Kế hoạch 242/KH-UBND năm 2023 thực hiện Quyết định 957/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 do tỉnh Cà Mau ban hành

Số hiệu 242/KH-UBND
Ngày ban hành 03/10/2023
Ngày có hiệu lực 03/10/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Lê Văn Sử
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 242/KH-UBND

Cà Mau, ngày 03 tháng 10 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 957/QĐ-TTG NGÀY 06/7/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÒNG, CHỐNG SẠT LỞ BỜ SÔNG, BỜ BIỂN ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 06/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030;

Căn cứ Công văn số 4986/BNN-PCTT ngày 28/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030;

Căn cứ Thông báo số 3997/TB-BNN-VP ngày 20/6/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ý kiến kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại buổi làm việc với tỉnh Cà Mau;

Căn cứ Kế hoạch số 116/KH-UBND ngày 20/10/2020 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Triển khai thực hiện Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 06/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030;

Căn cứ Công văn số 5011/UBND-XD ngày 30/6/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Thông báo số 3997/TB-BNN-VP ngày 20/6/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 355/TTr-SNN ngày 25/9/2023 và ý kiến các Thành viên UBND tỉnh tại cuộc họp ngày 21/9/2023 tại Văn phòng UBND tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 06/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030; cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và triển khai Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 06/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 đến các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân trên địa bàn tỉnh nắm, thực hiện.

- Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trong điều kiện tác động biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan.

2. Yêu cầu

- Công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương, là trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp và toàn dân, cần xác định các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo thống nhất, đồng bộ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, ổn định dân sinh và góp phần hoàn thành mục tiêu chung của cả nước; trong đó ưu tiên các nhiệm vụ có tính cấp bách, đồng thời kết hợp tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện.

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 13/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 16/8/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Cà Mau; Chương trình hành động số 06/CTr-UBND ngày 04/8/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thực hiện Quyết định số 987/QĐ-TTg ngày 09/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 156-KH/TU ngày 27/5/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

- Đảm bảo nguồn lực để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ theo kế hoạch.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhân thức cộng đồng về phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển

Thường xuyên thông tin, tuyên truyền qua các cơ quan thông tấn, báo, đài truyền hình, truyền thanh đóng trên địa bàn, truyền thông mạng xã hội, hội thảo, tập huấn chuyên đề,...các nội dung sau:

- Tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Chính phủ về công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng trong công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

- Tuyên truyền cho người dân các kiến thức, kỹ năng ứng phó với sạt lở đất để giảm thiếu thiệt hại về người và tài sản; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả do sạt lở bờ sông, bờ biển.

- Thông tin việc triển khai các giải pháp thực hiện đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều; khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực trọng yếu; di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.

- Thông tin việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác phòng, chống sạt lở đất.

- Thông tin về việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong quan trắc, giám sát sạt lở đất.

- Thông tin về kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế, cơ quan chuyên môn trong nước và nước ngoài về việc phòng, chống sạt lở đất.

2. Hỗ trợ, phối hợp với các Bộ, ngành trung ương xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến sạt lở bờ sông, bờ biển thuộc phạm vi của tỉnh

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều tra, đánh giá hiện trạng và khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển và hệ thống đê biển, cụ thể:

[...]