Kế hoạch 2336/KH-UBND năm 2021 triển khai các hoạt động trọng tâm công tác Y tế dự phòng và Dân số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 2336/KH-UBND
Ngày ban hành 23/04/2021
Ngày có hiệu lực 23/04/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Trần Văn Tân
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2336/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 23 tháng 4 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM CÔNG TÁC Y TẾ DỰ PHÒNG VÀ DÂN SỐ TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Nhằm duy trì các thành quả đạt được, tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Kế hoạch số 138-KH/TU ngày 27/02/2018 của Tỉnh ủy; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động trọng tâm công tác Y tế dự phòng và Dân số giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh với các nội dung cụ thể như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU Y TẾ - DÂN SỐ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Các hoạt động của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, góp phần hoàn thành mục tiêu công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác dân số trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống mạng lưới Y tế dự phòng, Dân số được củng cố, phát triển rộng khắp từ tỉnh, huyện, xã đến thôn, bản.

Một số dịch bệnh nguy hiểm (sốt xuất huyết, bạch hầu…) được phát hiện sớm, điều trị, khống chế và ngăn chặn kịp thời, nhất là ngăn chặn, kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Duy trì được tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đầy đủ cho trẻ em dưới 01 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đạt trên 90 - 95% hằng năm. Đã thanh toán được bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và duy trì được đến nay.

Khống chế tỷ lệ chết do mắc sốt xuất huyết dưới 0,08%; khống chế tỉ lệ mắc sốt rét dưới 0,05/1000 dân, không có trường hợp tử vong do sốt rét; thanh toán bệnh phong quy mô cấp huyện đạt 11/13 huyện (đạt 84,6%), giảm mắc mới bệnh nhân phong dưới 0,02/100.000 dân, 100% bệnh nhân phong dị hình tàn tật được chăm sóc; số ca mắc mới và tử vong do HIV/AIDS giảm dần hằng năm, hiện còn 427 người nhiễm HIV còn sống, tỷ lệ mắc HIV trong cộng đồng dưới 0,1%; triển khai được 01 cơ sở điều trị nghiện ma túy và 05 cơ sở cấp phát thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh (số lượng người nghiện ma túy đang được điều trị là 509); tỷ lệ mắc lao từ 109/100.000 dân (năm 2016), giảm còn 92/100.000 dân (năm 2020).

Dự phòng và kiểm soát một số bệnh không lây nhiễm: trên toàn tỉnh đã khám phát hiện, quản lý 1.599 bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và 994 bệnh nhân hen phế quản; quản lý 3.797 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 3.653 bệnh nhân động kinh, 114 người mắc trầm cảm và 704 trường hợp rối loạn tâm thần khác. Quản lý, điều trị và phục hồi chức năng tại cộng đồng cho bệnh nhân tâm thần đạt trên 90%. Bước đầu triển khai quản lý, theo dõi điều trị các bệnh tăng huyết áp, đái đường, tiến tới quản lý thường quy thông qua hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử. Đến nay, quản lý điều trị 49.920 người mắc bệnh tăng huyết áp, chiếm 7,4% tổng số người trên 40 tuổi cần tầm soát bệnh (49.920/670.631); 27.260 người mắc bệnh đái đường, chiếm 4% tổng số người từ 30 - 69 tuổi cần tầm soát bệnh (27.260/637.829). Phòng, chống rối loạn do thiếu I ốt ở học sinh được quan tâm. Tuy nhiên, chương trình sàng lọc bệnh này cho học sinh còn hạn chế.

Công tác an toàn thực phẩm (ATTP) được tập trung, công tác thanh tra kiểm tra, giám sát mối nguy thực phẩm được tăng cường nên hạn chế các bệnh lây qua thực phẩm và các vụ ngộ độc nhiều người; đã giám sát ATTP phục vụ các lễ hội, sự kiện lớn trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường triển khai khám sức khỏe cho học sinh, phát hiện, tư vấn chăm sóc điều trị bệnh tật học đường, tư vấn dinh dưỡng trẻ em; xổ giun định kỳ cho học sinh vùng nguy cơ cao 2 lần/năm đạt trên 85%.

Các chỉ số sức khỏe cơ bản về chất lượng dân số được cải thiện như tuổi thọ trung bình từ 72,7 (năm 2016) tăng lên 73,1 (năm 2020); tỷ số giới tính khi sinh ở mức ổn định (107 bé trai/100 bé gái); tỷ suất tử vong trẻ em dưới 01 tuổi giảm từ 16,3‰ (năm 2016) xuống còn 15,5‰ (năm 2020); tỷ suất tử vong mẹ giữ ở mức dưới 20/100.000 ca đẻ sống (toàn quốc là 53/100.000 ca đẻ sống); giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 05 tuổi từ 14,1% (năm 2016) xuống còn 10% (năm 2020); suy dinh dưỡng thể thấp còi từ 24,6% (năm 2016) xuống còn 22% (năm 2020). Ngoài ra, công tác khám sàng lọc trước sinh và sau sinh được quan tâm triển khai, phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh để tư vấn biện pháp chăm sóc thích hợp, phát hiện một số bệnh di truyền để điều trị sớm (như thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh…), hạn chế gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Công tác đảm bảo an toàn truyền máu và phòng, chống một số bệnh lý huyết học đã được chú trọng; triển khai duy trì thành lập ngân hàng máu sống tại các cơ sở y tế; phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các cấp tuyên truyền vận động hiến máu cứu người, đáp ứng nguồn máu dự trữ cho các bệnh viện trên địa bàn tỉnh; tập huấn nâng cao kiến thức về an toàn truyền máu cho cán bộ y tế. Trong 5 năm qua, thực hiện tiếp nhận được 64.295 đơn vị máu so với kế hoạch (67.200), đạt 91%.

Công tác quân dân y kết hợp được tập trung, công tác khám bệnh, chữa bệnh miễn phí cho người dân tại các xã vùng biên giới đất liền, xã đảo đã tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng biên giới, biển đảo.

Hệ thống tổ chức mạng lưới truyền thông được thiết lập và tổ chức hoạt động từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng và đào tạo được đội ngũ giảng viên, truyền thông viên cơ động nhằm thực hiện kịp thời nhu cầu truyền thông của cộng đồng. Tập trung tuyên truyền, giáo dục, vận động thực hiện các chủ trương, chính sách về y tế, bảo hiểm y tế, phòng, chống dịch bệnh, các nội dung phòng, chống bệnh tật của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, Chương trình sức khỏe Việt Nam, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu chất thải nhựa... tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh, tự chăm lo sức khỏe, phòng, chống bệnh tật, bảo vệ môi trường.

Hệ thống giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020 của tuyến tỉnh, huyện được thiết lập, duy trì hoạt động giám sát, tổ chức đánh giá Chương trình hằng năm.

Giai đoạn 2016 - 2020, nguồn kinh phí Trung ương và địa phương đã phân bổ theo Kế hoạch được duyệt với tổng kinh phí là 119,488 triệu đồng. Tỉ lệ giải ngân đạt 92,3%. Trung bình kinh phí hoạt động Chương trình mỗi năm là 23.898 triệu đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020 còn một số hạn chế: một số chỉ tiêu chưa đạt theo Kế hoạch đề ra như: tỉ lệ xã triển khai quản lý bệnh trầm cảm chỉ đạt 13,5% (Kế hoạch đề ra 20%); tỉ lệ học sinh được khám phát hiện bệnh tật học đường đạt thấp 52% (Kế hoạch đề ra 90%); tỉ lệ khám sàng lọc các bệnh không lây nhiễm còn thấp; độ bao phủ các nội dung của từng hoạt động/dự án rất thấp…

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

1. Căn cứ pháp lý

- Nghị Quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

- Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;

- Nghị quyết số 137-NQ/CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;

- Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

- Nghị định số 118/2018/NQ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về công tác kết hợp quân dân y;

- Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 27/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030;

- Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

[...]