Kế hoạch 2269/KH-UBND năm 2022 triển khai thực hiện Nghị quyết 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 do tỉnh Phú Thọ ban hành

Số hiệu 2269/KH-UBND
Ngày ban hành 17/06/2022
Ngày có hiệu lực 17/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Nguyễn Thanh Hải
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2269/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 17 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 48/NQ-CP NGÀY 05 THÁNG 4 NĂM 2022 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG VÀ CHỐNG ÙN TẮC GIAO THÔNG GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Kết luận số 45-KL/TW ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông;

Căn cứ Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Căn cứ Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025.

Theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 1074/TTr-SGTVT ngày 30 tháng 5 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025, nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh;

- Lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự an toàn giao thông vào quy hoạch tỉnh, các quy hoạch, kế hoạch chuyên ngành (quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về giao thông vận tải…);

- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đi đôi với làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, duy tu, bảo trì, sửa chữa hệ thống hạ tầng giao thông hiện có, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn;

- Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là: xe quá khổ, quá tải, thay đổi kết cấu phương tiện, cơi nới thùng hàng, vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, đua xe trái phép, giao xe cho người không đủ điều kiện (nhất là trẻ em chưa đủ tuổi theo quy định)...;

- Xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy; góp phần phấn đấu giảm tai nạn giao thông mỗi năm từ 5% - 10% trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương), hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2020; không để ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, đầu mối giao thông trọng điểm, khu vực đô thị;

- Áp dụng các thành tựu khoa học kĩ thuật tiên tiến, đẩy mạnh triển khai các đề án, dự án áp dụng công nghệ thông minh trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc, tiến tới xây dựng hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện và thân thiện với môi trường.

- Kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật đối với tổ chức, cá nhân xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải và người tham gia giao thông. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số đối với mọi tầng lớp nhân dân, trọng tâm là đối tượng thanh, thiếu niên; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp…;

- Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông; tập huấn kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông.

2. Yêu cầu

- Thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nội dung đã đề ra trong Nghị quyết số 48/NQ- CP ngày 05 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025 (sau đây gọi là Nghị quyết số 48/NQ-CP);

- Xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trước hết là của các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng và của người tham gia giao thông;

- Tiếp tục rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động Ban An toàn giao thông cấp tỉnh, cấp huyện; nhất là nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban An toàn giao thông nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới;

- Ban An toàn giao thông tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể từng nhiệm vụ, từng hoạt động, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị;

- Phổ biến, quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể nhân dân; gắn trách nhiệm người đứng đầu của cơ quan, đơn vị với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2022 và xuyên suốt trong toàn bộ thời gian thực hiện Kế hoạch;

- Kịp thời chỉ đạo triển khai đầy đủ các quy định, chủ trương của Trung ương về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; bảo đảm phù hợp tình hình thực tế, kịp thời áp dụng hiệu quả các thành tựu khoa học kỹ thuật vào thực tiễn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, có sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo theo quy định; đặc biệt là Kế hoạch số 1985/KH-UBND ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh;

[...]