Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2020 về tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Số hiệu 10/CT-UBND
Ngày ban hành 01/10/2020
Ngày có hiệu lực 01/10/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Bùi Văn Quang
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Phú Thọ, ngày 01 tháng 10 năm 2020

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong những năm qua, được sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan Trung ương, sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nên kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư khá đồng bộ; công tác quản lý ngày càng nền nếp, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều tuyến đường giao thông bị hư hỏng, xuống cấp nhanh; nguyên nhân chính là kinh phí bố trí cho công tác duy tu, sửa chữa, bảo trì còn hạn chế; công tác xã hội hóa trong công tác duy tu, sửa chữa các tuyến đường chưa được triển khai, nhân rộng; ý thức của người dân trong bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế; công tác phối hợp trong quản lý và xử lý vi phạm chưa thực sự hiệu quả, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến vi phạm chưa được xử lý triệt để, nhất là các vi phạm như: Làm mất chức năng tiêu thoát nước của đường bộ, lấn chiếm sử dụng đất hành lang giao thông để xây dựng công trình trái phép, trồng cây rau màu, vi phạm về tải trọng phương tiện, phá hoại biển báo và công trình phụ trợ...

Trong thời gian tới, cần sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, quản lý, khai thác và bảo vệ có hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông hiện có, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Đề nghị phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ tỉnh đến cơ sở và các đoàn thể chính trị, xã hội trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao hiệu quả các mô hình tự quản tại cơ sở.

2. Làm tốt công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa, bảo vệ các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm hiệu quả đầu tư, tăng thời gian sử dụng công trình. Rà soát, đánh giá tổng thể hệ thống công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện có; từ đó, có kế hoạch duy tu, sửa chữa cụ thể, đảm bảo phát huy hiệu quả các tuyến đường. Có giải pháp đồng bộ, phù hợp với từng cấp đường, loại đường, cụ thể như: Huy động nguồn lực; tổ chức lực lượng quản lý, duy tu; xây dựng hệ thống biển báo hiệu đường bộ; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong duy tu, sửa chữa; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và sửa chữa các tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp, điểm đen về tai nạn giao thông...

3. Tăng cường chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, khai thác và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo hoạt động giao thông an toàn và hiệu quả.

4. Quan tâm bố trí nguồn lực cho công tác duy tu, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; nghiên cứu triển khai và nhân rộng mô hình người dân tham gia bảo vệ, sửa chữa các tuyến đường giao thông theo hướng xã hội hóa (nhất là các tuyến đường liên huyện, liên xã, giao thông nông thôn...), bảo đảm kịp thời sửa chữa các tuyến đường khi mới bắt đầu bị hư hỏng.

5. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng công tác phối hợp giữa ngành giao thông vận tải với các cơ quan, đơn vị liên quan và chính quyền cấp huyện, cấp xã trong quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; nhất là việc phát hiện, xử lý các hành vi làm hư hỏng công trình, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý xe quá khổ, quá tải...; nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông có sự tham gia của người dân. Có sự phân công, phân cấp rõ về thẩm quyền, trách nhiệm; các cơ quan, đơn vị phát huy tính chủ động xử lý vi phạm theo thẩm quyền ngay khi phát hiện; kịp thời báo cáo và phối hợp chặt chẽ để xử lý vi phạm khi vượt thẩm quyền, tránh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

6. Căn cứ vào tình hình thực tế, kiểm tra, rà soát lại các mốc giới, tổ chức ra quân lập lại trật tự lòng, lề đường, hành lang an toàn giao thông các tuyến đường bộ, đặc biệt là các tuyến quốc lộ qua địa phương, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông (theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại Thông báo số 315/TB-VPCP ngày 03 tháng 9 năm 2020).

7. Phân công nhiệm vụ

a) Sở Giao thông vận tải

- Xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Chỉ thị này; tập trung làm tốt công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa, bảo vệ các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền quản lý để bảo đảm hiệu quả đầu tư, tăng thời gian sử dụng công trình. Nghiên cứu các giải pháp thực hiện bảo vệ, sửa chữa các tuyến đường giao thông theo hướng xã hội hóa (nhất là các tuyến đường liên huyện, liên xã, giao thông nông thôn...), bảo đảm kịp thời sửa chữa các tuyến đường khi mới bắt đầu bị hư hỏng; triển khai công tác cắm mốc giới đối với các tuyến đường mới, nhất là các tuyến quốc lộ;

- Chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn để Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị thực hiện công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; hướng dẫn xây dựng kế hoạch cụ thể để quản lý, bảo vệ và duy tu, sửa chữa kịp thời các tuyến đường thuộc trách nhiệm quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã;

- Tổ chức lựa chọn đơn vị duy tu, sửa chữa đáp ứng yêu cầu, kể cả mô hình xã hội hóa; sử dụng kinh phí hiệu quả đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, nhất là các tuyến đường tỉnh, quốc lộ. Chỉ đạo đơn vị các đơn vị trực tiếp quản lý đường bộ chủ động triển khai công tác bảo dưỡng thường xuyên; trong đó, tập trung thực hiện kịp thời các công tác: Khơi thông cống, rãnh thoát nước, sơn sửa lại hệ thống biển báo, xử lý cục bộ hư hỏng mặt đường. lắp đặt biển cảnh báo, phát quang tầm nhìn tại các vị trí nguy hiểm... bảo đảm mặt đường êm thuận, thông thoáng, thoát nước tốt. Bố trí và tổ chức lực lượng tuần đường đầy đủ theo quy định tại Thông tư số 04/2019/TT-BGTVT ngày 23 tháng 01 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; phát hiện kịp thời và xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ ngay từ thời điểm mới phát sinh;

- Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ công trình giao thông đường bộ. Chỉ đạo lực lượng thanh tra, lực lượng tuần kiểm phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an và chính quyền địa phương thực hiện công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến đường quản lý. Thu hồi giấy phép thi công đình chỉ hoạt động đối với các tổ chức, cá nhân gây mất an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ;

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; giải tỏa các công trình trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ các tuyến đường được giao quản lý;

- Tiếp tục nghiên cứu và triển khai thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; theo đó, phải xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của từng cơ quan, đơn vị, nhất là trong công tác xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó quan tâm đến các giải pháp tăng cường sự tham gia của người dân;

- Tham mưu, đề xuất Ban An toàn giao thông tỉnh chỉ đạo tổ chức ra quân lập lại trật tự lòng, lề đường, hành lang an toàn giao thông các tuyến đường bộ theo hướng dẫn của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Bộ Giao thông vận tải; đồng thời, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị triển khai đồng bộ nội dung này, đảm bảo thực chất, hiệu quả;

- Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Hoàn thiện hệ thống biển báo hiệu đường bộ để sớm triển khai, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; thời gian hoàn thành: xong trước ngày 30 tháng 10 năm 2020.

b) Công an tỉnh

- Chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với lực lượng thanh tra giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các vi phạm làm mất chức năng tiêu thoát nước công trình đường bộ, vi phạm về tải trọng xe, cơi nới kích thước phương tiện, xây dựng công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ…;

- Chỉ đạo công an cấp huyện, cấp xã: Tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trên địa bàn, nhất là các tuyến đường huyện trở xuống; tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng và thực hiện quy trình cưỡng chế các hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép phần đất của đường bộ, đất hành lang an toàn đường bộ tại địa phương; chỉ đạo công an địa phương kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ trong việc lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ.

c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện quy hoạch và xây dựng hệ thống công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai liên quan đến công trình đường bộ và sử dụng đất trong hành lang an toàn đường bộ, đất của đường bộ để canh tác nông nghiệp, bảo đảm kỹ thuật và an toàn công trình đường bộ;

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải trong công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều và phòng chống thiên tai liên quan đến công trình đường bộ (trên các tuyến đê kết hợp làm đường giao thông).

d) Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn quản lý xây dựng ngoài phạm vi đất dành cho đường bộ; tăng cường công tác quản lý quy hoạch đô thị, hoạt động xây dựng, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi xây dựng vi phạm hành lang an toàn giao thông; việc quy hoạch các công trình kết cấu hạ tầng khác phải đảm bảo đồng bộ, không ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông.

[...]