Kế hoạch 246/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 246/KH-UBND
Ngày ban hành 24/11/2022
Ngày có hiệu lực 24/11/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Nguyễn Lưu Trung
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 246/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 24 tháng 11 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN GẮN VỚI CHƯƠNG TRÌNH OCOP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Quyết định số 1930/QĐ-UBND ngày 04 tháng 8 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025 (Đề án), định hướng đến năm 2030.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Phát huy lợi thế địa phương, vận dụng sản phẩm nông nghiệp, giá trị văn hóa khu vực nông thôn tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, vừa giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người dân, vừa nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, vừa kéo dài thời gian du lịch, tăng doanh thu, đảm bảo mục tiêu phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới.

- Xác định, phân công rõ trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương chủ trì hoặc phối hợp tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể về phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP, đảm bảo mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2030.

2. Yêu cầu

- Xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2030 và đề ra mốc thời gian thực hiện hợp lý, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế, để khai thác có hiệu quả tài nguyên, tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

- Huy động được các nguồn lực xã hội ở trong nước và nước ngoài cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật tại các khu vực nông thôn, tạo sự thuận lợi, rút ngắn thời gian di chuyển của du khách tại các điểm đến du lịch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch trong thời gian tới.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát huy hiệu quả giá trị bản địa, góp phần khai thác tiềm năng về du lịch tại khu vực nông thôn theo hướng bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng, thu nhập và hiện trạng kinh tế - xã hội ở các khu vực nông thôn, nâng cao cuộc sống người nông dân, phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP.

2. Mục tiêu cụ thể

- Nhận diện, đánh giá tiềm năng, thực trạng phát triển du lịch nông thôn; tiềm năng phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP; đề xuất giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP tỉnh Kiên Giang.

- Đến năm 2025: có ít nhất 04 điểm du lịch nông thôn được tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao, định hướng 5 sao.

- Đến năm 2030: có ít nhất 12 điểm du lịch nông thôn được tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao, trong đó có sản phẩm được tham gia, đánh giá phân hạng 5 sao quốc gia.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp Nhân dân nhất là người dân ở vùng nông thôn về Quyết định số 1930/QĐ-UBND ngày 04/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh; gắn với nội dung của Đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp trong quá trình triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án.

Tạo điều kiện để các địa phương hình thành các mô hình quản lý về du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng như: mô hình các doanh nghiệp do cộng đồng cùng sở hữu và điều hành (doanh nghiệp cộng đồng, doanh nghiệp xã hội); mô hình liên doanh giữa cộng đồng và doanh nghiệp tư nhân; mô hình liên kết giữa các cư dân địa phương tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch với nhau thành lập một đơn vị điều hành (Hợp tác xã, Ban quản lý, Tổ tự quản, Hội quán, ...).

Đẩy mạnh nhận thức của các bên liên quan trong việc nhận diện tài nguyên du lịch nông thôn tại địa phương và đầu tư khai thác các tài nguyên này trở thành sản phẩm, dịch vụ du lịch nông thôn theo hình thức liên kết chuỗi giá trị. Xem xét việc phát triển du lịch nông thôn gắn liền với xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, phát triển cảnh quan, cũng như hình thành các dịch vụ bổ sung cho du lịch nông thôn. Tăng cường các hoạt động tư vấn, xúc tiến đầu tư, quảng bá hoạt động du lịch nông thôn để các điểm tài nguyên có tiềm năng trở thành điểm du lịch.

Nâng cao nhận thức, phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh việc nghiên cứu và đề xuất chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động toàn diện, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch cả về quản lý nhà nước, vận động đoàn viên, thanh niên mạnh dạn đầu tư.

2. Về khả năng tiếp thị

Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến, quảng bá du lịch, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp, hiệu quả; phát huy sức mạnh của truyền thông và tăng cường quảng bá trên mạng xã hội.

Định hướng xây dựng chuỗi giá trị du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP. Mở rộng liên doanh liên kết với các tỉnh, các vùng lân cận để trao đổi thông tin thị trường, xây dựng hệ thống dự báo thị trường, tìm đối tác, ... để thúc đẩy du lịch phát triển; kêu gọi, xúc tiến đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng và sản phẩm du lịch.

Xây dựng thương hiệu du lịch gắn với sản vật địa phương, xây dựng câu chuyện truyền thông marketing thương hiệu mang lại hiệu quả thiết thực cho ngành du lịch địa phương nói chung và du lịch nông thôn nói riêng.

[...]