Công điện 889/CĐ-TTg năm 2022 về nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số do Thủ tướng Chính phủ điện

Số hiệu 889/CĐ-TTg
Ngày ban hành 01/10/2022
Ngày có hiệu lực 01/10/2022
Loại văn bản Công điện
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Minh Chính
Lĩnh vực Thương mại,Thuế - Phí - Lệ Phí,Công nghệ thông tin

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 889/CĐ-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 2022

 

CÔNG ĐIỆN

VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ THU THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ, KINH DOANH TRÊN NỀN TẢNG SỐ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ điện:

 

- Bộ trưởng; Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong thời gian qua, nhiều biện pháp cải cách, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, thực hiện kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, triển khai hóa đơn điện tử đã được thực hiện và mang lại nhiều kết quả tích cực. Việt Nam là 01 trong 04 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua cổng thông tin điện tử trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các Bộ, cơ quan liên quan đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, phục vụ ngày càng tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên với sự phát triển của nền kinh tế số, việc kinh doanh trên nền tảng số trở nên phổ biến, doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước. Sự phát triển nhanh chóng với nhiều hình thức mới của TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số đặt ra những thách thức mới trong công tác quản lý nhà nước, trong đó có công tác quản lý thu thuế.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với các hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Bộ Tài chính chủ trì, khẩn trương phối hợp với các Bộ, cơ quan:

a) Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 tại Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có các giải pháp tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT như hoàn thiện thể chế quản lý thuế trong hoạt động sản xuất kinh doanh mới phát sinh trong nền kinh tế, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, sản xuất thông minh, giao dịch xuyên biên giới...

b) Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế là cá nhân kinh doanh TMĐT kê khai, nộp thuế theo quy định; phối hợp, hướng dẫn các nhà cung cấp nước ngoài tuân thủ pháp luật khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

c) Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với TMĐT, áp dụng các công nghệ hiện đại, phương pháp quản lý rủi ro đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số.

d) Tiếp tục phối hợp, trao đổi, kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, cơ quan liên quan; hoàn thiện việc sửa đổi chính sách, pháp luật để tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh xuyên biên giới.

đ) Nghiên cứu, xây dựng nội dung tham gia đàm phán các Hiệp định đa phương về quyền đánh thuế đối với thu nhập từ kinh tế số.

2. Bộ Tư pháp khẩn trương có ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế theo yêu cầu của Lãnh đạo Chính phủ tại công văn số 6499/VPCP-KTTH ngày 30 tháng 9 năm 2022 (trong đó có nội dung sửa đổi về quản lý thuế đối với TMĐT); trên cơ sở đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thiện trình Chính phủ hồ sơ dự thảo Nghị định nêu trên theo quy định, bảo đảm thuận lợi trong kê khai và nộp thuế đối với các sàn thương mại điện tử.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông:

a) Phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để có thể thực hiện tạm dừng, thu hồi giấy phép hoạt động trên môi trường mạng đối với các trường hợp vi phạm pháp luật thuế.

b) Phối hợp với Bộ Tài chính triển khai trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý thuế đối với chủ thể cung cấp dịch vụ viễn thông, quảng cáo trên mạng, các sản phẩm, dịch vụ phần mềm, các sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số và các sản phẩm, dịch vụ thông qua các nền tảng số trong nước và xuyên biên giới.

4. Bộ Công Thương:

a) Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh TMĐT để tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh của các cá nhân trên Sàn giao dịch TMĐT.

b) Tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính triển khai việc chia sẻ dữ liệu, kết nối thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh TMĐT.

5. Bộ Công an:

a) Tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư...kết nối, chia sẻ tự động, thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu chung về:

- Xác thực thông tin công dân giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu đăng ký thuế phục vụ làm sạch dữ liệu đăng ký thuế qua trục tích hợp quốc gia (NGSP) hoặc trục liên thông văn bản hành chính (VDXP).

- Tổ chức, cá nhân trong nước có hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông, quảng cáo trên không gian mạng; dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, ví điện tử, chuyển tiền; các sản phẩm, dịch vụ phần mềm; các sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số và các sản phẩm, dịch vụ thông qua các nền tảng số trong nước và xuyên biên giới tại Việt Nam.

b) Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ liên quan thực hiện trao đổi thông tin về các cá nhân có thu nhập từ quảng cáo do cung cấp sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số trên các nền tảng chia sẻ video xuyên biên giới trên mạng, thông tin cá nhân có hoạt động kinh doanh mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên các website TMĐT, mạng xã hội.

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để nghiên cứu sử dụng định danh xác thực điện tử trong các giao dịch thương mại điện tử; gắn định danh điện tử với mã số thuế để quản lý thống nhất định danh công dân trên toàn bộ các hệ thống của ngành thuế theo mã định danh công dân; từng bước cung cấp một số dịch vụ về thuế cá nhân trên ứng dụng công dân số quốc gia VNelD.

d) Nghiên cứu phát triển hoặc tích hợp ứng dụng cổng thanh toán, ví điện tử hiện có tại Việt Nam lên ứng dụng công dân số quốc gia VNelD để tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia các hoạt động thương mại điện tử.

6. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:

a) Chỉ đạo tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện việc cung cấp thông tin của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân có thu nhập phát sinh từ các nền tảng xuyên biên giới theo quy định của pháp luật và theo hướng dẫn của cơ quan thuế.

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ