Kế hoạch 1174/KH-UBND năm 2021 về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 1174/KH-UBND
Ngày ban hành 12/04/2021
Ngày có hiệu lực 12/04/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Y Ngọc
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1174/KH-UBND

Kon Tum, ngày 12 tháng 4 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG TRƯỜNG ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Căn cứ các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 22 tháng 8 năm 2018: Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học; Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non.

Căn cứ Nghị quyết số 06-NQ/ĐH ngày 30 tháng 9 năm 2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU XÂY DỰNG TRƯỜNG ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA

1. Quan điểm

- Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục; là giải pháp quan trọng để hình thành hệ thống trường lớp chuẩn hoá, hiện đại hoá về cơ sở vật chất, hiệu quả về công tác quản lý, đảm bảo chất lượng về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và nâng cao chất lượng dạy học, hiệu quả đào tạo.

- Các mục tiêu, giải pháp trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cần có tính ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt với lộ trình phù hợp, phát huy nội lực của nhà trường, địa phương và cả hệ thống chính trị trong nâng cao chất lượng dạy học; công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cần tích hợp, lồng ghép các chương trình, mục tiêu gắn với lộ trình xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.

(Lộ trình xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025 theo Phụ lục 1 đính kèm).

2. Mục tiêu

- Phấn đấu đến năm 2025 có trên 50% trường mầm non, 70% trường tiểu học, 50% trường THCS và 55% trường THPT đạt chuẩn quốc gia; trong đó, tỷ lệ trường đạt chuẩn mức độ 2 như sau: 16 trường mầm non (11,94%); 11 trường tiểu học (16,18%); 06 trường TH-THCS và THCS (5,50%); 07 trường THPT (28%).

- Phấn đấu đến năm 2025, 100% trường học trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia đối với tiêu chuẩn Hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục (Tiêu chuẩn 5) và tiêu chuẩn Quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội (Tiêu chuẩn 4).

(Danh sách các trường được công nhận đến năm 2020 theo Phụ lục 2; Thực trạng và lộ trình xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia theo Phụ lục 3).

- 100% giáo viên các trường đăng ký công nhận đạt chuẩn quốc gia đạt chuẩn trình độ đào tạo.

- 100% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp trở lên, trong đó có ít nhất 60% đạt mức khá trở lên (trường đăng ký đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, có ít nhất 80% giáo viên đạt mức khá trở lên, trong đó có ít nhất 30% đạt mức tốt).

- Đối với giáo dục mầm non:

+ Huy động trẻ em dân tộc thiểu số dưới 3 tuổi đến nhà trẻ đạt tỷ lệ từ 21% trở lên; trẻ dân tộc thiểu số 3-5 tuổi đi học mẫu giáo đạt tỷ lệ trên 92%, trong đó tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đạt 99,9%.

+ Tỷ lệ chuyên cần đạt ít nhất 90% đối với trẻ 5 tuổi, 85% đối với trẻ dưới 5 tuổi.

+ Tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non đạt ít nhất 90% (trường đăng ký đạt chuẩn quốc gia mức độ 2: đạt ít nhất 95%).

+ Trẻ khuyết tật học hòa nhập (nếu có) được đánh giá có tiến bộ đạt ít nhất 80% (trường đăng ký đạt chuẩn quốc gia mức độ 2: đạt ít nhất 85%).

- Đối với giáo dục tiểu học:

+ 100% học sinh dân tộc thiểu số từ lớp 3 trở lên được học ngoại ngữ, tin học.

+ Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 99,5%; tỷ lệ trẻ em 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt ít nhất 95%, đối với trường thuộc xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 85%; các trẻ em 11 tuổi còn lại đều đang học các lớp tiểu học.

- Đối với giáo dục trung học:

+ Cấp THCS: 99,8% học sinh có hạnh kiểm từ trung bình trở lên, trong đó hạnh kiểm tốt, khá từ 92% trở lên.

+ Cấp THPT: 99,6% học sinh có hạnh kiểm từ trung bình trở lên, trong đó hạnh kiểm tốt, khá từ 90%, trở lên; trường trung học chuyên, hạnh kiểm tốt, khá từ 98% trở lên.

+ Cấp THCS: 95% học sinh có học lực từ trung bình trở lên, trong đó đạt khá, giỏi trên 25% (riêng đối với các trường đăng ký công nhận đạt mức độ 2: khá, giỏi từ 35% trở lên, trong đó giỏi từ 05% trở lên; Yếu, kém không quá 10%).

[...]