Kế hoạch 2370/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình hành động 17-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Quảng Bình ban hành

Số hiệu 2370/KH-UBND
Ngày ban hành 12/12/2022
Ngày có hiệu lực 12/12/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Đoàn Ngọc Lâm
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2370/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 12 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 17-CTr/TU NGÀY 03/11/2022 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19-NQ/TW NGÀY 16/6/2022 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy); Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình xây dựng Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Cụ thể hóa Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, để triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống cho người nông dân trên toàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng quan điểm, mục tiêu và nội dung Nghị quyết số 19-NQ/TW, Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian trước mắt và lâu dài; xác định rõ nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên cần quan tâm tập trung lãnh chỉ đạo trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu, nội dung Nghị quyết của Trung ương và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, mỗi địa phương, đơn vị cần xây dựng các chương trình, đề án, dự án cụ thể để chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở địa phương, đơn vị mình; tăng cường đầu tư về mọi mặt, đồng thời có những chính sách thích hợp hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trong quá trình triển khai thực hiện phải bám sát quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết của Trung ương và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kịp thời khắc phục khó khăn, vướng mắc, đảm bảo việc triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ đạt hiệu quả, chất lượng và đúng tiến độ Kế hoạch đề ra.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030

Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Về nông nghiệp: Duy trì tốc độ tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng gắn với đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3,5-4%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5-6%/năm. Đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đổi mới tổ chức sản xuất, phát triển các hình thức hợp tác và liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 68%, nâng cao năng suất, chất lượng rừng.

- Về nông dân

+ Đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho nông dân. Chuyển dịch một bộ phận lao động nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và du lịch nông thôn. Tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 18.000 lao động nông thôn.

+ Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục, giải quyết việc làm. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu táng gấp 2,5-3 lần so với năm 2020.

- Về nông thôn

+ Phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm.

+ Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn (giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế) đảm bảo đồng bộ, liên thông và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là các vùng còn nhiều khó khăn, số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%, trong đó, phấn đấu 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó phấn đấu 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

+ Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn đạt 65%; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 90%.

3. Tầm nhìn đến năm 2045

Nông dân và người dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn với môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, có nhiều loại nông sản được xuất khẩu ra thị trường thế giới. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn

Tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia thực hiện và hưởng lợi các chính sách của nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đổi mới, đa dạng hóa các nguồn cung cấp tín dụng, cơ chế, thủ tục để nông dân được tiếp cận với thủ tục giản đơn nhất. Đổi mới phương thức hỗ trợ cho nông dân, chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang gián tiếp, từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ cho vay lãi suất thấp, đặc biệt thực hiện hình thức đầu tư có thu hồi, quay vòng vốn.

Đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ cho cư dân nông thôn; từng bước hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo. Đẩy mạnh phát triển ngành nghề, dịch vụ nông thôn; đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động sang làm việc ở khu vực công nghiệp, du lịch và dịch vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; góp phần làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn.

[...]