Kế hoạch 24/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu 24/KH-UBND
Ngày ban hành 19/01/2024
Ngày có hiệu lực 19/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Phạm Thiện Nghĩa
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 19 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP NGÀY 05/01/2024 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 (gọi tắt là Nghị quyết số 02/NQ-CP), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Tháp xây dựng kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Đồng Tháp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tiếp tục phát triển về số lượng, chất lượng doanh nghiệp; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; khuyến khích, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; củng cố niềm tin tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với kế hoạch đề ra năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023.

- Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, quy định kinh doanh được nêu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Kế hoạch này.

3. Yêu cầu

- Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc UBND Tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thành phố chủ động, tích cực trong công tác chỉ đạo điều hành nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; quán triệt, xem việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, trực tiếp chỉ đạo; chịu trách nhiệm trước UBND Tỉnh và Chủ tịch UBND Tỉnh về các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực phụ trách và tại địa phương.

- Các cơ quan được phân công làm đầu mối theo dõi các bộ chỉ số và trực tiếp cải thiện các chỉ số, nhóm chỉ số thành phần chịu trách nhiệm trước UBND Tỉnh về các bộ chỉ số và các chỉ số, nhóm chỉ số thành phần được giao; thường xuyên cập nhật thông tin từ các bộ, ngành Trung ương về việc hướng dẫn phương thức và giải pháp cải thiện các bộ chỉ số và các chỉ số, nhóm chỉ số thành phần để kịp thời chủ trì, phối hợp, triển khai thực hiện theo lĩnh vực phụ trách và tại địa phương.

(Chi tiết Phụ lục I ban hành kèm Kế hoạch này).

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Các sở, ban, ngành Tỉnh được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các sở, ban, ngành Tỉnh được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần

a) Thường xuyên cập nhật thông tin hướng dẫn từ các bộ, ngành Trung ương về việc triển khai các bộ chỉ số, các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan; kịp thời đề xuất, báo cáo UBND Tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, giải pháp, nhiệm vụ phát sinh để cải thiện các chỉ số được phân công; chủ động kết nối với các bộ, ngành Trung ương để cung cấp, cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin theo yêu cầu nhằm đánh giá, xếp hạng khách quan, chính xác; chủ trì, theo dõi thông tin từ các bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện các chỉ tiêu thống kê; thực hiện chế độ báo cáo, theo dõi tình hình, kết quả cải thiện đối với các bộ chỉ số, nhóm chỉ số, chỉ số thành phần được phân công; phân công bộ phận làm đầu mối thực hiện tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tại đơn vị và địa phương.

b) Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính: Rà soát, nghiên cứu, góp ý điều chỉnh chỉ tiêu thống kê công bố trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo theo yêu cầu của bộ, ngành chủ quản.

c) Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ động, thường xuyên theo dõi thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông để chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ xây dựng chỉ tiêu thống kê về kinh tế số trên địa bàn Tỉnh.

2. Tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư

a) Các sở, ban, ngành Tỉnh, UBND huyện, thành phố:

- Chủ động và khẩn trương tháo gỡ triệt để các vướng mắc phát sinh đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác nhau của các quy định pháp luật. Đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền thì tập hợp nội dung kèm theo các giải pháp tương ứng (nếu có), báo cáo UBND Tỉnh kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền và các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ[1];

- Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, cụ thể hóa; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, trong đó, tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình, dịch vụ công trực tuyến một phần đối với các thủ tục hành chính;

- Tiếp tục thực hiện chủ trương “đồng hành” để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp kịp thời, đúng lúc, đúng nơi; chịu trách nhiệm cá nhân trước UBND Tỉnh nếu để cán bộ, công chức của đơn vị có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính, gây bức xúc trong dư luận; tổ chức gặp gỡ, đối thoại thường xuyên và xây dựng các kênh thông tin nhằm tiếp nhận ý kiến phản biện, đóng góp của doanh nghiệp;

- Triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp đã phân công tại Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 27/01/2022 của UBND Tỉnh về phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025.

b) Văn phòng UBND Tỉnh: Tham mưu UBND Tỉnh tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm với doanh nghiệp, báo chí; duy trì “Cà phê Doanh nhân - Doanh nghiệp” tại khuôn viên UBND Tỉnh, “Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính” tại Trung tâm Hành chính công Tỉnh và tăng cường gặp gỡ các doanh nghiệp tại cơ sở để đa dạng hóa các kênh giao tiếp, hướng đến sự thuận tiện, hiệu quả.

c) Sở Nội vụ:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Đồng Tháp năm 2024;

- Chủ trì theo dõi Chỉ số Cải cách hành chính (PAR), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ.

[...]
13
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ