Kế hoạch 136/KH-UBND năm 2023 về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025

Số hiệu 136/KH-UBND
Ngày ban hành 22/05/2023
Ngày có hiệu lực 22/05/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Bùi Văn Khắng
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 136/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 22 tháng 5 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH VÀ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày 16/12/2022 của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam; theo đề nghị của Sở Công Thương tại Công văn số 946/SCT-XNK ngày 04/4/2023 và ý kiến thống nhất của các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025 với các nội dung như sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

2. Phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị tăng cao, gắn với dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, gắn với phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin.

3. Phát triển thị trường dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; phù hợp với tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

4. Phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, khu vực hợp tác “hành lang - con đường” giữa Việt Nam và Trung Quốc bao gồm 02 hành lang kinh tế: Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Nam Ninh - Bằng Tường - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực.

5. Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics về số lượng, quy mô, trình độ nhân lực, có năng lực cạnh tranh cao ở thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.

6. Nhà nước đảm nhiệm vai trò hỗ trợ, kiến tạo môi trường thuận lợi cho nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics.

II. MỤC TIÊU

1. Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thực hiện; đồng thời, phân công rõ trách nhiệm, tiến độ thực hiện, đảm bảo sự phối hợp thống nhất giữa các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày 16/12/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 08/02/2023 của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW; Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025; Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg; Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050; Công văn số 2472/VPCP-KTTH ngày 12/4/2023 của Văn phòng Chính phủ về Báo cáo của Bộ Công Thương.

2. Phấn đấu đến năm 2025, hình thành các trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh với tiêu chuẩn cung cấp các dịch vụ 3PL, 4PL, 5PL tại khu vực: Thành phố Hạ Long, huyện Vân Đồn, thành phố Cẩm Phả, thị xã Quảng Yên, cửa khẩu quốc tế Móng Cái (thành phố Móng Cái), cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà), cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu).

(Cụ thể tại Phụ lục I kèm theo Kế hoạch này)

3. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tăng về số lượng, chất lượng, quy mô, trình độ năng lực, có năng lực cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và quốc tế; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp. Doanh nghiệp sản xuất, thương mại quản lý tốt chuỗi cung ứng, tiết kiệm nguyên vật liệu và chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa.

4. Tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả kết nối giữa tỉnh Quảng Ninh với các nước trong khu vực tam giác phát triển, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh khu vực Đồng bằng duyên hải Bắc Bộ.

5. Khuyến khích thành lập các doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh, đông thời hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển dịch vụ logistics theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường trong nước. Nâng cao số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trọn gói (3PL, 4PL, 5PL), ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cao hơn.

6. Triển khai các chính sách, pháp luật của nhà nước về dịch vụ logisitcs trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển của dịch vụ logistics trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

7. Hoàn thiện cơ chế quản lý Nhà nước, bao gồm các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, pháp luật điều chỉnh ngành, bộ máy quản lý nhà nước tương xứng với trình độ phát triển của dịch vụ logistics trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

8. Hình thành các doanh nghiệp dịch vụ logistics có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

9. Ứng dụng các công nghệ mới trong logistics, đào tạo nhân lực chuyên nghiệp, trình độ cao về logistics, góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, tái cấu trúc hoạt động sản xuất, thương mại của doanh nghiệp.

10. Phát triển dịch vụ logistics phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics và phù hợp với các trung tâm logistics, cảng cạn, kho, bãi trong một tổng thể thống nhất.

III. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics

- Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền về các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến dịch vụ logistics; nâng cao hiểu biết của doanh nghiệp về các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến dịch vụ logistics để áp dụng đúng và vận dụng tối ưu hóa ưu đãi từ các cam kết này.

- Xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ tại khu vực cảng biển trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó, chỉ đạo điều hành theo thẩm quyền các dịch vụ logistics phục vụ tốt hoạt động sản xuất, lưu thông hàng trong nước và xuất nhập khẩu.

- Xây dựng Đề án phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh đến năm 2035, tầm nhìn 2045.

[...]