Kế hoạch 160/KH-UBND thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2022 và giai đoạn 2022-2025 do thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 160/KH-UBND
Ngày ban hành 26/07/2022
Ngày có hiệu lực 26/07/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Văn Hồng
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 160/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 26 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ SẢN XUẤT VÀ TIÊU DÙNG BỀN VỮNG NĂM 2022 VÀ GIAI ĐOẠN 2022-2025

Căn cứ Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030; thực hiện Quyết định số 2495/QĐ-UBND ngày 05 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2030;

Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn thành phố năm 2022 và giai đoạn 2022-2025 như sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm đảm bảo phát triển kinh tế hiệu quả; góp phần bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo và tái cơ cấu nền kinh tế. Các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững được triển khai một cách đồng bộ, tập trung vào các hành động có tính đột phá, đồng thời lồng ghép vào nội dung của các chương trình, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

2. Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm, đẩy mạnh liên kết trong các khâu của vòng đời sản phẩm (từ khai thác tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu đến sản xuất, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ); ứng dụng, đổi mới công nghệ, cải tiến thiết bị, quy trình quản lý nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải và ô nhiễm môi trường; thay đổi hành vi người tiêu dùng trong quá trình mua sắm, sử dụng và thải bỏ sản phẩm; coi trọng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, cải tiến thiết bị, quy trình quản lý nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng sản phẩm được sản xuất trong nước.

3. Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững trên cơ sở huy động sự tham gia, đóng góp của mọi thành phần trong xã hội, trong đó doanh nghiệp và người tiêu dùng đóng vai trò trung tâm.

II. MỤC TIÊU

1. Thực thi, triển khai áp dụng các chính sách pháp luật về sản xuất và tiêu dùng bền vững do cơ quan Trung ương ban hành, cụ thể gồm các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về sản xuất bền vững, thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng cho các ngành sản xuất; các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về nhãn sinh thái; các tiêu chuẩn về nguyên vật liệu, sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm tái chế; xây dựng hoặc áp dụng các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất và tiêu dùng bền vững; các chính sách thúc đẩy sản xuất, phân phối và tiêu dùng các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần; các quy định về mua sắm công xanh.

2. Giảm tiêu hao nguyên nhiên vật liệu của các ngành sản xuất, cụ thể dệt may, thép, nhựa, hóa chất, xi măng, rượu bia nước giải khát, giấy và chế biến thủy hải sản.

3. Phấn đấu 80% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

4. Xây dựng, áp dụng một số mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững; phổ biến, nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn, các mô hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

5. Triển khai khuyến khích các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn sinh thái tại các siêu thị, trung tâm thương mại.

III. KẾ HOẠCH VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ SẢN XUẤT VÀ TIÊU DÙNG BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2022-2025

1. Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2022-2025

Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 2495/QĐ-UBND ngày 05 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể như sau:

1.1. Xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững

a) Góp ý, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các công cụ pháp luật về sản xuất và tiêu dùng bền vững; các quy định về mua sắm công và mở rộng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; thực thi và áp dụng các quy định, tiêu chuẩn, hướng dẫn về nhãn sinh thái gồm nhãn xanh, nhãn năng lượng, nhãn các bon, nhãn tái chế và các nhãn sinh thái khác.

- Đơn vị thực hiện: Sở Công Thương

- Đơn vị phối hợp: Sở Tài chính và các sở, ban ngành; Ủy ban nhân dân quận, huyện.

b) Lồng ghép các nội dung về sản xuất và tiêu dùng bền vững vào trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của thành phố, các ngành và địa phương, các chương trình phát triển bền vững, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và xóa đói giảm nghèo.

- Đơn vị thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Đơn vị phối hợp: Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ và các sở, ban ngành; Ủy ban nhân dân quận, huyện.

c) Triển khai thực hiện chính sách thúc đẩy hoạt động mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái (mua sắm công xanh); ban hành danh mục các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường ưu tiên trong mua sắm công.

- Đơn vị thực hiện: Sở Tài chính

- Đơn vị phối hợp: các sở, ban ngành; Ủy ban nhân dân quận, huyện.

1.2. Quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển nhiên liệu, nguyên vật liệu có thể tái tạo, tái sinh

[...]