Kế hoạch 2450/KH-UBND về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023

Số hiệu 2450/KH-UBND
Ngày ban hành 07/06/2023
Ngày có hiệu lực 07/06/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Võ Văn Hoan
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2450/KH-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM 2023

Thực hiện Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 313/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố về Phê duyệt Kế hoạch Tổng thể Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025;

Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023, như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Mục đích

Xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn phục vụ công tác quản lý nhà nước và triển khai các chương trình phát triển thương mại điện tử.

Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia giao dịch thương mại điện tử; đẩy mạnh hình thức kinh doanh thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại.

Tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp, cá nhân hoạt động thương mại điện tử đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng an tâm tham gia giao dịch thương mại điện tử.

Hỗ trợ đẩy nhanh chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh.

Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về thương mại điện tử trong công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tuân thủ đúng quy định của pháp luật, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, an toàn cho các giao dịch thương mại điện tử.

Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực thực thi công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử.

Tuyên truyền, đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho người dân và doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

2. Yêu cầu

Kế hoạch đảm bảo phù hợp các quy định pháp luật, tính khả thi với tình hình thực tế; đảm bảo tính đồng bộ, chất lượng, hiệu quả và thời hạn thực hiện các nhiệm vụ.

Kết quả thực hiện từng nhiệm vụ phải cụ thể, đảm bảo công tác triển khai Kế hoạch có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các đơn vị liên quan.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử

Tổ chức khảo sát, thống kê về tình hình ứng dụng thương mại điện tử của doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố để kịp thời nắm bắt thực tiễn phát sinh, xây dựng chính sách quản lý, phát triển hoạt động thương mại điện tử phù hợp.

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, ưu tiên công tác chống thất thu thuế.

Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử. Đồng thời, đánh giá hoạt động của Hội đồng phát triển ngành thương mại điện tử để kịp thời báo cáo, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tiễn hoạt động.

Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, định kỳ, đột xuất đối với hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố; đẩy mạnh xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn về xuất xứ hàng hóa, nhãn hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, sở hữu trí tuệ ...; Tăng cường công tác kiểm soát, kiểm tra, thanh tra công tác quản lý nhà nước về thuế trong thương mại điện tử.

2. Phát triển thương mại điện tử trong doanh nghiệp

Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ phát triển thương mại điện tử.

Nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, kết nối cung cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh, thành. Hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn cho các hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận, ứng dụng các hoạt động thương mại điện tử, lựa chọn doanh nghiệp đủ năng lực kết nối ứng dụng thương mại điện tử, ứng dụng mã QR, truy xuất nguồn gốc nông sản.

Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới. Triển khai các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu về chiến lược kinh doanh trên thị trường thương mại điện tử.

3. Phát triển giao dịch thương mại điện tử trong cộng đồng

[...]