Kế hoạch 23/KH-UBND năm 2014 thực hiện Chiến lược Quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Hà Giang

Số hiệu 23/KH-UBND
Ngày ban hành 12/02/2014
Ngày có hiệu lực 12/02/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Đàm Văn Bông
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/KH-UBND

Hà Giang, ngày 12 tháng 02 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN GIAI ĐOẠN 2014 - 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030, TỈNH HÀ GIANG

Thực hiện Quyết định số 122/QĐ-TTg, ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược Quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XV của tỉnh Đảng bộ Hà Giang nhiệm kỳ 2010 - 2015;

UBND tỉnh Hà Giang, xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Hà Giang với nội dung cụ thể sau:

Phần I

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH BẢO VỆ, CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN GIAI ĐOẠN 2001 - 2010 VÀ ĐẾN NĂM 2013, TỈNH HÀ GIANG

Trong hơn 10 năm thực hiện Kế hoạch bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2001 - 2010 của tỉnh Hà Giang đã đạt được khá nhiều thành tựu quan trọng. Phần lớn các chỉ tiêu Tổng quát về sức khoẻ đã có phần cải thiện một cách đáng kể; Các bệnh dịch nguy hiểm đã được phát hiện kịp thời, khống chế, đẩy lùi và không để lan rộng; Từng bước hạn chế được sự xuống cấp các cơ sở y tế, cải thiện được phần lớn tình trạng thiếu hụt giường bệnh; Nhiều kỹ thuật, công nghệ mới, hiện đại đã được ứng dụng thành công; Chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao; Chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT) đã được thực hiện tốt hơn. Mức độ thụ hưởng các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe của nhân dân đã tăng lên rõ rệt.

I. TÌNH TRẠNG SỨC KHỎE NHÂN DÂN

Tuổi thọ trung bình của người dân tỉnh Hà Giang đã tăng lên đáng kể, ước đạt 72,6 tuổi (Nam đạt 69,7 tuổi, nữ đạt 75,6 tuổi). Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi cũng giảm xuống còn 18,9‰ (Năm 2013); Tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi còn 22,9‰ (Năm 2013). về tỷ số chết mẹ giảm xuống còn 44,6/100000 trẻ đẻ sống (Năm 2013). Tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em dưới 5 tuổi (Cân nặng theo tuổi) giảm tương đối bền vững qua các năm, từ 40,6% (Năm 2001) xuống còn 23,5% (năm 2013).

Tỷ lệ mắc một số bệnh truyền nhiễm có giảm, nhưng một số bệnh lây nhiễm đang có nguy cơ quay trở lại; Tỷ lệ mắc các bệnh không lây xuất hiện và có xu hướng gia tăng; Tai nạn, chấn thương, ngộ độc có diễn biến hết sức phức tạp; Xuất hiện một số dịch bệnh mới, bệnh lạ có diễn biến khó lường. Những nhóm bệnh có gánh nặng bệnh tật thường gặp hiện nay gồm bệnh tim mạch, chấn thương, thần kinh, tâm thần... Sự gia tăng của những bệnh không lây nhiễm làm gia tăng nhanh chóng các chi phí khám chữa bệnh (KCB). Đây là thách thức lớn đối với hệ thống y tế của tỉnh trong thời gian tới, đòi hỏi phải có những điều chỉnh phù hợp nhằm nỗ lực phòng các bệnh này và tổ chức cung ứng dịch vụ y tế.

II. KẾT QUẢ CUNG ỨNG DỊCH VỤ Y TẾ

Mạng lưới y tế dự phòng (YTDP) thường xuyên được củng cố và kiện toàn. Các hoạt động được tăng cường, phát hiện và giám sát, xử lý kịp thời, đáp ứng với các vấn đề sức khỏe liên quan đến thiên tai, thảm họa... Các chỉ tiêu về YTDP đều đã đạt được. Cơ sở hạ tầng, nhân lực, phương tiện, ngân sách cho YTDP đã được tăng cường,

Mạng lưới khám chữa bệnh (KCB) được mở rộng và củng cố, số giường bệnh viện năm 2013 đạt mức 28,36 giường/10.000 dân. Các cơ sở y tế dần được củng cố về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đào tạo... để cung cấp dịch vụ KCB ngày càng đa dạng và chất lượng. Số lượt người KCB tại các cơ sở y tế đạt > 1,2 lần/người/năm. Nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được triển khai. Đến hết năm 2013, sau hơn 3 năm thực hiện Đề án 1816, cơ bản giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến tỉnh.

Mạng lưới cơ sở cung ứng dịch vụ Y dược học cổ truyền (YDHCT) đã được củng cố và kiện toàn. Năm 2013, tỷ lệ người bệnh khám chữa bệnh y học cổ truyền (YHCT) ở các tuyến là 14,7%; Tỷ lệ điều trị nội trú bằng YHCT hoặc kết hợp YHCT với y học hiện đại là 21,26%, tỷ lệ điều trị ngoại trú bằng YHCT là 25,5%. UBND tỉnh chỉ đạo Ngành Y tế tổ chức mở rộng cung cấp dịch vụ Phục hồi chức năng (PHCN) cho người bệnh.

Nhận thức, thái độ, hành vi về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) và Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) của nhân dân đã có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên giảm xuống còn 1,7%; Tỷ suất sinh thô giảm còn 23,1‰ (Năm 2013); Tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm còn 17,48% (Năm 2013); Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai 68,61% (Năm 2013). Dịch vụ làm mẹ an toàn được thực hiện rộng rãi, số trường hợp phá thai giảm, dịch vụ phá thai an toàn dần mở rộng.

III. NHÂN LỰC Y TẾ

Từ 2001, Ngành Y tế đã triển khai đồng bộ và thực hiện các hoạt động phát triển nguồn nhân lực y tế, số lượng cán bộ y tế đã tăng lên đáng kể (Bác sỹ 503 người, Dược sỹ Đại học 49 người). Hàng năm, Trường Trung cấp Y tế tuyển sinh và đào tạo từ 600 - 800 học viên (Trình độ trung cấp) đồng thời kết hợp với các Trường Đại học để đào tạo hệ Cử nhân (Điều dưỡng) và sau Đại học (Y tế công cộng) nhằm bổ sung nguồn lực cho tỉnh.

Chất lượng nhân lực y tế đã được cải thiện đáng kể. Nhiều loại hình cán bộ y tế mới được bổ sung. Nhiều cán bộ được đào tạo nâng cao trình độ ở bậc sau Đại học. Công tác đào tạo và đào tạo liên tục đối với cán bộ y tế được triển khai với nhiều loại hình đa dạng. Đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật được tăng cường, thực hiện được nhiều kỹ thuật hiện đại... Hệ thống y tế tư nhân đang từng bước phát triển nên tạo một sức ép khá lớn về nhu cầu cán bộ y tế.

IV. THÔNG TIN, QUẢN TRỊ VÀ TÀI CHÍNH Y TẾ

Ngành Y tế Hà Giang chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành sử dụng nhiều kênh thu thập thông tin nhằm thu thập và cung cấp số liệu phong phú cho hệ thống thông tin y tế gồm báo cáo đột xuất, định kỳ, điều tra hộ gia đình, báo cáo hành chính... triển khai các giải pháp công nghệ thông tin, nhằm tăng cường chất lượng và hiệu quả quản lý số liệu.

Việc thực hiện Nghị định 43/2005/NB-CP về cơ chế tự chủ bước đầu đã tạo điều kiện để phát triển và tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ sở y tế công lập. Hoạt động chỉ đạo tuyến của y tế tuyến trên đối với y tế tuyến dưới được duy trì. Hội đồng bệnh nhân trong các bệnh viện có vai trò tích cực về giám sát chất lượng dịch vụ y tế.

Tốc độ tăng chi y tế bình quân hằng năm đạt khoảng 9,8% và việc sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư nâng cấp các cơ sở y tế. Tỷ lệ bao phủ BHYT trong dân số được tăng lên, đến năm 2013 trên địa bàn tỉnh Hà Giang tỷ lệ dân số tham gia BHYT là 95,05%- Chính sách hỗ trợ người nghèo và các nhóm dễ tổn thương trong KCB đã có những bước tiến mới.

V. DƯỢC, TRANG THIẾT BỊ VÀ CÔNG NGHỆ Y TẾ

Người dân trong tỉnh được tiếp cận với thuốc cơ bản tốt do mạng lưới phân phối thuốc được phân bố hầu hết trên địa bàn toàn tỉnh. Các cơ sở y tế có đủ thuốc theo phân tuyến kỹ thuật. UBND tỉnh đã chỉ đạo Ngành Y tế tăng cường thực hiện quản lý đấu thầu, dự trữ thuốc, khuyến khích phát triển sử dụng thuốc dân gian, thuốc YHCT, nghiêm cấm mọi hình thức để tác động tới thầy thuốc và người dùng nhằm thúc đẩy việc kê đơn, sử dụng thuốc... Phong trào hiến máu nhân đạo từng bước được mở rộng, tỷ lệ máu từ nguồn hiến máu được sàng lọc theo quy chế truyền máu tăng theo thời gian.

Trang thiết bị y tế đã được đầu tư nâng cấp đáng kể, nhiều cơ sở y tế công lập đã huy động được các nguồn tài chính khá lớn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế để triển khai các kỹ thuật cao.

VI. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU Y TẾ (phụ lục 1)

VII. HẠN CHẾ, YẾU KÉM VÀ NGUYÊN NHÂN

[...]