ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 235/KH-UBND
|
Kon Tum, ngày 21
tháng 01 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
BIÊN SOẠN VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NỘI DUNG GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG TỈNH
KON TUM TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
Căn cứ Thông tư số
32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc
ban hành Chương trình giáo dục phổ thông (sau đây gọi là Chương trình giáo dục
phổ thông).
Căn cứ Công văn 1106/BGDĐT-GDTrH
ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc biên soạn và tổ chức
thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông;
Công văn 3536/BGDĐT-GDTH ngày 19 tháng 8 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về
việc biên soạn, thẩm định nội dung giáo dục địa phương cấp tiểu học trong
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tổ chức thực hiện từ năm 2020-2021.
Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum
ban hành Kế hoạch biên soạn và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong
Chương trình giáo dục phổ thông như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Trang bị cho học sinh những
hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng
nghiệp của địa phương Kon Tum. Từ đó, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê
hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những
giá trị văn hóa của cộng đồng dân cư các dân tộc tại địa phương;
- Góp phần hình thành các năng
lực, phẩm chất cần có của học sinh như: năng lực tự chủ và tự học, năng lực
giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; các phẩm chất yêu
nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Bên cạnh đó, phát triển cho học
sinh năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động,
năng lực định hướng nghề nghiệp; năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội; biết vận
dụng kiến thức vào thực tiễn, ứng xử với tự nhiên phù hợp yêu cầu phát triển bền
vững và bảo vệ môi trường;
- Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm
vụ, nội dung giảng dạy trong Chương trình giáo dục phổ thông mới được qui định
tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào
tạo về Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới.
2. Yêu cầu
- Tuân thủ các quy định của pháp
luật về tổ chức biên soạn và thẩm định sách giáo khoa. Các thuật ngữ được giải
thích rõ ràng; thể thức, kỹ thuật trình bày bảo đảm theo quy định hiện hành;
- Tài liệu giáo dục địa phương
được biên soạn, ban hành và tổ chức thực hiện đảm bảo thống nhất trong toàn cấp
học; không có sự trùng lặp về nội dung giữa các cấp học; có tính mở để giáo
viên áp dụng phù hợp tại mỗi địa phương trong tỉnh;
- Nội dung kiến thức, kỹ năng của
Tài liệu giáo dục địa phương phải thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, năng lực nhận
thức, đồng thời phát triển được phẩm chất, năng lực của học sinh từng cấp học;
- Vận dụng được các phương
pháp, hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát huy tính tích cực, chủ động,
sáng tạo, năng lực tự học, tự nghiên cứu, vận dụng kiến thức vào thực tiễn của
học sinh;
- Vận dụng được các phương
pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nội dung giáo dục địa
phương theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Đánh giá,
xếp loại học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
II. NỘI DUNG
THỰC HIỆN
1. Biên soạn, thẩm định và
phê duyệt tài liệu
1.1. Biên soạn, thẩm định
chương trình, tài liệu giáo dục địa phương
- Ban biên soạn và Hội đồng thẩm
định được vận dụng theo Thông tư số 14/2017/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 6 năm 2017 của
Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh
sửa chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định
quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông;
- Sở Giáo dục và Đào tạo quyết
định thành lập Ban biên soạn và Hội đồng thẩm định chương trình, tài liệu giáo
dục địa phương cấp tiểu học. Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Ban biên
soạn và Hội đồng thẩm định chương trình, tài liệu giáo dục địa phương cấp trung
học cơ sở và trung học phổ thông.
1.2. Phê duyệt tài liệu
- Đối với tài liệu giáo dục địa
phương cấp tiểu học, Sở Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê
duyệt;
- Đối với tài liệu giáo dục địa
phương cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, Ủy ban nhân dân tỉnh
trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
2. Chương trình giáo dục địa
phương các cấp học
2.1. Thời lượng quy định
cho chương trình giáo dục địa phương các cấp học
- Đối với cấp tiểu học: Thực hiện
tích hợp trong Hoạt động trải nghiệm từ lớp 1 đến lớp 5 (không phân bổ tiết học
riêng);
- Đối với cấp trung học cơ sở
và trung học phổ thông: Xây dựng tài liệu với 35 tiết/khối lớp/năm học, mỗi tiết
học 45 phút, thực hiện giảng dạy từ lớp 6 đến lớp 12.
2.2. Nội dung giáo dục địa
phương
- Đối với cấp tiểu học: Thực hiện
theo hướng dẫn tại Công văn 3536/BGDĐT-GDTH ngày 19 tháng 8 năm 2019 của Bộ
Giáo dục và Đào tạo về việc biên soạn, thẩm định nội dung giáo dục địa phương cấp
tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tổ chức thực hiện từ năm
2020-2021;
- Đối với cấp trung học cơ sở
và trung học phổ thông: Thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn 1106/BGDĐT-GDTrH
ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc biên soạn và tổ chức
thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông.
3. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn
cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên
Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán
bộ quản lý giáo dục và giáo viên về nội dung, hình thức, phương pháp, kỹ thuật
dạy học trong thực hiện nội dung giáo dục địa phương; xây dựng kế hoạch dạy học
theo hướng tăng cường phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh
thông qua thiết kế kế hoạch dạy học để thực hiện trong và ngoài lớp học.
III. LỘ
TRÌNH THỰC HIỆN
1. Đối với cấp tiểu học
1.1. Giai đoạn 1: Từ
tháng 01 năm 2020 đến tháng 8 năm 2020
1.1.1. Từ tháng 01 năm 2020
đến tháng 02 năm 2020
- Thành lập Ban Biên soạn tài
liệu giáo dục địa phương (GDĐP) cấp tiểu học và tổ chức tập huấn công tác biên
soạn tài liệu GDĐP cấp tiểu học;
- Hoàn thành xây dựng tiêu chuẩn,
quy trình biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa tài liệu về nội dung GDĐP cấp tiểu học.
1.1.2. Từ tháng 3 năm 2020 đến
tháng 4 năm 2020
- Khảo sát, thu thập tài liệu
và xây dựng đề cương chi tiết tài liệu GDĐP lớp 1;
- Tổ chức hội thảo về đề cương
chi tiết tài liệu GDĐP lớp 1;
- Thành lập Hội đồng thẩm định
tài liệu GDĐP cấp tiểu học;
- Thẩm định đề cương chi tiết
tài liệu GDĐP lớp 1;
- Tổ chức biên soạn tài liệu
GDĐP lớp 1;
- Tổ chức dạy thực nghiệm
chương trình GDĐP lớp 1.
1.1.3. Tháng 5 năm 2020 đến
tháng 6 năm 2020
- Đánh giá, rút kinh nghiệm, bổ
sung, chỉnh sửa và hoàn thiện tài liệu GDĐP lớp 1;
- Thẩm định tài liệu giáo dục địa
phương đối với lớp 1 và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;
- Hoàn thành công tác xuất bản
tài liệu GDĐP lớp 1.
1.1.4. Từ tháng 7 năm 2020 đến
tháng 8 năm 2020
Tập huấn cho cán bộ quản lý
giáo dục và giáo viên để triển khai thực hiện tài liệu GDĐP lớp 1 từ năm học
2020 - 2021 theo lộ trình qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
1.2. Giai đoạn 2: Từ
tháng 9 năm 2020 đến tháng 8 năm 2022
1.2.1. Từ tháng 9 năm 2020 đến
tháng 12 năm 2020
- Tổ chức đánh giá, rút kinh
nghiệm công tác biên soạn tài liệu GDĐP lớp 1;
- Khảo sát, thu thập tài liệu
và xây dựng đề cương chi tiết tài liệu GDĐP lớp 2, lớp 3;
- Tổ chức hội thảo về đề cương
chi tiết tài liệu GDĐP lớp 2, lớp 3.
1.2.2. Từ tháng 01 năm 2021
đến tháng 8 năm 2021
- Thẩm định đề cương chi tiết
tài liệu GDĐP lớp 2, lớp 3; tổ chức biên soạn tài liệu GDĐP lớp 2, lớp 3; tổ chức
dạy thực nghiệm chương trình GDĐP lớp 2, lớp 3; đánh giá, rút kinh nghiệm, bổ
sung, chỉnh sửa và hoàn thiện tài liệu GDĐP lớp 2, lớp 3;
- Hoàn thành thẩm định bộ tài
liệu giáo dục địa phương đối với lớp 2, lớp 3 và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê
duyệt;
- Hoàn thành công tác xuất bản
tài liệu GDĐP lớp 2, lớp 3; tập huấn cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên để
triển khai thực hiện theo lộ trình qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
1.2.3. Từ tháng 9 năm 2021 đến
tháng 8 năm 2022
- Tổ chức đánh giá, rút kinh
nghiệm công tác biên soạn tài liệu GDĐP lớp 2, lớp 3;
- Tổ chức biên soạn tài liệu
GDĐP lớp 4 và lớp 5; thẩm định, phê duyệt, hoàn thành công tác xuất bản tài liệu
GDĐP lớp 4, lớp 5; tập huấn cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên để triển
khai thực hiện theo lộ trình qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Đối với cấp trung học cơ
sở và cấp trung học phổ thông
2.1. Giai đoạn 1: Từ
tháng 01 năm 2020 đến tháng 8 năm 2021
2.1.1. Từ tháng 01 năm 2020
đến tháng 5 năm 2020
- Thành lập Ban Biên soạn tài
liệu GDĐP cấp THCS, THPT và tổ chức tập huấn công tác biên soạn tài liệu GDĐP cấp
THCS, THPT;
- Hoàn thành xây dựng tiêu chuẩn,
quy trình biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa tài liệu về nội dung giáo dục địa
phương cấp THCS và THPT.
2.1.2. Từ tháng 6 năm 2020 đến
tháng 10 năm 2020
- Khảo sát, thu thập tài liệu
và xây dựng đề cương chi tiết tài liệu GDĐP lớp 6;
- Tổ chức hội thảo về đề cương
chi tiết tài liệu GDĐP lớp 6;
- Thành lập Hội đồng thẩm định
tài liệu GDĐP cấp THCS, THPT;
- Thẩm định đề cương chi tiết
tài liệu GDĐP lớp 6;
- Tổ chức biên soạn tài liệu
GDĐP lớp 6;
- Tổ chức dạy thực nghiệm
chương trình GDĐP lớp 6.
2.1.3. Tháng 12 năm 2020 đến
tháng 3 năm 2021
- Đánh giá, rút kinh nghiệm, bổ
sung, chỉnh sửa và hoàn thiện tài liệu GDĐP lớp 6;
- Thẩm định tài liệu giáo dục địa
phương đối với lớp 6 và trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
2.1.4. Từ tháng 4 năm 2021 đến
tháng 8 năm 2021
- Hoàn thành công tác xuất bản
tài liệu GDĐP lớp 6;
- Tập huấn cho cán bộ quản lý
giáo dục và giáo viên để triển khai thực hiện tài liệu GDĐP lớp 6 từ năm học
2021 - 2022 theo lộ trình qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Tổ chức đánh giá, rút kinh
nghiệm công tác biên soạn tài liệu GDĐP lớp 6.
2.2. Giai đoạn 2: Từ
tháng 9 năm 2021 đến tháng 8 năm 2022
- Khảo sát, thu thập tài liệu
và xây dựng đề cương chi tiết tài liệu GDĐP lớp 7, lớp 8, lớp 9, lớp 10, lớp 11
và lớp 12.
- Tổ chức hội thảo về đề cương
chi tiết tài liệu GDĐP lớp 7, lớp 8, lớp 9, lớp 10, lớp 11 và lớp 12;
- Thẩm định đề cương chi tiết
tài liệu GDĐP lớp 7, lớp 8, lớp 9, lớp 10, lớp 11 và lớp 12; tổ chức biên soạn
tài liệu GDĐP lớp 7, lớp 8, lớp 9, lớp 10, lớp 11 và lớp 12; tổ chức dạy thực
nghiệm chương trình GDĐP lớp 7, lớp 8, lớp 9, lớp 10, lớp 11 và lớp 12; đánh
giá, rút kinh nghiệm, bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện tài liệu GDĐP lớp 7, lớp
8, lớp 9, lớp 10, lớp 11 và lớp 12;
- Hoàn thành thẩm định bộ tài
liệu giáo dục địa phương đối với lớp 7, lớp 8, lớp 9, lớp 10, lớp 11 và lớp 12,
trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt;
- Hoàn thành công tác xuất bản
tài liệu GDĐP lớp 7, lớp 8, lớp 9, lớp 10, lớp 11 và lớp 12; tập huấn cho cán bộ
quản lý giáo dục và giáo viên để triển khai thực hiện theo lộ trình qui định của
Bộ Giáo dục và Đào tạo.
IV. KINH PHÍ
THỰC HIỆN
Ngân sách nhà nước của tỉnh bảo
đảm cho việc biên soạn, triển khai nội dung giáo dục địa phương theo qui định
hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
V. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì biên soạn tài liệu
giáo dục địa phương cấp tiểu học, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trước
khi triển khai giảng dạy theo lộ trình quy định;
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các Quyết định
thành lập Ban biên soạn và Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục địa phương cấp
THCS, THPT; chủ trì, phối hợp Ban biên soạn và Hội đồng thẩm định xây dựng tiêu
chuẩn, quy trình biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa tài liệu về nội dung giáo dục
địa phương cấp THCS, THPT; hoàn thành các loại hồ sơ theo quy định để Ủy ban
nhân dân tỉnh trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tài liệu giáo dục địa
phương cấp THCS, THPT;
- Chủ trì tổ chức triển khai
biên soạn và chỉ đạo về chuyên môn, chỉ đạo thực hiện trong các cơ sở giáo dục,
theo dõi tiến độ thực hiện; đề xuất, kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh,
bổ sung Kế hoạch trong trường hợp cần;
- Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan liên quan lập dự toán kinh phí về công tác biên soạn, thẩm định, tập huấn,
hội thảo, xuất bản và triển khai nội dung giáo dục địa phương (trước ngày 15
tháng 4 năm 2020), gửi Sở Tài chính xem xét, tổng hợp trình Ủy ban nhân dân
tỉnh phê duyệt;
- Chủ trì tổ chức tập huấn, hướng
dẫn cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên về nội dung, hình thức, phương pháp, kỹ
thuật dạy học nội dung giáo dục địa phương;
- Tổ chức kiểm tra, đánh giá
rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện nội dung giáo dục địa phương; hàng
năm (khi kết thúc năm học) báo cáo tình hình thực hiện giáo dục địa phương về Bộ
Giáo dục và Đào tạo.
2. Sở Tài chính: Phối hợp
với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng phương án phân bổ dự toán kinh phí biên soạn,
thẩm định tài liệu giáo dục của địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí
kinh phí theo nguồn ngân sách (ngân sách địa phương, ngân sách lồng ghép trong
các chương trình đề án và các nguồn kinh phí khác) để thực hiện.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối
hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong công tác biên soạn tài liệu giáo dục địa
phương, đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh,
các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
4. Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch: Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong công tác biên soạn tài
liệu giáo dục địa phương về định hướng phát triển ngành Văn hóa của tỉnh; các nội
dung về lễ hội truyền thống; các loại hình nghệ thuật truyền thống; phong tục tập
quán địa phương; xây dựng nếp sống văn minh; danh nhân văn hóa; di tích lịch sử;
bảo tàng; tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong công tác biên soạn tài liệu giáo dục
địa phương về các nội dung liên quan đến địa lý tự nhiên; địa lý kinh tế - xã hội;
các vấn đề về bảo vệ môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
6. Sở Công Thương: Phối
hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong công tác biên soạn tài liệu giáo dục địa
phương về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ của
tỉnh.
7. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn: Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong công tác biên soạn
tài liệu giáo dục địa phương về tiềm năng, thế mạnh phát triển nông nghiệp, lâm
nghiệp; các làng nghề, sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp truyền thống.
8. Sở Thông tin và truyền
thông: Hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh xây dựng
tin, bài, phóng sự chuyên đề về nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình
giáo dục phổ thông năm 2018.
9. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố: Cung cấp cho Ban Biên soạn tài liệu về văn hóa, lịch sử, truyền
thống, kinh tế - chính trị - xã hội, môi trường của địa phương phục vụ công tác
biên soạn chương trình, nội dung giáo dục địa phương khi được yêu cầu.
10. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh
ủy: Cung cấp cho Ban Biên soạn các tài liệu liên quan đến lịch sử phát triển
của Đảng bộ tỉnh, các vấn đề giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống; tham gia Hội
đồng thẩm định tài liệu giáo dục địa phương.
Căn cứ nội dung Kế hoạch, các
đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi, đôn đốc
việc thực hiện; tổng hợp tình hình, báo cáo theo quy định./.
Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, liên quan;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Kon Tum, Đài Phát thanh và Truyền tỉnh;
- CVP, PCVP phụ tráchKGVX;
- Lưu VT, KGVX3.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hữu Tháp
|