Kế hoạch 44/KH-UBND năm 2022 về phòng chống mù lòa giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Số hiệu 44/KH-UBND
Ngày ban hành 21/01/2022
Ngày có hiệu lực 21/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Bùi Đình Long
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/KH-UBND

Nghệ An, ngày 21 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG CHỐNG MÙ LÒA GIAI ĐOẠN 2022-2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Thực hiện Quyết định số 2560/QĐ-TTg ngày 31/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống mù lòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Nhằm giảm tỷ lệ mù lòa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, UBND tỉnh Nghệ An ban hành “Kế hoạch phòng chống mù lòa giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU CHUNG, MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Mục tiêu chung

Tăng cường sự tiếp cận của người dân với dịch vụ chăm sóc mắt (dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt), giảm tỷ lệ các bệnh gây mù lòa có thể phòng chống được; phấn đấu loại trừ các nguyên nhân chính gây mù lòa cho mọi người dân trên địa bàn tỉnh vào năm 2030.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2022-2025

- Giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 45/10.000 dân, trong đó: giảm tỷ lệ mù lòa ở người từ 50 tuổi trở lên xuống dưới 1,5%;

- Tỷ lệ người dân được phẫu thuật đục thủy tinh thể trên 55 người/10.000 dân (kết quả giai đoạn năm 2018-2020 là hơn 52 người/10.000 dân), trong đó: đảm bảo 100% người dân bị mù do đục thủy tinh thể được phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo;

- Tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám và theo dõi bệnh lý về mắt đạt trên 35%;

- Tỷ lệ người bệnh Glocom được khám và quản lý đạt trên 37 %;

- Tỷ lệ khám sàng lọc tật khúc xạ đạt trên 50.000 người/ năm.

b) Giai đoạn đến năm 2030

- Tỷ lệ mù lòa xuống dưới 40/10.000 dân, trong đó: giảm tỷ lệ mù lòa ở người từ 50 tuổi trở lên xuống dưới 1,2%;

- Duy trì tỷ lệ người dân được phẫu thuật đục thủy tinh thể lên trên 55 người/10.000 dân; trong đó: tỷ lệ người dân bị mù do đục thủy tinh thể được phẫu thuật thay thủy tinh thể đạt 100%;

- Tỷ lệ người bệnh Glocom được khám và quản lý đạt trên 45%;

- Tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám và theo dõi bệnh lý về mắt đạt hơn 100.000 người tức trên 50% số người bệnh bị đái tháo đường;

- Tỷ lệ khám sàng lọc tật khúc xạ đạt trên 50.000 người/ năm.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

2.1 Truyền thông, vận động cộng đồng tham gia phòng chống mù lòa

- Lồng ghép chương trình phòng chống mù lòa trong chương trình giáo dục nâng cao sức khỏe cộng đồng cho học sinh, giáo viên và y tế cơ sở.

- Hằng năm tổ chức hưởng ứng Ngày Thị giác Thế giới vào thứ 5 tuần lễ thứ 2 của tháng 10, tuần lễ Glocom Thế giới... bằng các hình thức như tổ chức sự kiện, Meeting vận động, truyền thông dự phòng và kiểm soát các bệnh đục thủy tinh thể, Glôcôm, đái tháo đường, tật khúc xạ học đường....

- Vận động chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức và người dân chủ động tham gia công tác phòng chống mù lòa và ảnh hưởng của mù lòa đối với sức khỏe, đối với khả năng lao động và sự phát triển kinh tế xã hội.

2.2. Củng cố và phát triển mạng lưới chăm sóc mắt

a) Phát triển mạng lưới

Củng cố, hoàn thiện mạng lưới cơ sở chăm sóc mắt, phòng chống mù lòa đồng bộ từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, cụ thể:

- Tuyến tỉnh: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thiện Bệnh viện Mắt Nghệ An. Tiến tới hoàn thiện giai đoạn 2 xây dựng khu nhà điều trị 5 tầng và khu nhà 2 tầng của các khoa Dinh dưỡng và Chống nhiễm khuẩn. Chia tách và thành lập mới các khoa phòng chuyên sâu tại Bệnh viện Mắt đáp ứng yêu cầu là tuyến cuối của tỉnh. Phát triển chuyên môn, kỹ thuật khoa Mắt các Bệnh viện tuyến tỉnh để thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh, điều trị các bệnh lý nhãn khoa, phối hợp phòng chống mù lòa cũng như đào tạo và chỉ đạo tuyến.

[...]