hiện trên địa bàn tỉnh (chưa đáp ứng yêu cầu kiểm định chất lượng giáo dục). Một số địa phương tình hình quỹ đất đầu tư mở rộng trường học chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn đánh giá.

- Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đội ngũ cán bộ quản lý của một số đơn vị gặp khó khăn do chưa bảo đảm tiêu chuẩn (phải có bằng tốt nghiệp Trung cấp lý luận chính trị, Chứng chỉ Quản lý giáo dục,...).

[...]