Kế hoạch 2467/KH-UBND triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2024

Số hiệu 2467/KH-UBND
Ngày ban hành 03/07/2024
Ngày có hiệu lực 03/07/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Minh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2467/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 03 tháng 7 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN NĂM 2024

Căn cứ Quyết định số 2779/QĐ-BYT ngày 04/6/2021 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch Chương trình hành động quốc gia về Chăm sóc sức khỏe sinh sản, tập trung vào chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Công văn số 5125/BYT-BM-TE ngày 19/9/2022 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn lập kế hoạch triển khai hoạt động Chăm sóc sức khỏe sinh sản thuộc Chương trình mục tiêu y tế - dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên giai đoạn 2022-2025;

Căn cứ Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025;

Thực hiện Kế hoạch số 4203/KH-UBND ngày 09/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai hoạt động Chăm sóc sức khỏe sinh sản giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh năm 2024, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, tập trung vào cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, ưu tiên các vùng khó khăn nhằm giảm sự khác biệt về các chỉ tiêu sức khỏe, dinh dưỡng, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất 4 lần trong 3 thời kỳ: 83%.

- Tỷ lệ đẻ do nhân viên y tế đã qua đào tạo đỡ: 99,6%.

- Tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tại nhà sau sinh trong 06 tuần đầu: 75%.

- Tỷ số tử vong mẹ: < 20/100.000 trẻ đẻ sống.

- Tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi: < 11‰.

- Ít nhất 40% người thuộc đối tượng sàng lọc được định kỳ sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung theo hướng dẫn sàng lọc từng loại ung thư.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Đối tượng

- Đối tượng can thiệp trực tiếp: Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, bà mẹ có con nhỏ, tiền hôn nhân, vị thành niên, thanh niên.

- Đối tượng can thiệp gián tiếp: Nhân viên y tế tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản trong toàn tỉnh.

- Đối tượng có liên quan đến hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản: Các nhà hoạch định chính sách có liên quan đến hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản; cha mẹ, thầy cô, cán bộ đoàn thanh niên, cán bộ hội phụ nữ.

2. Thời gian thực hiện: Năm 2024.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác giám sát tử vong mẹ và đáp ứng

Tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động thẩm định tử vong mẹ theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại địa phương:

- Cán bộ y tế tuyến tỉnh tham gia tập huấn thẩm định các hồ sơ tử vong mẹ khi Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em tổ chức.

- Kiện toàn lại Ban thẩm định tử vong mẹ tại địa phương (nếu có thay đổi).

[...]