Kế hoạch 235/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 93/NQ-CP về nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Số hiệu 235/KH-UBND
Ngày ban hành 19/09/2023
Ngày có hiệu lực 19/09/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Bùi Văn Khắng
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 235/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 19 tháng 9 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 93/NQ-CP NGÀY 05/7/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HỘI NHẬP QUỐC TẾ, THÚC ĐẨY KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2023 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

Thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 05/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; theo đề nghị của Sở Công Thương tại Văn bản số 2681/SCT-XNK ngày 07/9/2023 và ý kiến thống nhất của các ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 05/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế gắn với giữ vững ổn định chính trị - xã hội; bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; nhanh chóng phục hồi kinh tế vượt qua các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19; chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, khai thác hiệu quả lợi thế của tỉnh, nhằm tận dụng những cơ hội và giảm thiểu các thách thức, tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

- Nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, vị trí của pháp luật quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; tận dụng tối đa pháp luật quốc tế trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong quan hệ kinh tế quốc tế, nhất là trong giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh.

- Chủ động, tích cực tham gia hội nhập kinh tế số nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số của Việt Nam theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

- Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế trong đó chú trọng vào khai thác hiệu quả các FTA nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường. Đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và triển khai các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế.

- Tiếp tục khai thác lợi thế, khắc phục các hạn chế, khó khăn nhằm tận dụng cơ hội và giảm thiểu thách thức, tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập quốc tế, phấn đấu đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

2. Yêu cầu

- Triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra trong Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 05/7/2023 của Chính phủ. Xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung triển khai thực hiện để đảm bảo các mục tiêu, nhiệm vụ đạt hiệu quả, tiến độ và chất lượng.

- Xác định nội dung cụ thể của hội nhập quốc tế trên từng lĩnh vực trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương; nâng cao tính chủ động, tích cực của các thành viên Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế tỉnh, các ngành, các cấp trong xây dựng, tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến rõ nét trong từng cơ quan, đơn vị doanh nghiệp.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh phù hợp với thông lệ quốc tế, các cam kết thương mại mà Việt Nam tham gia và các quy định của pháp luật hiện hành.

- Nghiên cứu xây dựng và triển khai thực thi các chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch, đề án về hội nhập kinh tế quốc tế từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đảm bảo nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế để mở rộng thị trường, tranh thủ nguồn vốn, tài sản trí tuệ, công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản lý từ các cường quốc trên thế giới; đồng thời chú trọng nâng cao năng lực hội nhập của tỉnh.

- Triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế,... và cắt giảm thời gian, các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, các thủ tục không cần thiết để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tra cứu và thực thi.

- Tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý tại các Sở, ngành và đơn vị liên quan, doanh nghiệp và người dân tại địa phương về hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung, đặc biệt là cơ hội, thách thức và những yêu cầu cần đáp ứng khi thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tạo sự đồng thuận cao và tham gia hiệu quả vào quá trình hội nhập.

- Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên các lĩnh vực cải cách theo hướng hiện đại hóa trong quản lý, điều hành và phục vụ các cơ quan nhà nước, mở rộng, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giao dịch và giải quyết thủ tục hành chính.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành với với các bộ, ngành, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội doanh nghiệp nhằm ứng phó và xử lý kịp thời, hiệu quả các diễn biến biến bất lợi trong thương mại - đầu tư quốc tế có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

2. Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh

- Thực hiện Chương trình hành động số 131/CTr-UBND ngày 02/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 1663/QĐ-UBND ngày 27/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt đề án “Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch số 136/KH-UBND ngày 22/5/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025.

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, tạo bước chuyển biến đột phá, đi vào thực chất về cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Tập trung giải quyết tốt các vướng mắc khó khăn, tạo môi trường thuận lợi, ổn định cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

- Triển khai các quy định thực hiện mô hình kinh doanh mới, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nâng cao trách nhiệm, vai trò của cơ quan chủ trì và tăng cường sự phối hợp giữa các đoan vị liên quan trong công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển ổn định, hiệu quả.

- Đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó tập trung cải thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại, hạ tầng cửa khẩu, logistics phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa; tăng cường vận động xã hội hóa đầu tư, xúc tiến thu hút các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

- Tập trung triển khai hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, hỗ trợ khuyến khích phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thích ứng với xu thế hội nhập và xu thế phát triển công nghệ số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số.

[...]