Kế hoạch 235/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 235/KH-UBND
Ngày ban hành 11/12/2021
Ngày có hiệu lực 11/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Đoàn Thu Hà
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 235/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 11 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ SẢN XUẤT VÀ TIÊU DÙNG BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Căn cứ Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nhằm cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả Quyết định số 889/QĐ-TTg, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 45-NQ/TU ngày 01/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển công nghiệp tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

2. Hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng áp dụng các giải pháp, phương thức, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, liên kết bền vững để sử dụng có hiệu quả tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm, đẩy mạnh liên kết trong các khâu từ khai thác tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu đến sản xuất, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ; chú trọng sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì, tái sử dụng và tái chế trong các công đoạn của vòng đời sản phẩm; coi trọng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, cải tiến thiết bị, quy trình quản lý nhằm cải thiện, nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thân thiện môi trường.

3. Triển khai Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững trên cơ sở huy động sự tham gia, đóng góp của mọi thành phần trong xã hội, trong đó cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng đóng vai trò trung tâm.

4. Quán triệt và phổ biến rộng rãi nội dung Chương trình đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững.

II. MỤC TIÊU

1. Giai đoạn 2021 - 2025

- Phấn đấu giảm từ 5 - 8% mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu của các ngành sản xuất, như: khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, hóa chất, chế biến nông, lâm sản và một số ngành sản xuất khác.

- 90% khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

- Xây dựng, áp dụng 01- 02 mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững; phổ biến, nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn, các mô hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

- 100% các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững, có hiệu quả thiết thực.

- 85% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn sinh thái tại các siêu thị, trung tâm thương mại.

2. Giai đoạn đến năm 2030

- Phấn đấu giảm từ 8 - 10% mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu của các ngành sản xuất, như: khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, hóa chất, chế biến nông lâm sản và một số ngành sản xuất khác.

- 100% khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

- Tiếp tục xây dựng, áp dụng các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững; phổ biến, nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn, các mô hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

- 100% các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

- 100% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn sinh thái tại các siêu thị, trung tâm thương mại.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững

- Xây dựng tài liệu, tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, các mô hình, thực hành tốt về sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn tỉnh; kế hoạch, lộ trình hạn chế và tiến tới cấm sử dụng túi ni lông khó phân huỷ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh.

- Tập huấn, phổ biến các nội dung về sản xuất và tiêu dùng bền vững cho đội ngũ quản trị, nhân viên kỹ thuật sản xuất của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung ứng các sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

- Tuyên truyền, giáo dục lồng ghép tổ chức cuộc thi tìm hiểu nội dung về sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả,… trong các trường trung học phổ thông, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức học tập kinh nghiệm về triển khai thực hiện Chương trình tại một số tỉnh, thành phố trong nước, nhất là việc triển khai các mô hình về sản xuất sạch hơn, mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững.

2. Triển khai thực hiện các chính sách về sản xuất và tiêu dùng bền vững

[...]