Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 241/KH-UBND năm 2023 về phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng thường gặp tại tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2025

Số hiệu 241/KH-UBND
Ngày ban hành 06/04/2023
Ngày có hiệu lực 06/04/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Bùi Đình Long
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 241/KH-UBND

Nghệ An, ngày 06 tháng 4 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÂN VÙNG DỊCH TỄ BỆNH KÝ SINH TRÙNG THƯỜNG GẶP TẠI TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2023 - 2025

Thực hiện Quyết định số 5003/QĐ-BYT ngày 29/10/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành kế hoạch phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng thường gặp tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Nghệ An ban hành kế hoạch phân vùng dịch tễ các bệnh ký sinh trùng thường gặp tại tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025, cụ thể như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Tình hình các bệnh ký sinh trùng tại Việt Nam

Nước ta nằm trong vùng nhiệt đới, điều kiện khí hậu, tập quán sinh hoạt của người dân cũng như vệ sinh môi trường hiện nay rất thuận lợi cho sự phát triển và lây nhiễm của các bệnh ký sinh trùng.

Bệnh ký sinh trùng thường gặp có một số đặc điểm giống nhau về đường lây nhiễm, các yếu tố nguy cơ nên được chia theo nhóm bệnh như bệnh giun truyền qua đất bao gồm giun đũa, giun tóc, giun móc; bệnh sán lá truyền qua thức ăn như sán lá gan, sán lá phổi, sán lá ruột; bệnh lây truyền từ động vật sang người như bệnh sán dây/ấu trùng sán lợn, bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo, bệnh ấu trùng giun đầu gai, bệnh giun lươn, giun xoắn; ngoài ra còn có một số bệnh nấm, đơn bào khác.

Tỷ lệ nhiễm chung giun truyền qua đất của cả nước khoảng 30%, trong đó các tỉnh khu vực miền Bắc khoảng 10 - 20%. Các đối tượng có nguy cơ nhiễm cao là trẻ em mầm non, học sinh và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Một số ngành nghề thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với đất có tỷ lệ nhiễm cao hơn như người làm nghề trồng lúa, trồng rau, hoa màu, làm rừng.

Tại một số địa phương, người dân có tập quán, thói quen ăn gỏi cá, thịt lợn tái, thịt bò tái, tiết canh, gan lợn tái, cua nướng và rau thủy sinh chưa được nấu chín, cùng với sự gia tăng của giao lưu ẩm thực giữa các vùng miền là những yếu tố thuận lợi gây mắc các bệnh sán như sán lá gan, sán lá phổi, sán dây, ấu trùng sán lợn... trong cộng đồng.

Bệnh ký sinh trùng có thể gây ra các tổn thương tại gan, não, phổi, thận, đường tiêu hóa ở người; gây ảnh hưởng đến dinh dưỡng, thể lực, phát triển cơ thể. Bệnh ký sinh trùng gây ảnh hưởng cấp tính và lâu dài đến sức khỏe của người dân, tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng và gây ra những gánh nặng bệnh tật.

2. Tình hình bệnh ký sinh trùng tại Nghệ An

Nghệ An nằm trong vùng nhiệt đới, điều kiện khí hậu, tập quán sinh hoạt của người dân cũng như vệ sinh môi trường hiện nay rất thuận lợi cho sự phát triển và lây nhiễm của các bệnh ký sinh trùng.

Trong những năm gần đây, bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo đang nổi lên là một vấn đề lớn trong công tác phòng chống ký sinh trùng, với tỷ lệ nhiễm cao trong cộng đồng, phổ biến ở mọi lứa tuổi, gây tổn thương ở nhiều cơ quan trong cơ thể, chẩn đoán gặp nhiều khó khăn, thời gian điều trị dài ngày, bệnh sán lá truyền qua thức ăn như sán lá gan lớn; bệnh lây truyền từ động vật sang người như bệnh sán dây/ấu trùng sán lợn, bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo, bệnh giun lươn.

Các đối tượng có nguy cơ nhiễm cao là trẻ em mầm non, học sinh và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Một số ngành nghề thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với đất có tỷ lệ nhiễm cao hơn như, người làm ruộng, trồng rau, hoa màu,...

Theo kết quả điều tra của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương năm 2020 - 2021 tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An thì tỷ lệ nhiễm giun sán đường ruột 15-20%. Theo báo cáo kết quả bệnh nhân có triệu chứng đến khám tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An (giai đoạn năm 2018 - 2022), tỷ lệ phát hiện bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn là 18,33%, ấu trùng giun lươn là 13%, bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo là 37%.

3. Khó khăn và tồn tại

- Bệnh ký sinh trùng gồm nhiều loại, phân bố rộng rãi nhưng không đồng đều, tính chất bệnh đa dạng phụ thuộc vào điều kiện khí hậu của các vùng sinh thái khác nhau và tính chất xã hội của từng vùng, miền nên gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện.

- Số liệu về bệnh ký sinh trùng không đầy đủ và không đại diện cho các huyện, thành, thị, các vùng miền, các đối tượng nên khó khăn trong công tác xác định ưu tiên phòng chống bệnh.

- Hệ thống phòng chống bệnh ký sinh trùng của tuyến tỉnh, huyện và xã còn yếu và chưa thống nhất. Trình độ chuyên môn và trang bị kỹ thuật phục vụ công tác phòng chống bệnh ký sinh trùng còn rất hạn chế trong hệ thống chuyên khoa sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng (SR - KST - CT) tại các tuyến.

- Một số địa phương sáp nhập trung tâm y tế và bệnh viện nên nguồn nhân lực, cơ cấu tổ chức cho công tác phòng chống bệnh ký sinh trùng có sự thay đổi, nhiều cán bộ chưa được đào tạo chuyên sâu về công tác phòng chống các bệnh ký sinh trùng.

- Thiếu trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động điều tra cơ bản, lập bản đồ phân vùng dịch tễ, chẩn đoán, điều trị.

- Bệnh ký sinh trùng thường có diễn biến âm thầm, kéo dài nên ít được quan tâm chú ý. Trong khi đó, tỷ lệ mắc của một số loại ký sinh trùng trong một số cộng đồng dân cư đặc thù cao, như ở trẻ em, phụ nữ độ tuổi sinh sản, nhóm dân cư vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Điều kiện kinh tế, tập quán vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường, trong nhà trường ở vùng nông thôn còn khó khăn làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm và hạn chế hiệu quả phòng chống.

- Kinh phí đầu tư cho chương trình phòng chống các bệnh ký sinh trùng còn hạn chế chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế.

II. CƠ SỞ XÂY DỰNG PHÂN VÙNG DỊCH TỄ TẠI NGHỆ AN

1. Cơ sở pháp lý

- Quyết định số 1744/QĐ-BYT ngày 30/3/2021 của Bộ Y tế về ban hành hướng dẫn giám sát và phòng chống ký sinh trùng thường gặp tại Việt Nam.

- Quyết định số 1745/QĐ-BYT ngày 30/3/2021 của Bộ Y tế về ban hành kế hoạch phòng chống bệnh ký sinh trùng thường gặp tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.

- Quyết định số 5003/QĐ-BYT ngày 29/10/2021 của Bộ Y tế về ban hành kế hoạch phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng thường gặp tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

[...]